Freitag, 7. November 2014

Kiều tâu

Bước tới "Kiều tâu" thật hãi hùng
PHÂN vân nửa muốn, nửa còn run
Chiến trường sanh tử ... vài ba bãi
Nhịn được thì thôi, ráng tới cùng!

Chắc có nỗi niềm "lan huệ sầu ai lan huệ héo" gì đó mà hôm nay thằng bạn tôi thay vì kể chuyện tiếu lâm "xỉn xỉn ngủ xập báo" nó buồn tình đăng lên Facebook mấy câu thơ rất nặng mùi "Kiều".
Thế là ùn ùn nào người này kể lể đi thăm cầu Kiều ở Phi phải khai báo quốc tịch để được xác định tiêu chuẩn là nhận được mấy miếng giấy … chùi (không thấy kể là để chùi tay hay chùi "Kiều")

Tự dưng nó làm tôi nhớ những ngày hơn 30 năm trước, khi má tôi lo tìm đường cho tôi đi vượt biên. Tôi vốn sinh ra dưới một vì sao mờ mờ (vì lý do này nên các lá số tử vi má tôi đi xin cho tôi đều đoán ... trật lất về tương lai vận mệnh của tôi), bởi thế suốt gần 2 năm trời tôi cứ mới tuần trước nói chia tay với bạn bè, gởi gấm lại lưu bút, hình ảnh, tuần sau chúng nó lại thấy tôi nhăn nhở đứng trước cổng trường chờ tan học để rủ nhau đi lang thang ở hồ con rùa, tỉ tê mơ về một tương lai cũng mờ mịt như tử vi của tôi.

("Kiều tâu" ở trường Lê Quí Đôn)

Trong những lần đi vượt biên "hụt" đó có lần tôi phải ra Vũng Tàu, "nằm vùng" ở nhà một gia đình chài lưới. Sau này tôi mới biết là bọn lo vượt biên lấy tiền của má tôi nhưng chúng không có tổ chức, không có ghe tàu gì cả mà đưa anh em chúng tôi đến tạm trú ở nhà một gia đình chài lưới chờ đi kiểu "canh me", tức là cứ đêm đến ra bãi, chờ thấy có tàu nào rời bến ra khơi thì lén nhảy lên. May mà trong thời gian tạm trú ở Vũng Tàu không có chuyến ra khơi nào chứ bây giờ suy nghĩ lại, dân Sề ghềnh ù ù cạc cạc như anh em nhà tôi, chưa kịp lấy đà để nhảy lên tàu là đã bị thiên hạ lấy mái chèo gạt xuống biển rồi.
Những ngày tạm trú tại đó thật là chẳng khác gì đi cải tạo. Dân chài ăn cơm thanh đạm. Tôi chỉ ăn nổi cơm độn khoai mì chan với tí nước rau luộc cho dễ nuốt vì tuy bữa cơm cũng có cá nhưng dân chài họ không biết nấu canh chua cá bông lau, không biết cá thu kho giềng, cá lóc kho tiêu, cá rô kho khế như ngoại tôi hay nấu. Cá của họ chẳng những còn nguyên đầu đuôi xương xẩu mà còn tanh rình mùi cá, có lẽ do chẳng có bỏ thêm gia vị gì. Ngoại tôi kho cá ngon như vậy mà tôi còn không đụng đũa đến vì tôi vốn cầm tinh con mèo "hen", chỉ ăn thịt chứ không ăn cá sợ hóc xương ho hen thì chết. Tối đến, hôm nào không phải ra bãi "canh me" thì tôi phải đi ngủ theo như mấy cô con gái của gia đình chài vì họ sẽ đi kéo lưới rất sớm từ lúc tờ mờ sáng. Nhà ở trên dốc núi theo kiểu nhà sàn, gió cứ thổi vi vút vương mùi ... cá tanh tanh của các cô chạy vào mũi "mèo hen" làm tôi không thể nào ngủ được. Tôi nhớ nhà, nhớ má, nhớ ngoại và tự hứa nếu đi không thoát phải trở về tôi sẽ ngoan ngoãn ăn cơm với cá dù phải nhằn từng miếng xương cỏn con còn sót lại do ngoại mắt mờ không thấy để lọc nó ra.

