Montag, 28. Juli 2014

Chuột tây, chuột ta

Hôm nọ con tôi đòi vào tiệm bán thú vật xem cá. Nó thích nuôi cá nhưng tôi không cho phép vì biết rằng mình sẽ không có thì giờ chăm sóc, thay hồ, rửa hồ v.v. Chưa kể những kỳ nghỉ phải đi xa thăm bà con họ hàng bỏ cá chết đói sao ? Thơ thẩn trong tiệm tôi thấy có bán cả chuột. Mấy con chuột rao bán này trông không có vẻ gì là thuộc họ hàng nhà chuột cả, tức là trông chúng không có vẻ gì bẩn thỉu, đầy hung họa truyền bịnh dịch như hình ảnh con chuột trong trí nhớ của tôi. Tôi sinh ra và lớn lên ở Việt nam, nơi mà chuột bị liệt vào loại thú vật "cần phải tiêu diệt" vì chúng toàn làm ổ ở những nơi bẩn thỉu nên trên mình mang đầy vi trùng của đủ các loại bệnh tật dễ lây lan như dịch tả, dịch hạch chẳng hạn. Tôi tạm gọi chúng là "chuột ta" để phân biệt với "chuột tây" mà tôi đang quan sát trong tiệm bán thú vật. 

"Chuột tây" thì đa số bé tẻo tèo teo, có khi còn nhỏ hơn con chuột nhắt bên mình. Chúng có bộ lông thật mượt mà khác hẳn với những con chuột chù, chuột cống lúc nào lông lá cũng xù xì và bết lại do chui luồn ở các cống rãnh. Tôi không biết các chú "chuột tây" có thơm tho hay không (chắc là có, vì tôi thấy có mấy đứa bé ôm con "chuột tây" đưa lên mũi hít hà như hôn các chú gấu bông vậy), nhưng các chú "chuột ta" thì khỏi kể chúng ta cũng biết chúng hôi như … chuột. Một ngoại lệ có lẽ là chuột đồng. Chúng là một loài chuột đáng được ... đem lên chảo. Trước kia thì chuột đồng được xem là một đặc sản "đồng quê" nhưng bây giờ ở Việt nam mọc lên nhan nhản những quán bán các món ăn làm từ chuột đồng như lẩu chuột, chuột cà ri, chuột giả cầy, chuột nướng lá lốt, chuột xé phay ... v.v. Trông những chú "chuột tây" xinh xắn kia, tôi nghĩ bụng nếu mình mở một quán bán thịt chuột ở bên này chắc sẽ bị án tù chung thân không tại ngoại.

Càng quan sát tôi càng thấy nghi ngờ xuất xứ của các chú "chuột tây" này. Chỉ cần nhử một miếng đồ ăn gì đó là chúng đã nhanh chân chui ra khỏi chỗ trốn để đớp mồi. Tôi còn nhớ lúc ở Việt nam nhà tôi ngoài việc nuôi mèo bắt chuột còn sắm thêm vài cái bẫy chuột to cỡ bằng hộp đựng giày, nhưng chả mấy khi tôi thấy có con chuột nào sa bẫy cả. Tôi cũng tự hỏi không biết các chú "chuột tây" có sợ mèo không nhỉ hoặc cả đời đã từng thấy con mèo ra sao chưa ? Có lẽ là không mà đôi khi chúng còn có thể là bạn thân thiết với nhau nữa nếu có một cô bé nào đó nảy ra ý định nuôi cả mèo lẫn chuột trong nhà cho vui vì cô bé là con một (như đa số các trẻ em bên này) nên buồn bởi không có anh em để chọc ghẹo lẫn nhau. Tôi còn nhớ một bài đồng dao Việt nam nói về quan hệ mèo chuột:

Con mèo mày trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà ?
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo

Mèo bên này không ăn mắm mà ăn KiteKat nên "chuột tây" cũng không phải cực khổ lặn lội đường xa như "chuột ta".

 


Tổng kết lại thì các bạn chắc sẽ nghĩ  rằng làm "chuột tây" sướng hơn "chuột ta" nhiều. Cũng có thể. Nhưng nếu so về tuổi thọ thì tôi không chắc lắm. Chả là kỳ nghỉ hè vừa rồi tôi đi thăm một người bạn. Con gái bạn ấy có nuôi một con "chuột tây" xinh xắn đặt tên là Chewy. Tôi được tận mắt chứng kiến cảnh chú Chewy đấy bị con bé nựng nịu, vần lên vần xuống, rượt bắt quanh nhà, lục tung cả các tủ quần áo, xây chuồng bằng Lego rồi giam lỏng chú Chewy trong đó, và nhiều trò chơi quái đản khác mà tôi không thể diễn tả hết được. Một tuần sau hôm tôi về thì nhận được "i meo" của bạn tôi "báo tử" chú Chewy, chuyện mà tôi đã đoán trước rồi khi nhìn thấy con bé con chơi chuột. Không cần phải là bác sĩ thú y tôi cũng chẩn được bịnh án tử vong của chú "chuột tây" này: chết vì đứt tim mạch.



Quanh đi quẩn lại thì chuột nào cũng là... chuột. Đã là chuột là thuộc về loài thú yểu mạng rồi. Vì vậy khi con tôi xem chán chê chỗ hồ cá quay sang hỏi:
 "Mẹ ơi, cho con nuôi chuột nhé ?"
thì tôi đã có đầy một bụng những lý do để gạt đi cái ý tưởng điên rồ ấy.

Rau má (01/2008)

Manchmal

Có khi nào trên đường đời tấp nập
Ta vô tình đã đi lướt qua nhau
Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất
Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu
(Bùi Minh Quốc)



Manchmal suche ich vergebens
Auf der Strasse meines quirligen Lebens
Eine verwandte Seele
Eine lang erwartete Liebe
Und genau in diesem einen Moment
Gehen wir einfach aneinander vorbei
Ohne zu sagen
Ohne zu ahnen
Dass wir uns verpasst haben.

Đứng hay ngồi ?

Một trong những chuyện "đầu làng cuối xóm" của các đấng .. liền bà chúng tôi là "các quí vị mày râu nhẵn nhụi" khi đi toilet thì... "đứng hay ngồi". Ấy chỉ có cái đề tài cỏn con ấy mà làm cho buổi reunion của chúng tôi nhộn ra phết. Các bạn thử đoán xem kết quả sẽ là như thế nào ?

Một đứa bạn tôi tiết lộ rằng nhà cô ta có 2 đực rựa, đực rựa cha và đực rựa con. Cô bạn tôi phải đi làm fulltime, chỗ làm lại xa nhà nên mất nhiều thì giờ, cuối tuần còn phải chợ búa, mua sắm, không có nhiều thì giờ để dọn ... toilet. Lúc đầu cô ta chỉ bắt thằng đực rựa con "đi ngồi" để bớt phải lau chùi toilet. Về sau tên đực rựa chồng thấy vợ đầu tắt mặt tối thương quá cũng tình nguyện "đi ngồi" luôn. Đó là trường hợp "thanh niên xung phong". 

Có trường hợp khác là một thằng bạn tôi vốn thuộc loại "bác sĩ ba đời nhà ta", sạch sẽ thuộc hạng đặc biệt. Nó nói rằng khi đi các chỗ công cộng, nếu mà "đi đứng" thì sẽ rất ư là...mất vệ sinh vì ... văng tùm lum. Thời buổi "quen sợ dạ, lạ sợ … Sida" nó ngu gì "đi đứng" mà vào toilet "đi ngồi" vì chỗ "đi ngồi" của liền ông ở các nơi công cộng ít bị sử dung hơn nên sạch sẽ hơn. Trường hợp này tôi xin liệt vào trường hợp "thanh niên thức thời", biết tùy cơ ứng biến. 

Trường hợp thứ 3 là chuyện của một đấng lang quân của bạn tôi. Số là nhà anh ta chỉ toàn chị em gái, mỗi mình anh ta là con trai. Chẳng những bị "đì" đủ thứ thuộc về các nhiệm vụ "cao cả" của các vị chân yếu tay mềm như rửa chén, giặt đồ, anh ta còn bị bắt "đi ngồi" vì hễ mà bà nào khám phá ra là anh ta dám cả gan "đi đứng" là hôm đó anh ta lại được lãnh thêm phần thưởng ... danh dự của đấng quần thoa nữa: chùi toilet. Riết rồi anh ta "đi ngồi" cho rảnh tay rảnh chân mà đi đá banh với đám bạn quần ... xà lỏn. Trường hợp này tôi xin tặng bài "Một ngàn năm nô lệ đàn bà".

Thế mà trong buổi reunion hôm đó có một trường hợp "đi đứng" trong đó. Và li kì hơn nữa là tên được phép "đi đứng" này lại có họ hàng với ông Nguyễn Ngọc Ngạn hay cùng chung hội ... sợ vợ với ông ấy gì đấỵ. Có cá cuộc tôi cũng không bao giờ nghĩ hắn lại được "ưu đãi" như vậỵ. Hay là đó là chiêu "Nhất Long Thập Bát Chưởng" của vợ hắn ? Cho làm rồng phun nước một lần (Nhất Long), nhưng bù vào phải rửa bát mười lần (Thập Bát).

Đấy các bạn thấy chưa, "ngồi“ hay“ đứng" là cả một vấn đề tương đối lâm ly bi đát. Quên nữa, ở Việt Nam bây giờ cũng theo phong trào "đi ngồi" vì tôi thấy đi đường hay treo các bảng đề "Cấm đứng đái".   

Quí vị liền ông có đọc bài này xin vui lòng bỏ qua cho. Tôi chỉ viết lại những gi tai nghe mắt thấy, nếu có nghe lãng hoặc thấy sai xin bỏ qua dùm.
Thành thật đa tạ.

Luận về chữ ăn

Nếu bạn hỏi con gái tôi rằng tiếng việt và tiếng đức, tiếng nào phong phú hơn (đương nhiên bạn sẽ không thể dùng chữ "phong phú" mà chỉ có thể hỏi là tiếng nào "nhiều chữ" hơn thôi, vì con gái tôi chưa đủ trình độ để hiểu nghĩa của chữ "phong phú"), thì chắc chắn nó sẽ trả lời gọn thỏn: "tiếng việt". Không phải vì nó thiếu lễ phép mà vì tôi dạy mãi nó vẫn quên dùng cả câu "dạ thưa bác, tiếng việt ạ". 

Trong đầu óc non nớt của nó thì tiếng việt thật là đa dạng. Chỉ cần thêm các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng là từ một chữ đã "đẻ" ra thêm 5 chữ khác nhau rồi, mà nghĩa cũng khác nhau luôn. Thí dụ như chữ ma, má, mà, mả, mã, mạ. Nhiều người cho rằng tiếng việt ta không được phong phú cho mấy. Tôi không biết ngôn ngữ tiếng các nước khác rành rọt cho lắm nên không so sánh được. Có một điều tôi biết là: trong tiếng việt, "ăn" không chỉ có một nghĩa đơn thuần là một hành động để làm tan cái cảm giác đói meo của bạn. 


Chẳng hạn như "ăn tết". Đương nhiên ngày tết là tha hồ ăn rồi. Ăn lăn, ăn lóc, ăn từ nhà ta qua nhà ...hàng xóm, ăn từ mùng một đến mùng .... khi-nào-hết-ăn-nổi mới thôi. Nhưng "ăn tết" thực ra dùng để nói lên việc người Giao chỉ chúng ta đón mừng năm mới, không chỉ có "ăn" mà còn có các hoạt động vui chơi hưởng thụ khác nữa như may áo mới, đi lễ chùa, đốt pháo bông v.v... 

Và còn nhiều danh từ khác được ráp với chữ ăn tạo ra một chữ có ý nghĩa khác nhau như ăn tiền, ăn khách, ăn ảnh, ăn ý ... Chữ "ăn" ở đây có nghĩa là thu hút, hấp dẫn, chứ nếu quả thực bạn "ăn" ảnh, "ăn" tiền thì bao tử bạn thuộc loại  ... máy xay rác rồi. 

Lại có những chữ ăn đi chung với động từ như ăn cắp, ăn trộm, ăn hiếp, ăn xin … Chữ ăn làm cho động từ thêm phần mạnh mẽ hơn trong ý nghĩa. Hơn nữa bạn lại có thể biến nó thành một danh từ như "thằng ăn trộm", "người ăn xin" chứ không ai nói "người xin" cả.

Lại có trường hợp chữ ăn được ráp vào tính từ như "ăn chắc", "ăn thua", "ăn mòn" … Cũng giống như ráp với động từ, tính từ mà có thêm chữ "ăn" đi kèm thì trở nên tượng hình nhiều hơn.

Chữ ăn còn được xử dụng trong ca dao tục ngữ như "ăn xổi, ở thì",  "ăn hiền, ở lành". 
"Ăn xổi, ở thì" ám chỉ người hời hợt, không biết lo xa. 
Còn nếu bạn nói với bạn mẹ rằng "Mẹ ơi, cô bạn gái của con "ăn hiền, ở lành" lắm mẹ ạ ! ", thì mẹ bạn sẽ tức tốc mang trầu cau đến dạm hỏi cô ta cho bạn ngay vì câu "ăn hiền, ở lành" dùng để tả một người có tính cách hiền hậu chứ chả dính dáng gì đến việc ăn uống cả.

Đấy các bạn thấy chữ "ăn" nó đa dạng như thế nào rồi nhé ?

Xét cho cùng thì người việt chúng ta rất có "tâm hồn ăn uống", tuy hơi có tánh "lươi huyền" như được mô tả  trong ca dao:

Ăn thì lựa những món ngon
Làm thì chọn việc cỏn con mà làm.

Nhưng mà "ăn vóc, học hay", tức là có ăn khỏe thì học mới giỏi giang, đó là niềm vui của các bậc sinh thành dưỡng dục chúng ta. Vì vậy chúng ta chả dại gì mà "ăn kiêng" cả bởi vì chúng ta "ăn lấy thơm, lấy tho, chứ không ăn lấy no, lấy béo" nên nhân dịp năm hết Tết đến tôi xin chúc các bạn làm "ăn" phát tài, mặc dù nếu "diễn nôm" thì làm mới phát tài chứ "ăn" thì chỉ có phát ... tướng mà thôi.

À, quên nữa, bạn nào muốn nhớ cho dễ nhiều chữ liên quan với chữ "ăn" thì tôi xin kèm theo đây một bài thơ tôi tình cờ "lượm" được trong lúc "xợp" (surf) trên  mạng "in tờ nét":


Trên đời có lắm cái ăn
Ăn bơ làm biếng ăn không ngồi rồi
Ăn bớt, căn chặn, ăn hôi
Ăn cháo đá bát, ăn rồi nói không
Ăn hối lộ, ăn của công
Ăn như mỏ khoét, làm không ra gì
Ăn to, nói lớn mà chi
Ăn sung mặc sướng hay đi ăn mừng
Ăn cỗ, ăn tiệc tưng bừng
Ăn đời ở kiếp, ăn thề, ăn chơi
Ăn chẹt, ăn chực, ăn gian
Ăn trộm, ăn cắp, ăn "ngang" của người
Ăn uống, ăn vặt, ăn quà
Ăn thật làm giả ra ăn cơm tù
Ăn bún, ăn bớt, ăn chia
Ăn bền mặc chắc, uống bia ăn mồi
Ăn xổi, ở thì lôi thôi
Ăn nhịp, ăn khớp như vôi với trầu
Ăn no, ăn đủ nhu cầu
Ăn mò nói ốc, ăn xôi chịu đòn
Ăn học, ăn hỏi, ăn hàng
Ăn nào cũng thấy cơ man là tiền
Ăn trắng mặc trơn người hiền
Ăn chay niệm Phật thành tiên trên trời
Ăn vạ, ăn quịt là tồi
Ăn mưa nằm gió cuộc đời khó khăn
Ăn nên làm ra phán rằng:
Lắm tiền nhiều của không bằng ăn ngon.

Rau má (01/2008)

New York New York

- Thứ hai tụi này đi New York một tuần ...
- Trời đất, đi New York hai ngày là quá dư rồi.
- Ối, New York đi weekend thôi, khỏi lấy ngày nghỉ chi uổng.

Tôi đang "hồ hởi phấn khởi " khi bàn về chuyến du lịch sắp tới của mình bỗng dưng bị "bàn ra" thấy cũng cũng hơi lo lo. Khách sạn đã "búc"[1] rồi hổng lẽ gọi điện thoại rút ngắn lại vài đêm ? Lỡ rút ngắn rồi đến New York muốn ở lại thêm thì lúc đó ở đâu đây? Mưu sự tại Nhân, hữu sự tại Thiên. Nhân là tên chồng con bạn tôi, Thiên là... thiên hạ. Suy hơn tính thiệt tôi vẫn giữ quyết định đi New York với thời gian không như ... Thiên định.

Nghe nói ở biên giới họ xét kỹ lắm, hổng cho mang đồ ăn thịt cá trái cây gì vào nước Mỹ hết trọi. Vì vậy tôi cho đám con nít ăn sáng một bữa no say rồi mới khởi hành. Nhưng đàn bà thì hay lo xa, tôi vẫn mang theo ít nho táo. Dầu sao cũng phải lái xe khoảng hơn tiếng rưỡi mới tới biên giới chứ bộ.
Đang mơ màng ngắm cảnh ... đìu hiu dọc theo xa lộ thì tôi chợt nghe tiếng con bạn tôi hớt hải:

- Sắp tới rồi, còn cái gì thì ăn cho hết đi nghe bà con…

Tôi hoảng hồn bỏ nguyên chùm nho vào miệng nuốt chửng. May mà bây giờ nho bị cải biến "gien"[2], chả còn tí hột nào, chứ không chắc vài bữa sau tôi bụng tôi sẽ "tím ngắt một vườn nho".
Thủ tục nhập cảnh đơn giản hơn tôi tưởng tượng nhiều. Không thấy ai xét hỏi đồ ăn đồ uống gì sất. Có lẽ họ thấy con nít lố nhố, nhanh nhanh chóng chóng cho đi cho rồi kẻo chúng nó chạy lăng quăng mất trật tự thêm.

Khi tôi kể sẽ đi chơi New York nhiều người căn dặn:

- Nhớ ghé "Guốc bơ ri ao lét" nghe, "xốp"[3] đã lắm.

Mấy đấng đàn ông ... chồng cũng có nghe nhưng cứ phớt tỉnh ăng lê vì đầu tháng mới lãnh lương, ngu sao ghé "ao lét", chỉ có chết chìm chết lỉm vì các bà mà xuống "ao" thì đúng là cá gặp nước, tha hồ rút thẻ tín dụng ra cho chúng "chà" mệt nghỉ. Ông bà ta hay nói "thánh nhân đãi kẻ khù khờ". Đàn bà là sinh vật khù khờ ... bẩm sinh vì đàn ông luôn tự hào chúa chỉ cần một mẩu xương sườn của ông Adam đã nặn ra ngay một bà Eva mắt xanh mũi lõ (còn mà da vàng mũi tẹt là tại lúc đang nặn bà Âu cơ thì hai ông bà Adam-Eva cứ quấy nhiễu nhau trước mặt chúa làm chúa bị chia trí nên bỏ qua phân đoạn chỉnh hình và để lửa nung đất sét hơi quá tay).

Anh yêu người con gái ngây thơ
Ăn nói vu vơ rất khù khờ
Nhào vô mới biết mình đã hớ
Thì ra hùm cái giả nai tơ
(Vô danh)

Vì đám con nít léo nhéo đòi đi toa lét bất thình lình, đấng "Adam" của tôi vội vàng tấp ra cái "ếch xích"[4] gần đấy và vô tình chở Eva vào "thiên đường tội lỗi trần gian": Woodbury Outlet Center.

Tôi chưa thấy ai có kỷ lục đi "rét rum"[5] dài hơn … 3 tiếng đồng hồ. Nó còn làm cốp xe của chúng tôi tự nhiên có vẻ như teo lại vì bị chứa thêm vô số đồ Cái-Này-Rẻ-Không-Mua-Uổng.
Nhưng Guốc bơ ri ao lét không phải là chỗ dừng duy nhất trên con đường độc đạo đến New York. Chúng tôi còn ghé Lake George mua cà phê uống (nhưng chủ yếu là kiếm cớ để được đi nhờ toa lét vì chỉ mua mỗi một ly cà phê mà người ra vào toa lét cứ xoành xoạch như là đi bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ), mua kem đá nhận, chế xi rô trái cây đủ loại. Kem này kiểu làm từa tựa kiểu Việt nam nhưng ngon hơn vì tôi nhớ hồi đó kem đá nhận thì đá nhiều hơn xi rô, mà xi rô cũng chỉ là nước màu mà thôi, làm gì còn có trên cùng đổ thêm ít sữa đặc béo ngậy nữa. May mà lúc đó trời đã xế chiều, tuy có nắng nhưng gió thổi lành lạnh, thành thử không ai ưu ái việc nhảy xuống hồ theo đề nghị của con bạn có tâm hồn thể thao của tôi.


Chúng tôi nghỉ đêm tại Albany, thủ đô của tiểu bang New York. Mang tiếng thủ đô nghe oai chứ tôi thấy ngoài cái trường đại học có dáng đồ sộ quá cỡ và vài công trình kiến trúc mang vẻ Âu châu cổ kính, thành phố Albany buồn hiu hắt. Có mỗi tiệm ăn Việt nam cây tre cây trúc gì đó thì lại đóng cửa thứ hai làm tụi tôi phải ra "phút cọt"[6] ngồi gặm đồ Mỹ giải sầu và giải ... đói.

Cuối cùng thì sau hơn một ngày rưỡi "trường chinh nam tiến" chúng tôi cũng tìm ra cái khách sạn ... không sao ở đường số 77, Manhattan, New York (tôi không dám kể lại cho ai nghe "thành tích" này vì thường chỉ cần lái xe khoảng 6 tiếng là đã tới rồi). Mãi đến ngày về chúng tôi mới nhận ra rằng khách sạn của chúng tôi nằm ở địa điểm khá tuyệt vời: chung quanh có đầy đủ hàng quán, siêu thị, tiệm sách, tiệm giặt ủi, bến xe điện ngầm. Central Park chỉ đi bộ vài bước là đến. Thậm chí còn tìm được chỗ đậu xe miễn phí nữa. Chỉ có một điều là không hiểu do giường ngủ hơi bé hơn tiêu chuẩn "quyên sai"[7] hay tại máy điều hòa không khí kêu to hoặc do nôn nóng muốn đi du ngoạn thành phố mà cả bọn chúng tôi ai cũng thức sớm đặc biệt. Vậy chứ hôm nào chúng tôi ra khỏi khách sạn cũng gần  ... ngọ. Cần kể thêm rằng phái đoàn du lịch gồm 4 gia đình, 8 người lớn, 7 con nít và ... 1 cây đàn ghi ta.

Hôm đang đi dạo trên đường "Phíp"[8] thằng bạn tôi xin phép:

- Cho hai cha con tui ghé tiệm "Biêu Ờ Bia" năm phút nghe ?

Tưởng là tiệm bán bia, nước giải khát gì đó nên chúng tôi đồng ý không để bạn mình đi lẻ loi con nhạn như vậy. 5 x 15 = 75.  Chúng tôi không ra khỏi tiệm bán gấu bông "Build a Bear" sớm hơn thời gian đã tính trong bài toán nhân trên.

Hay hôm đi chơi phố tàu. Để đổi tuyến đường xe điện ngầm màu xanh lá cây (tôi phải nói rõ màu xanh gì vì còn có tuyến xe màu xanh nước biển nữa) qua tuyến xe màu vàng thì phải đi bộ khoảng hai "bờ lốc"[9] trong phố tàu. Vậy mà tôi cứ ngỡ mình đang đi dạo Vạn lý trường thành vì ý niệm về thời gian, khoảng cách của tôi đã hoàn toàn bị tê liệt dưới cái nóng thiêu cháy của thành phố New York. Mười lăm con người thì chỉ như vài con kiến trong cái ổ người là người này. Nhưng cái khổ ở đây là mười lăm con người này mang bệnh "sờ". Đàn ông sờ đồ điện tử, đàn bà sờ quần áo, con nít sờ đồ chơi. Người sờ thì mê mẩn, người không sờ thì đứng coi chừng người sờ để khỏi bị móc túi. Sờ mãi thì sẽ đâm ra muốn mua. Mua đồ ở phố tàu thì phải trả giá.  Trả giá một hồi cổ sẽ khô, sẽ thèm ly nước sinh tố. Uống ly nước sinh tố một mình sao đành. Ta lại trở lại bài toán nhân ở phía trên, nhưng phải bình phương lên vì ở phố tàu không chỉ có một tiệm bán gấu nhồi bông.

Thí dụ khác. Mua vé xe điện ngầm. Ở bến xe đường số 79 có hai máy bán vé tự động. Ta có thể mua bằng tiền mặt hoặc bằng thẻ tín dụng. Mỗi lần chỉ mua được 1 vé. Hôm đầu tiên chúng tôi xài thẻ tín dụng tại sợ sẽ bị thối lại cả đống tiền cắc khi mua 15 vé. Dùng thẻ chỉ mua được 2 lần là máy từ chối không bán tiếp vì lý do ... tôi không biết tại sao. Không đủ thẻ tín dụng để mua vé chúng tôi đành dùng tiền mặt. Mua vé bằng tiền mặt thì lâu hơn một tí vì có tờ đô đút vào là máy "nuốt" liền, nhưng cũng có những tờ nó cứ nuốt vào lại nhả ra, xoay, lật mặt nào nó cũng phun ra phè phè, nhất định đòi bằng được tờ khác mới thôi. Tôi không có thời gian nghiên cứu tại mần răng mà có tờ đô nó chịu, có tờ đô nó chê, vì đám người sắp hàng chờ chúng tôi mua vé đã có vài người diện mạo bắt đầu chuyển sang ... muốn gây sự  đánh nhau. Do có 2 máy và thời gian mua trung bình cho 1 vé khoảng 2 đến 3 phút nên chúng tôi không mất cả tiếng đồng hồ để mua vé xe. Tụi con nít khoái đi xe điện ngầm lắm vì có máy lạnh và nhất là đỡ phải đi bộ dưới cái nóng ngột ngạt của nhựa đường bốc lên.

Chuyện ăn uống cũng là một phương trình có nhiều ẩn số. Người lớn thì coi như đồng tình rồi, tức là không thích ăn đồ Mỹ.  Còn đồ Tàu, Thái, Mã lai, Nhật gì cũng được, đồ Việt nam là thượng sách, Ấn độ ta liệt vào nhóm máu C, tức là đồ có nhiều cà ri, không hợp khẩu vị Việt nam. Nhưng đám con nít thì không có tinh thần "nhất trí thông qua" cho lắm. Đứa đòi ăn hambuger, đứa đòi pizza, lasagne, gà chiên, khoai tây rán, v.v … Nói chung là ý kiến mỗi đứa thay đổi như chong chóng tùy theo đói nhiều hay đói ít.  Mà đồ á châu chúng nó tuy không hảo nhưng cũng chẳng chê. Thành thử nhiều khi chúng tôi cử đảo từ "bờ lốc " này qua "bờ lốc" kia rồi quay lại "bờ lốc" cũ mà vẫn chưa quyết định được nên ăn ở tiệm nào. Thường thì tôi hay áp dụng chính sách "quyền (phụ) huynh thế ... lực" nhưng vì là đi chơi, đi nghỉ hè, nên chúng nó được ưu tiên hơn và chúng tôi được ... đi bộ nhiều hơn.

Bạn sẽ hỏi thế chúng tôi đã xem được những gì ở New York với đám bầu đoàn thê tử ấy ? Cũng như bao nhiêu khách du lịch khác chúng tôi cũng đi phà ngắm tượng nữ thần tự do, cũng leo lên được Empire State Building, đi … toa lét ở Walldorf Astoria Hotel (giá một đêm ở đây hơn cả tháng lương của tôi nên tôi chỉ dám đi toa lét ... lén mà thôi), ghé "ngắm" kim cương ở Tiffany (mua thì còn phải xét lại vì tôi không thấy để giá gì cả tức là thuộc loại hàng "vô giá" chăng ?), mua đồ điện tử ở Apple Store v.v…. Ngay cả Time Square rực rỡ ánh đèn "khuya" đám con nít cũng được đi qua. Ấn tượng nhất với chúng nó là tiệm Toys"R"Us. Và cũng ấn tượng không kém với tôi nữa vì hình như chúng tôi "ghé bến" ở đó cũng không dưới một tiếng đồng hồ.

Ai nói đi New York chỉ cần hai ngày ? Một tuần du lịch qua đi như cơn gió thoảng.  

Tôi đế giày quên mỏi
Lê giữa phố phồn hoa
Nghe lòng mình tự hỏi
Phố người hay phố ta ?


Đỗ Quyên
August 2009

[1] book
[2] gene
[3] shop
[4] exit
[5] restroom
[6] food court
[7] queen size
[8] Fifth avenue
[9] block

Người ngoại quốc

Tôi không sống ở Mỹ nên chẳng biết mở đầu câu chuyện "Viết về nước Mỹ" ra sao. Chả nhẽ kể chuyện khoa học giả tưởng à ? 
À, tôi có con bạn lấy chồng Mỹ. 

Nếu ai bảo tôi trúng số độc đắc chưa chắc tôi đã té ngữa ra như khi nghe tin nó lấy chồng ... Mỹ. Nó là đứa hiền nhất trong đám tặc nữ lớp tôi, lúc nào cũng mơ mơ huyền huyền như con thuyền không bến ấy. Vậy mà nó toàn làm chuyện "động trời" không thôi. Tôi trợn mắt khi đến nhà nó mượn bài về chép nghe má nó "bỏ nhỏ" rằng nó đã một mình dẫn đàn em đi vượt biên tối hôm qua rồi. Sang Mỹ ít lâu là nó lo được giấy tờ bảo lãnh ba má. Bây giờ được tin "thuyền mơ" ghé bến ... Long Beach, hỏi sao tôi không ngã chổng cho được ?

Tôi qua thăm nó nhưng để tiết kiệm chi phí tôi không ở khách sạn mà ở nhà ba má nó vì... nó cũng ở đó. Hổng phải hai vợ chồng nó vô gia cư mà trái lại tụi nó có một căn nhà to tổ chảng gần bãi biển, của ba má chồng tặng. Nhưng ở đó đi làm về hổng có cơm sẵn để ăn, con hổng có ai chăn, quần áo hổng có ai ủi. Thành thử mấy bữa qua thăm nó tôi được sống trong một đại gia đình khoảng hơn chục người (có nhiều bữa ăn tôi phải đi kiếm thêm ghế vì lũ em nó kéo bồ kéo bịch về trình diện ông bu bà bu), ba thế hệ, hai con chim què mà má nó cứu được từ mõm con mèo hàng xóm và một con chuột không biết ai cho con bé con gái của nó vào dịp sinh nhật. Nhưng chuyện tôi muốn kể ở đây không phải là chuyện nửa đêm muốn đi giải bầu tâm sự cũng phải ... rút số hay lúc đi chợ phải mang … bao bố theo mà những chuyện vui buồn ở "Trung tâm văn hoá Việt-Mỹ" này.

Thời gian ở đó tôi chỉ nghe má nó nói chuyện với con rể vì ba nó ... không nói tiếng anh. Cần chuyện gì thì ông tự động cho bà lên chức "thông dịch viên hữu thệ". Bà chỉ thích thất nghiệp nên kêu ông đi học tiếng anh và cố ý không bắt điện thoại khi rể gọi về. Ông nhấc máy:
- Hé lô ?
Ông cúp máy. Bà hồi hộp dọ hỏi:
- Ai gọi đó ông ? Hỏi gì vậy sao hổng thấy ông trả lời ?
Ông thản nhiên:
- Gọi nhầm số.
Mấy bữa sau thằng rể đòi đổi số điện thoại vì đường dây trục trặc, gọi về chỉ nói được một câu là bị gián đoạn.

Ông bà nuôi cháu theo kiểu Việt nam, lâu lâu lại dí vào tay cháu miếng sô cô la. Thằng rể sợ con ăn nhiều sâu răng, ném kẹo vào thùng rác. Bà buồn. Ông an ủi:
- Chấp nó làm chi, nó người ngoại quốc ...
Tôi đang ăn phì cười, cơm văng tùm lum:
- Dạ con xin lỗi hai bác, tại mắc miếng xương cá.
Ông bà ở đất Mỹ mà kêu dân bản xứ là người ngoại quốc.

Nói vậy chứ ba má nó thương thằng rể "người ngoại quốc" lắm. Ốm đau cũng rể chở đi khám bịnh, mua thuốc. Đi thăm bạn bè ở Chicago, Texas cũng rể mua vé máy bay, đưa đón ra phi trường. Người ta mượn tiền hổng chịu trả cũng rể đi đòi dùm. Chờ "thuyền mơ" hay mấy đứa em của "thuyền mơ" thì có mà mòn mỏi nơi đại dương.


Con bạn tôi là "thuyền mơ" chứ con gái nó thuộc loại "hàng không mẫu hạm", muốn gì là đòi cho bằng được mới nghe. Hai vợ chồng nó dạy con kiểu Mỹ. Tự do ngôn luận. Ai nói giỏi, nói hay, người đó thắng. Con nít nó có một bí kíp mà ta nên tìm để tu luyện vì nó sẽ đưa ta đến đỉnh cao trí tuệ loài người. Bí kíp này chỉ vỏn vẹn một chữ:
- Why ?
Còn muốn học cách phá bí kíp này thì bạn phải hỏi ba của "thuyền mơ".
- Ông ngoại nói hông được là hông được, hổng có quai quái gì hết ...
Đôi khi tôi cũng đồng ý với ông ngoại, một phần vì trình độ tiếng anh của tôi không đủ để đánh võ tay đôi với „hàng không mẫu hạm“ và vì tôi cũng không đủ kiên nhẫn đi tìm chiếc dép cho cái "quai" của nó.

Chồng "thuyền mơ" sợ mập nên chỉ uống sữa "low fat", chưa kể còn pha thêm nước vào nên ly sữa có màu lợ lợ như nước vo gạo. Ba nó không uống sữa cũng không uống nước vo gạo nên ông đổ xuống cống. Rể tiếc nước vo gạo thở dài. "Thuyền mơ" làm sứ giả hòa bình:
- Trong sữa có nhiều vitamins ba à, bổ xương, cũng tốt cho cả người già ...
Ông thôi không đổ nước vo gạo nữa nhưng cũng không uống sữa. Chắc ông bị tự ái vì con nó chê ông già.

Tôi chất vấn em trai "thuyền mơ":
- Em dấu bạn gái đâu kỹ thế ?
- Ba em hổng ưa gái Mỹ.
Tôi nheo mắt chọc nó:
- Ưa má em thôi chớ ! Còn em ? Con gái Việt nam chê em hả ?
Em trai "thuyền mơ" cao ráo, dễ coi, nếu không muốn nói là tương đối điển trai.
- Gái Mỹ nói "no" là ... chấm hết, gái Việt nam thì chấm hỏi, chấm phẩy, chấm than, chấm chấm chấm … có trời mà biết.
Chắc nó sợ chấm sai dấu nên sau này lấy vợ là một cô giáo người Mỹ. Lễ cưới cũng đầy đủ thủ tục, trầu cau lễ mễ. Phải công nhận con gái Mỹ mặc áo dài khăn đống có kém phần thướt tha vì dáng đi hơi "hùng dũng", nhưng bàn về nét thẫm mỹ thì không chê vào đâu được bởi thân hình cân đối, đâu ra đấy.

Má "thuyền mơ" qua Mỹ học đậu bằng lái xe mới chì chớ tuy bà chỉ lái "đường trong" thôi chứ không bao giờ dám mò ra xa lộ. Bà lái xe đi chợ, đi đón cháu, ra bưu điện, nhà băng v.v. Bà rành đường hơn cả "thuyền mơ" nữa. Má "thuyền mơ" là hình ảnh người mẹ Việt nam trên đất Mỹ. Bà giống như cái swing-door, không có khóa, không có núm cửa, một mặt Mỹ, một mặt Việt, chỉ cần lấy vai thúc nhẹ là ta đã sang phía bên kia rồi. Có chuyện gì cần tư vấn là tôi lại được nghe một câu quen thuộc:
- Hỏi má đó !

Ngay cả chồng "thuyền mơ" cũng rất trân trọng ý kiến của bà. Bà hay nói nhờ thằng rể bà mới có cơ hội thực tập tiếng Mỹ nhưng thực ra là chồng "thuyền mơ" phải thực tập với bà để được bà chỉ bảo nhà hàng nào ăn ngon, tiệm giặt ủi nào giá rẻ, miếng đất nào nên mua ... Rể bà làm chủ một khu thương mại có vài cửa hàng nho nhỏ, cũng có cho người Việt thuê mở tiệm buôn bán. Người Việt mình đôi khi không sòng phẳng, giao kèo ký xong lại đòi giảm giá thuê, bớt tiền điện, khất khoản đặt cọc v.v. Thay vì ra luật sư thưa kiện, thằng rể chỉ cần gửi má vợ đi giao dịch:
- … rể tui nó người ngoại quốc ...
Cái câu nói ngộ nghĩnh đã từng làm tôi "mắc xương cá" này vậy chứ đôi lúc gây được hiệu quả bất ngờ.

Những ngày giỗ chạp cả gia đình "thuyền mơ" quây quần bên bàn ăn, xương gà, xương vịt vứt lổng chổng, tôi đôi lúc quên béng mình đang ở Mỹ nếu thỉnh thoảng trong những mẩu đối thoại không lạc vào mấy chữ:
- ... người ngoại quốc ...

July 2009
Aza Lee

Chiếc váy

Đi học ở trường Lê-Quý-Đôn thì nam sinh mặc quần xanh dương, áo trắng, nữ sinh áo trắng, váy đầm màu xanh dương và áo phải bỏ vào trong. Tuy là đồng phục nhưng váy đầm đúng là đề tài muôn thuở "Phụ nữ và Trời trang". Mới nhìn thoáng qua thì thấy đều là váy đầm xanh như nhau, nhưng chẳng có cái nào giống cái nào cả.

Điểm giống chung duy nhất là các váy thường có các nếp xếp (pli) để tránh mau bị nhăn.  Nhưng các kiểu xếp thì khác nhau. Có váy xếp đều, tức là các nếp xếp có kích thước đều như nhau. Lại có loại váy xếp mà các nếp xếp không đều, tạo ra một hình dáng mới, lạ mắt hơn. Mỗi lần mẹ tôi dẫn tôi ra chợ Bến Thành để đi mua váy mới là tôi lại hoa mắt lên với những chiếc váy xanh đủ kiểu.

Trong lớp tôi, điệu đà nhất phải kể đến chiếc váy của Anh Thư. Anh Thư hay mặc cái váy mà phía trước chỉ xếp vài nếp thôi, phần còn lại thì phẳng lì. Váy cài bằng một cái cúc to thật đẹp. Chi tiết này do một thằng bạn cùng lớp của tôi cung cấp chứ thật sự thì tôi đâu có trí nhớ siêu đẳng ... Lê-Quý-Đôn như vậy mặc dù tôi là học sinh trường mang tên của ông. Thế mới biết, dù ở lứa tuổi nào, quí bà quí cô cũng chưng diện với mục đích làm … điêu đứng các đấng nam nhi chi … chít chí.   

Chiếc váy của Mỹ Chiêu cũng không kém phần đặc sắc vì nó … ngắn củn cỡn. Tôi không bàn đến cái hấp dẫn của cái „ngắn“ ở chiếc váy mà muốn tả cái nét nhí nhảnh của nó. Vì nó ngắn hơn hẳn các váy khác nên trông nó có vẻ vui tươi, trẻ trung hơn. Có anh chàng nào học lớp tôi khi đọc bài này mà còn nhớ thêm chi tiết nào về chiếc váy của Mỹ Chiêu thì xin vui lòng mail về cho tôi để tôi sửa đổi bài văn cho chính xác hơn. Tôi xin hứa không nêu tên bạn ấy để giữ …hòa bình cho nhân loại.

Tôi có kể đến Diệm Trang ở bài viết về cô Nương. Diệm Trang hay thay đổi váy, lúc mặc váy kiểu này, lúc kiểu khác, đặc biệt là các nếp xếp bao giờ cũng to hơn bình thường. Cái ... không đẹp ở chiếc váy này là ở chỗ vì các nếp xếp to nên trông nó xoè rộng hơn bình thường, chả có vẻ gì là dễ thương cả. Cũng may mà Diệm Trang cũng thuộc vào loại ... "tứ đại mỹ nhân" (bốn người đàn bà đẹp nổi tiếng trong lịch sử Trung hoa là Điêu Thuyền, Vương Chiêu Quân, Tây Thi, Dương Quý Phi Ngọc Hoàn) của lớp tôi nên cứu vãn được phần nào khiếm khuyết của chiếc váy có nếp xếp quá khổ ấy.

Và cuối cùng tôi cũng nên nói về chiếc váy xanh của ... tôi .Chiếc váy của tôi mang một sắc thái dân tộc ... Bắc kỳ. Các bạn thắc mắc "sắc thái dân tộc Bắc kỳ" là kí rì ư ? Đó là chiếy váy xếp rất bình thường. Cái đặc biệt của nó là nó có thêm ... hai sợi dây mặc khoác qua vai. Công dụng của hai sợi dây này thì quả là một phát minh của thế kỷ. Nếu mẹ bạn mua cho bạn một chiếc váy kiểu này ở một kích thước ... không đúng với lứa tuổi của bạn, tức là nó dài và rộng, thì chỉ cần cài sát vào vài lần cúc ở eo và vài lần cúc ở sợi dây là cái váy có chiều dài như ý ... mẹ bạn muốn. Và với từng năm học trôi qua, các hàng cúc lần lượt được mẹ tôi cắt dần đi.

Đến cuối năm tiểu học tôi vẫn mặc chiếc váy ... thần kỳ này. Nhà tôi đến bốn đứa con gái, tôi là may mắn nhất vì là chị cả , không phải mặc quần áo "Chuyển-Nhượng-Lại-Khi-Đã-Ngắn" như các em tôi, nhưng vì chỉ có tôi học trường Lê-Quý-Đôn với áo trắng váy xanh nên tôi chẳng bao giờ dám than phiền về chiếc váy ... Bắc kỳ của tôi cả.

Đến năm lớp sáu thì tôi được mẹ mua cho một cái váy mới không có quai đeo. Tôi "diện" chiếc váy này chưa tròn một niên khoá thì chính quyền thay đổi. Sau 75 có nhiều nỗi buồn nặng nề hơn, nhưng đối với tôi, nỗi buồn nhất là không còn được mặc chiếc váy xanh đến trường nữa.

Tây hay ta

Hôm nọ ngồi nhâm nhi cà phê tán gẫu với thằng bạn nối khố thì thỉnh thoảng nó lại nhăn mặt suýt xoa.
-   Sao thế, mắc chồ [1] à ?
Nó nhe mồm chỉ chỉ vào cái răng cửa vàng khè vì khói thuốc:
-   Cái răng này lâu lâu gặp nóng hay lạnh là cứ đau buốt lên tận óc mày ạ !
-   Thế sao không đi nha sĩ ?
-   Thằng con tao nó đi thực tập bên Anh rồi, cuối tháng nó mới về dẫn đi được, tao tiếng Đức ba cọc ba đồng, diễn tả không xong nhỡ thằng cha nha sĩ lại đè ra nhổ phăng đi thì ông húp cháo à ?
-   Thì mày đi ông Philipp Horn đấy !
-   Đã bảo ông cóc biết tiếng Đức mà lị
-   Nha sĩ Việt nam mày ơi, tha hồ kêu khổ …
-   Ủa vậy sao tên Philipp Horn mà không là đốc tờ ... Nguyễn ?
-   Thế sao vợ mày không chịu đi bà bác sĩ phụ khoa Aydin Aida gì gì đấy ở gần nhà cho tiện mà phải lội lên tận trung tâm Aachen ?
-   Bả nói tên gì nghe kỳ quá, không giống tên Đức nên bả ... xù
-   Đấy nhé, vợ mày da vàng mũi tẹt mà còn "thiên vị" thì “đốc tờ Nguyễn” chết đói à ?
Nó ngỏn ngoẻn cười (lại nhe cái hàm răng vàng khè ra):
-   Con vợ tao nó thích xài đồ "ngoại" chứ tao vẫn ủng hộ “đốc tờ Nguyễn”. Thế phòng mạch ông Philipp Horn này nằm ở đâu ?

Sau khi hý hoáy ghi cho nó số điện thoại phòng mạch nha sĩ “đốc tờ Nguyễn” aka[2] Philipp Horn, chúng tôi lại tiếp tục nhâm nhi cà phê và đề tài tán gẫu chuyển sang chuyện tên tây, tên ta.

Nó kể thằng bạn làm chung hãng sanh thằng con trai đặt tên Trần Công Phú suốt ngày bị bọn bạn cùng lớp chọc ghẹo kêu Kung-Fu, Kung-Fu … Lâu lâu thằng bé nhịn không nổi lại choảng nhau một trận với đám nhóc con làm ông bố cứ phải vào thanh minh thanh nga với nhà trường rằng chỉ tại cái tên mà ra chứ thằng bé hiền như bột. Nói mãi mỏi miệng, thằng bạn nó nộp đơn lên thành phố xin đổi quách tên thằng con thành Trần ... Paul.  


Ông bà nội ở Việt nam lạ lẫm với cái tên “đức cống” này nên mỗi lần gọi điện thoại sang cứ hỏi:
- Thằng "Bao" dạo này lớn chừng hung rồi bay ?
 
Cục bột nhà thằng bạn nó tự dưng biến thành ... bánh bao ông cả Cần mà chả phải nắn hấp gì. Nghe đâu để được … nở thành bánh bao, ông bố cũng phải văn từ lên xuống, xin giấy chứng nhận này nọ, thành phố họ mới chấp thuận cho. May mà thằng bé chưa quá tuổi vị thành niên và chỉ đổi tên chứ không đổi cả họ nên lệ phí cũng không cao lắm.


Theo tôi được biết thì lệ phí cho việc sửa đổi của họ là từ 2,50€ đến 1022,00€, lệ phí cho việc thay đổi tên là từ 2,50€ đến 255,00€. Theo điều 47 của Bộ luật dân sự Đức (Einführungsgesetz zum Bürgerlichen Gesetzbuche - EGBGB) sau khi nhập tịch hoặc được công nhận là người tị nạn (Asylberechtigter) ta có quyền đổi tên họ sang một tên Đức, hoàn toàn miễn phí và cũng không cần phải nêu lên lý do tại mần răng mà Mạnh Quốc Văn Lê lại biến thành … Markus van Lier. Có nhiều cặp vợ chồng khi sanh con thì đặt luôn cho con một tên ghép Việt-Đức như Sarah Thanh Vân Nguyễn hay David Hiếu Đức Phạm cho khỏi phiền hà. Muốn kêu tên tây cũng được mà ta cũng xong, không tốn đồng xu cắc bạc nào, lại “đề huề hai họ”.

Đám thanh thiếu niên bên này thì tương đối đơn giản, gọi nó bằng tên tây là "bao" (Paul) hay tên ta là "túi" (Thúy) nó cũng “ô kê” tuốt luốt nhưng cái đám " lỡ một mùa xuân" như tôi và thằng bạn răng vàng ố của tôi thì đôi khi vẫn còn hủ nho, vẫn thích được gọi bằng những cái tên Việt nam cha mẹ thức trắng bao đêm tra tự điển để đặt như "Tứ quân tử" Mai, Lan, Cúc, Trúc nếu sanh 4 cô con gái hoặc "Ngũ Thường" Nhân, Nghĩa, Lễ , Trí, Tín nếu sanh 5 thằng đực rựa, còn mà nhà đông con, lại cả nếp lẫn tẻ thì Trường, Giang, Sơn, Hải, Vạn, Lý, Sanh, Chi, Hoài, Thế v.v. Khốn khổ thay là đôi lúc có những tên "ta" rất đẹp như “Lê Chiến” người Pháp đọc thành ... con chó (le chien), hay “Thế Dũng” dân Mẽo kêu là ... bãi phân (the dung).

Có những tên ta nhận ra ngay là gốc "Giao chỉ" vì tên tây mà mang họ ta như Debbie Nguyễn (chắc tên Việt là Điệp), Tommy Trần (chắc tên Việt là Thông) hay Catherine Lê (Lê Cát Tiên). Nhưng cũng có những tên như Jenny-Mai Nuyen, tác giả cuốn tiểu thuyết Nijura - Das Erbe der Elfenkrone (Di sản của vương miện thần tiên), nếu thiếu tên "Mai" có lẽ tôi không nghĩ cô ta là người Đức gốc Việt vì Nuyen chắc do một in ấn sai lầm của nhà xuất bản đưa đến một bút hiệu có âm hưởng như tiếng ... cam bu chia.

Ở bên này mang tên nửa ta nửa tây là chuyện không có gì đáng bàn đến vì lý do hội nhập mà ta phải theo mà thôi. Ngộ nghĩnh là ở Việt nam, kiếm lòi con mắt mới thấy một ông tây bà đầm mắt xanh mũi lõ mà cũng có nhiều người đặt tên ở nhà cho con là Angela, Elizabeth, Johnny, Jimmy v.v. Trẻ con hàng xóm gọi "vắn tắt" là con La, con Bét hay thằng … Trôn, thằng …Chim. Mà không phải chỉ người "kinh" mới có phong trào đặt tên con kiểu "sính ngoại" này mà đọc báo tôi thấy nói cả người dân tộc Cơ Tu ở miền núi biên giới Tây Giang cũng lấy tên các diễn viên điện ảnh Hàn Quốc đặt tên cho con như Giang Gun, San U, San Ốc (chả biết có San Hô không nhỉ vì trên núi mà đẻ ra San Hô thì quả là chuyện "lọa" đáng được lên báo) cho giống như các diễn viên mắt một mí trong mấy bộ phim Hàn Quốc đậm màu hỷ nộ ái ố này.

Ngắm nghía tờ giấy ghi địa chỉ, số điện thoại của "đốc tờ Nguyễn" thằng bạn tôi nheo mắt:
-   Horn, Philipp nếu ở Việt nam thì sửa bảng phòng mạch thành đốc tờ Hoàng Phi Liệt, nghe cũng ... sơn đông mãi võ ra phết !
-   Ờ !
Tôi lơ đãng gật đầu.
-   Nhưng Schmidt, Anna chẳng nhẽ thành ... Sờ Mít Ăn Na à ?
-  Mày rõ bôi bác, đương nhiên người ta phải phiên âm phiên phiến đi chứ, như Sương Mỹ Anh chẳng hạn ...
Thằng bạn tôi quên cả đau răng khoa tay hùng hổ:
-   Mày giỏi thì tên ông bác sĩ chuyên ngành [3] Bob Vu mày phiên âm “phiên phiến” tao xem nào ?

Tôi biết thằng này tính chơi xỏ mình nên đi một đường rất ... khoa học:
-   Nghe ông giảng nho đây này: ”Bob” là  biệt danh của "Robert", như tên thượng nghị sĩ Bob Kennedy, có ý nghĩa là danh tiếng và hào quang nên ta không thể dịch nôm na là bác sĩ chuyên ngành “bóp” này “bóp” kia được mà phải dịch là Vũ Quang hoặc Vũ Danh.
-   À há, thế thì Madame Vũ là ... Vũ Nữ chứ gì ?
Tôi đấm vào vai nó một phát:
-   Thằng này láo
và không khỏi thắc mắc thầm trong bụng là mỗi khi gặp vợ tôi, nó nhe bộ răng ám khói thuốc cười hề hề xã giao:
-   Chào "Madame Vũ", dạo này vẫn làm ăn tốt chứ ?
thì trong đầu nó nghĩ tây hay ta ?

Người viết: Vũ Danh
(Tái bút: Vũ Danh là tên khai sinh cha mẹ đặt cho từ bên Việt nam chứ không phải dịch từ Bob Vu đâu ạ, xin độc giả chớ hiểu nhầm sẽ dễ … gây án mạng)



[1] tiếng lóng miền nam dùng chỉ việc đi ... đại tiện
[2] as known as = cũng được biết là
[3] bác sĩ chuyên ngành = Facharzt