Và nỗi hãi hùng nhất của tôi là cái "Kiều tâu". Nhà tôi thì cầu "Kiều" cũng giống như ở đa số các nhà khác là cái bệ để ta có thể ngồi chồm hổm, một tư thế rất khó mà đọc truyện chưởng vì "ngầu lôi tăng kể" [1]. Nhưng nhà ngoại tôi thì cầu "Kiều" giống y như bên này, tức là bằng men trắng sang trọng, chẳng những tôi có thể luyện liền tù tì "Nhất dương chỉ" lẫn "Nhị thiên đường" mà lại còn không phải khệ nệ khiêng một chậu nước để phi tang tích mà dung tích của chậu nước tỉ lệ thuận với những bộ công phu hay kiếm pháp mà tôi tu được trên cái "Kiều tâu" chỉ dành riêng cho ông ngoại vì ông ngoại tôi không may mắc bịnh Polio nên một chân teo liệt, không thể ngồi "Kiều" chồm hổm được.



Hôm đầu tiên vừa đến là tôi được cô con gái út của gia đình dắt ra thăm "Kiều" rồi. Tôi xém chết vì bị "nghẹt đường thở ngoài ý muốn" bởi "Kiều là một cái lỗ đen sì có đường kính khoảng 30cm. Nói đen nhưng thật ra nó màu vàng vàng do vô số các con bọ lúc nhúc bơi hay bò trên và chung quanh cái lỗ ấy. Tôi đã từng đi "chồ" [2] ngoài đồng, ngoài bụi chuối ở Cà Mau (cũng là một trong những bến ghé trên tình sử vượt biên của tôi), nhưng thật sự là tôi không thể nào dám đặt hai bàn chân lên hai bên của cái lỗ này để giải bầu tâm sự. Nhìn quanh quất không thấy bụi cây nào Tôi ngữa cổ than trời thì không hiểu ông trời nghe thấy hay sao mà mắt tôi đập vào rừng đào lộn hột thật xum xuê nằm trên sườn núi. Thế là tôi hì hục leo lên đến đoạn mà nhìn xuống thấy mấy căn nhà bé như trong truyện "Bạch Tuyết và 7 chú lùn". Tôi lựa một cây tương đối dễ trèo và âm thầm leo lên … "luyện chưởng".
Nhờ khám phá này mà tôi đã sống sót được hơn 2 tuần ở làng chài. Hai anh em tôi sau đó tự tìm đường ra bến xe đò đón xe về Sài gòn vì không kham nổi cảnh "thả bom trong rừng đào lộn hột", nhưng đúng ra là không kham nổi mùi cá tanh tanh cứ quyện vào mũi.

Sau này tôi còn biết nhiều "Kiều tâu" khác ở trại tị nạn cũng chẳng mấy gì làm văn mênh cho lắm, nhưng tôi đã luyện được pháp công "Phân Phi Mộc Sơn" nên đối với tôi chẳng khó khăn gì để thi triển công phu ấy cả vì trại tị nạn Galang nằm trên một hòn đảo ở Nam Dương, đường đi ra biển là những rừng cây rậm gấp mấy lần rừng đào ngày ấy.

Hôm nay đọc mấy vần tâm tình của thằng bạn tôi chợt nhớ lại võ công ngày nào mà do hạ sơn quá lâu tôi đã quên béng nó:

Phân Phi Mộc Sơn, phân phi pháp
Phân vãi kiều tâu, phân bất tồn

Tạm diễn nôm là:
  
Phân phóng núi rừng, phân phóng bậy
Phân ngay cầu tiêu, phân chẳng còn 
(hoặc "Phân Phi Mộc Sơn, phân phi pháp" cũng có thể hiểu là tên của môn võ học phái "Kiều Tâu" tu luyện được ti Mộc Sơn[3])


November 2014


[1] ngồi lâu tê cẳng
[2] tiếng lóng miền nam dùng chỉ việc đi ... đại tiện
[3] Mộc Sơn (wood mountain) là tên 1 trong 5 hòn núi của Ngũ Hành Sơn (Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn)