Montag, 27. Juli 2015

Niềm tự hào

Mới đây một người bạn của tôi chuyển cho tôi xem một bài của "Tony buổi sáng" viết về (click vào để xem toàn bộ bài viết) CHỦ NGHĨA HOÀN HẢO CỦA NGƯỜI ĐỨC. Mới đọc qua thấy như là một sự thần tượng quá lố. Tôi đã sống ở nước Đức lâu năm, đã đi học ở trường trung học Đức, đã có dịp làm việc với nhiều người Đức trong nhiều lãnh vực, không phải chỉ trong phương diện nghề nghiệp, nên bài của anh "Tony buổi sáng" đã làm tôi phải bỏ chút thì giờ "nghiền ngẫm sự đời" một tí.
 
Cái việc "Kỹ sư trưởng thiết kế một mẫu xe hơi mới sẽ phải chịu trách nhiệm bằng tính mạng của mình cho độ an toàn của xe. Anh ấy sẽ phải sẵn sàng chết đi để cả triệu người lái mẫu xe đó được an toàn trên đường thiên lý" thì tôi không dám chắc mẫm là có hoàn toàn đúng hay không, vì theo tôi biết thì ở Đức không ai bắt buộc phải đem tính mạng của mình để bảo đảm cho chất lượng của sản phẩm mình làm ra cả. Nhưng tôi dám quả quyết một điều là họ luôn làm đúng trách nhiệm được giao phó.

Nhưng cái tôi muốn trao đổi với anh "Tony buổi sáng" ở đây không phải là vấn đề cái thau của anh ấy dầm sương dãi nắng vẫn đỏ rực vì "Made in Germany", mà là việc "trồng người" của nền giáo dục Đức, "một nền giáo dục dựa trên sự kỷ luật vô cùng nghiêm khắc. Vì giáo dục nước Đức không tạo ra sản phẩm con người của ăn cắp và nói dối. Đứa ăn cắp và nói dối thì không kiêu hãnh được, không ngẩng đầu được[1]". 

Ngoài cái việc ăn cắp thì tôi không rõ vì không thấy ghi trong quyển "Schulplaner" của con gái tôi, một kiểu sổ tay thời khóa biểu cho từng ngày học trong năm, nhưng các điều khác mà anh "Tony buổi sáng" đề cập đến thì hoàn hoàn đúng. Năm nào phụ huynh và học sinh cũng phải ký tên vào tờ đầu tiên của quyển sổ tay này, cam kết tuân theo các nội quy ghi trong ấy. Bản nội quy dài ... 5 trang, khổ giấy lớn A4 (21 cm x 29,7 cm), trong đó ghi đầy đủ các quy luật mà học sinh phải tuân theo như đi học đúng giờ, ăn mặc chỉnh tề, chào hỏi lẫn nhau, tôn trọng thầy cô, bạn bè, các nhân viên làm việc trong trường (không phân biệt là hiệu trưởng hay người lao công), không phá hoại, giữ vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân, tập trung trong giờ học, làm bài tập đầy đủ v.v. ... Vị phạm sẽ bị phạt và bao giờ cũng trích dẫn điều luật chương số §53 của bộ giáo dục liên bang, trong đó có ghi rõ các hình thức trừng phạt, từ cảnh cáo, mời cha mẹ đến trường, cho đến thẳng tay đuổi cổ học sinh vi phạm kỷ luật ra khỏi trường và mức phạt cao nhất là không được phép học tại các trường công lập trên toàn quốc. Nghe thì có vẻ nghiêm khắc thật đấy nhưng tôi chưa bao giờ thấy ai bị phạt như vậy cả. Cao lắm là kêu cha mẹ lên mắng vốn hoặc dọa đuổi học vài ba bữa là đứa nào đứa nấy hồn vía lên mây hết cả rồi. 
Trang đầu của sổ tay thời khóa biểu mà học sinh, thầy cô, phụ huynh gì cũng phải ký hết

Năm con gái tôi bắt đầu vào trung học (bên Đức tiểu học chỉ đến lớp 4), lần đầu tiên tôi phải ký tên vào sổ tay thời khóa biểu nên tôi có đọc ... sơ qua. Tiểu học không có  màn "xin chữ ký", và hồi tôi học trung học bên Đức thì mẹ tôi chưa được bảo lãnh sang để ký giấy "lỗi tại tôi mọi đàng" nên tôi chưa hề ngó mắt tới những bản nội quy dài thòng lòng như ... sớ táo quân này.

Mới đọc qua tôi tưởng ... diễu dở vì đó là những điều mà thật sự ai cũng cho là rất tự nhiên, đâu cần phải ghi ? Và tôi cũng chẳng bao giờ quan tâm, năm nào cũng ký như máy chẳng khác gì tài tử Hollywood ký ngoay ngoáy cho "phen"[2] ái mộ mình. Mấy năm sau tôi còn không thèm đọc qua nữa mặc dù năm nào nội quy cũng có thay đổi chút chút cho ... hợp thời trang, chẳng hạn như về sau này có cho phép học sinh buổi trưa được ra khỏi khuôn viên nhà trường để đi mua đồ ăn nếu ... cha mẹ có ký giấy cho phép (lại được ký nữa !).

Tôi phải thành thật công nhận rằng người Đức hay thật, họ rèn luyện kỷ cương nhưng vẫn dựa trên quy tắc dân chủ. Ngẫm nghĩ  kỹ tôi mới thấy là nếu chỉ nhìn bên ngoài, thấy học sinh cãi thầy như “hát hay” thì ta sẽ cho là học sinh Đức "bố láo" quá ! Nhưng nếu cái "bố láo" ấy không vi phạm những nội quy của nhà trường thì chả sao cả, xứ dân chủ mà, tha hồ phát ngôn, nhưng không được xúc phạm đến danh dự người khác, không được mạ nhục người khác. Thành ra khi các em học trò học đến lớp 11, 12, chúng nó gần như đã thành người lớn, có trách nhiệm cho suy nghĩ và hành động của mình, biết giữ kỷ luật, biết tôn trọng người khác và biết giữ danh dự, những đức tính cần có để trở thành một công dân tương lai của một đất nước giàu mạnh.

Đôi lúc tôi cũng "proud to be a german"... trên giấy tờ (vì tôi đã nhập quốc tịch Đức lâu rồi), nhưng không dám nói ra, sợ người ta cười cho là mình ... mất gốc (mà thật sự theo gia phả thì ông tổ dòng họ tôi là người Tàu sang Việt Nam lập nghiệp vào khoảng đầu thế kỷ 13). Nói với người Đức thì sợ họ kêu "mày mắt hí, mũi tẹt, da vàng, Đức ... cống thì có !".

Một nỗi khổ tâm của những kẻ sống lưu vong, không có nơi nào để gọi là quê hương, neither Vietnam, nor Germany.
Juli 2015


[1] trích trong bài viết của anh "Tony buổi sáng"
[2] Fan

Tony Buổi Sáng: Chủ nghĩa hoàn hảo của người Đức

Bài của "Tony Buổi sáng" đăng trên Facebook

Ít ai biết, từ năm 1992, tức chỉ 2 năm sau khi thống nhất 2 miền Đông Tây, nước Đức là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, dù dân số chỉ khoảng 80 triệu so với khoảng 300 triệu của Mỹ và 1.3 tỷ của Trung Quốc. Trị vị ngôi vô địch thế giới về xuất khẩu trong suốt 17 năm, đến năm 2009, Trung Quốc mới qua mặt nước Đức vì rất nhiều sản phẩm là tài nguyên thiên nhiên, nhiều sản phẩm thâm dụng lao động, trong khi nước Đức phần lớn xuất khẩu là xe hơi, máy móc công nghệ và chất xám.
Vào nhà một người Đức, khó có thể phát hiện một sản phẩm nào mà không phải Made in Germany. Thậm chí bông ráy tai nước Đức cũng sản xuất, dù giá thành sản xuất là 10 USD so với 1 USD của người Trung Quốc. Khi Trung Quốc mở cửa và thành công xưởng của thế giới, các nước khác thấy không hiệu quả nếu tự họ sản xuất, nên qua Trung Quốc đặt hàng hết. Nhưng nước Đức thì không. Họ vẫn tự sản xuất cái cục gôm, cây bút chì, chiếc xe đạp…dù giá thành rất cao, và vì họ có một phân khúc thị trường riêng. Đó là dành cho những người quen dùng đồ Đức trên khắp thế giới.
Vì sao? Vì dân tộc Đức là dân tộc theo chủ nghĩa hoàn hảo trong sản xuất. Giữa sự chao đảo của suy thoái kinh tế, nước Đức vẫn không hề hấn gì, và là chỗ dựa cho bao nhiêu quốc gia khác trong cộng đồng chung châu Âu. Nền giáo dục Đức là nền giáo dục mà Tony thích nhất, vì nó đào tạo ra những người học để "cho việc" thay vì tốt nghiệp ra trường để đi xin việc cho tốt. Một nền giáo dục dựa trên sự kỷ luật Vô cùng vô cùng nghiêm khắc. Sự tập trung cao độ của người Đức còn thể hiện qua bóng đá, năm 2014, tại World Cup được tổ chức tại Brazil, dưới áp lực của hàng vạn khán giả nước chủ nhà trên sân, các chàng trai đến từ nước Đức không hề bị run chân run tay gì, thắng vẫn vui nhẹ nhàng, thua vẫn bình thản thi đấu, ai vị trí người đó, tổ chức tấn công phòng thủ bình thường, và họ đã đăng quang ở ngôi cao nhất. Ít ai biết trước đó người Đức đã sang Brazil 4 năm trước, xây dựng một khu resort riêng cho đội tuyển Đức sang ăn ở tập luyện cho quen khí hậu, với đầu bếp bác sĩ đến lao công đều là người Đức. Khu resort này sau WC được tặng lại cho nước chủ nhà như là một món quà kỷ niệm của sự well-prepared.
Người Nhật cũng từng hâm mộ và học theo người Đức, và gần đây là người Hàn Quốc, và trở thành 2 bản sao hoàn hảo. Ở trường, giáo viên Đức tỉ mỉ sửa cho học sinh từng lỗi dấu chấm, dấu phẩy...để tạo thành thói quen "hoản hảo" trong mọi thứ, tuyệt đối không bao giờ xuề xoà cho qua, vì như vậy là hại cá nhân từng học sinh, hại đến xã hội sau này vì thói quen làm sai, bất cẩn. Nên khi ra đời, họ khắt khe từng mm trong công việc, tạo thành hiệu quả cao, không tốn thời gian sửa sai vô ích.
Người Đức quan niệm, trong cuộc đời con người, trong cuộc sống, có thể méo mó một chút để thú vị hơn. Tuy nhiên, trong học tập, sản xuất và kinh doanh, chúng ta phải áp dụng chủ nghĩa hoàn hảo. Nếu bạn biết lái xe hơi, cầm vô lăng xe Đức sản xuất sẽ thấy cảm giác yên tâm hơn nhiều so với xe đến từ các nước khác. Và tỷ lệ thu hồi xe lỗi của các dòng xe do nước Đức sản cũng thấp hơn nhiều so với các nước khác. Anh bạn của Tony, một kỹ sư làm việc cho một hãng xe Đức ở Sài Gòn, hay kể Tony nghe về câu chuyện ông sếp người Đức đã dạy anh như thế nào. Anh nói, ở Việt Nam, mình hay nói đại khái sản phẩm này là tất cả tâm huyết của tao. Tâm-huyết là tim và máu, tức cũng ghê gớm lắm rồi, nhưng với người Đức, tâm-huyết có ý nghĩa gì đâu, họ còn đem cả tính mạng ra bảo lãnh. Kỹ sư trưởng thiết kế một mẫu xe hơi mới, sẽ phải chịu trách nhiệm bằng tính mạng của mình cho độ an toàn của xe. Anh ấy sẽ phải sẵn sàng chết đi để cả triệu người lái mẫu xe đó được an toàn trên đường thiên lý.
----------------------------------------------------------------------------
P2: Ở nhà Tony có một cái thau giặt đồ bằng nhựa, người thân mang về từ Đông Đức từ năm 1988, để ngoài nắng mưa gió sương nhưng bây giờ vẫn còn xài tốt, màu đỏ vẫn rực rỡ. Chỉ là một cái thau nhựa thôi, nhưng vì Made in Germany nên đó là một đẳng cấp khác, một sản phẩm do người Đức tạo ra. Còn nếu bạn học kiến trúc, một bộ bút vẽ Made In Germany là cái phải có của mọi kiến trúc sư chuyên nghiệp trên thế giới.
Ở Đức, giáo dục công lập được miễn phí kể cả đại học, kể cả sinh viên nước ngoài nhưng với điều kiện là phải biết tiếng Đức và có bằng Abitur tức tú tài. Những tưởng với sự tiên tiến của nền giáo dục ấy, sinh viên quốc tế sẽ đổ xô sang học? Nhưng không, số lượng sinh viên vẫn không nhiều so với các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Úc…một phần tiếng Đức khá khó, nhiều người ngại. Vì sợ học xong rồi ra trường, nếu không làm cho công ty Đức thì cũng không có lợi thế, dù tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ phổ biến ở nước Đức. Thứ 2 là họ nghiêm khắc, học khó vì chất lượng thật sự chứ không chạy theo thành tích. Giáo dục Đức phân cấp học sinh theo trí tuệ của các bạn từ lúc tốt nghiệp tiểu học, tức ai giỏi thì bắt đầu lớp 5 sẽ đi theo hướng đào tạo hàn lâm, còn lại thì các trường khác theo hướng thực hành. Cả 2 hệ đều được xã hội tôn trọng như nhau, vì khả năng 1 đứa trẻ khác nhau nên cho nó học cái gì phát huy tối đa khả năng của nó. Ví dụ bạn Anne không tưởng tượng ra được cái hình cầu nội tiếp trong hình nón, mở 2 vòi nước và không tính được sau bao nhiêu phút thì đầy cái bồn, thì thôi định hướng cho nó học văn sử địa âm nhạc nghệ thuật cho rồi, chứ bắt nó sin cos làm gì cho nó nóng não.
Cái cuối cùng quan trọng hơn chính là kỷ luật của người Đức, nhiều bạn trẻ ngại và sợ nếu phải học hay làm với họ. Họ chấp hành tuyệt đối các luật Lệ, các quy tắc của tổ chức một khi là thành viên. Nói 8hAM bắt đầu học là đúng khi kim giây vừa chỉ số 12 của 8 AM là cửa trường đóng lại, vô xin năn nỉ cỡ nào bảo vệ cũng không cho vô. Trong lớp đúng 8AM là thầy trò bắt đầu mở sách vở ra và học. Khi gửi con vô trường công lập ở Đức, hay hệ thống trường quốc tế Đức trên thế giới, phụ huynh học sinh sẽ ký vào một nội quy dài ngoằng, trong đó có nhiều cam kết, đại loại là con của họ sẽ không được ăn cắp (tức quay bài, đạo văn), nói dối (tức cha mẹ làm giùm bài cho con, nói dối thầy cô)…Nếu học sinh vi phạm, thì sẽ bị làm tư tưởng, học sinh sẽ phải ngồi suy nghĩ về hành vi của mình 1 ngày. Nếu tái phạm, học sinh đó sẽ bị đuổi học ngay và ghi vào sổ bìa đen (black list) trên khắp nơi và các trường công lập khác sẽ không muốn nhận, nếu muốn học tiếp thì vô trường tư sẽ rất đắt đỏ và cũng không tốt bằng. Tony hỏi hiệu trưởng một trường quốc tế Đức ở Thượng Hải vì sao có quy định đó, ông nói nếu bạn chọn cho con cái của bạn giáo dục Đức từ đầu, sản phẩm của bạn sẽ hoàn hảo. Vì giáo dục nước Đức không tạo ra sản phẩm con người của ăn cắp và nói dối. Đứa ăn cắp và nói dối thì không kiêu hãnh được, không ngẩng đầu được.
Để sang và chảnh, người ta phải tự mình giỏi giang, tự mình đạo đức, tự mình tử tế, tự mình văn minh. Nước Đức nằm ở Trung Âu, và mỗi nước châu Âu xung quanh, hầu như người Đức nhờ gia công làm dịch vụ giùm cho họ. Đức là một dân tộc cho việc, tức giao việc cho các nước lân bang. Người Đan Mạch thì làm giao nhận vận tải mã hiệu mã vạch kiểm soát chất lượng cho họ, người Hà Lan thì như là một công viên giải trí với cảnh sắc tươi đẹp hoa nở khắp nơi để họ sang dạo chơi, giải trí; các nước phía Đông như Ba Lan, Séc,…thì cung cấp nhân công lao động sản xuất; Thụy Sĩ thì giữ tiền giùm; Áo thì là nơi họ đến nghe nhạc và xem triển lãm tranh; Ý là nơi cung cấp họ các dịch vụ liên quan ăn uống vì ẩm thực với Pizza, Spaghetti, Cappuccino..
Người Pháp, Anh, Nga...thì suốt ngày ganh tụy với người Đức, bên Đức có cái gì thì họ sản xuất cái đó, nhưng chất lượng thì còn lâu mới bằng, vì họ không có tinh thần Perfectionism (chủ nghĩa hoàn hảo) trong sản xuất. Bạn trẻ nào theo chủ nghĩa hoàn hảo trong công việc thì không bao giờ sợ bị thất nghiệp. Và may mắn thay, hồng phúc thay cho doanh nghiệp nào có được nhân viên theo chủ nghĩa hoàn hảo này, làm ăn với họ sẽ vô cùng yên tâm vì không lo sai sót.
Bắt đầu chủ nghĩa hoàn hảo đầu tiên với bản thân mình, sạch sẽ thơm tho trí tuệ thể lực đều không thể ngon hơn, rồi xung quanh 1m bán kính quanh mình, sạch sẽ gọn gàng không thể sạch đẹp hơn. Rồi bắt đầu lên bán kính 2m, 5m, 100m, cả ngôi nhà, cả khu phố,...tất cả đều phải hoàn hảo, hoàn hảo...

Dienstag, 21. Juli 2015

Quên và Nhớ


Mấy hôm nay cày mệt hơn xúc đất nên đôi lúc tôi phải đứng dậy đi tới đi lui cho đỡ "tăng kể"[1]. Đi thì đi nhưng đầu vẫn "đặc", thành ra lâu lâu tôi lại lọ mọ vô Facebook thơ thẩn với bạn bè một tí cho "thư giãn tư tưởng, giải phóng tâm linh, hồi sinh sức lực". Và để nhớ ... Sài Gòn như thằng bạn cao bồi "Tếch giác[2] cận": 

Già rồi, nhớ nhiều quá. Nhớ vợ, nhớ nước, nhớ cả những mảnh đời lận đận truân chuyên. Nhớ bạn vượt biên về thành đầu trọc, nhớ em lạc loài ngày tháng phôi pha. Nhớ Phương Trâm cà phê đánh lộn, nhớ cheo leo ngày tháng đi về. Nhớ cà phê Thùy từng ngày em đợi, nhớ sữa đậu nành phố Hai bà Trưng. Nhớ ông Mách gác trường, nhớ chị Hà còng lưng cho thiếu lại, nhớ em về vạt áo bay bay cổng trường Tổng hợp. Em bước qua không nhìn lại, cà phê Sư phạm có chàng nhớ em.

Tôi không có vợ để nhớ, cũng chẳng học sư phạm sư pháp gì sất nên chỉ biết:

Nhớ Sài gòn mỗi chiều gặp gỡ[3]
Nhớ món ăn quen nhớ ly chè thơm
Nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng
Nhớ Sài gòn mưa rồi chợt nắng
Nhớ trường xưa có lá me rơi …

Tôi chợt nhớ ông thầy dạy con tôi có nhắn nhủ học trò là: "Chúng ta không thể thu thập hay để dành một bài thơ cũng như tất cả những gì có giá trị trong cuộc đời này. Chúng ta chỉ có thể hưởng thụ nó và chia xẻ nó với người khác. Đặc biệt là: Nếu ai đọc một bài thơ họ sẽ tự tìm cho mình được thời gian, tìm được yên tĩnh trong tâm hồn và thoát được sức ép của cuộc sống ngày càng xoay cuốn họ đi - Có thể nói là họ đã làm được một cuộc cách mạng."

Trời đất, đem ra áp dụng với tôi vào lúc này thì quả là lời vàng thước ngọc vì tôi đang đi tìm những vần thơ để "Quên" nỗi ... cơ cực xúc đất, quên gánh nặng cuộc đời đang chồng chất trên vai, để "Nhớ" về thuở còn "tự do như mây trời"[4], nhớ bạn cũ trường xưa, và để nhớ quê hương là chùm ... ruột chua. Nỗi buồn những kẻ xa xứ ai cũng có, nhưng mỗi người nhớ một kiểu, cũng như thói quen ăn uống, cũng nhai, cũng nuốt, cũng húp xùm xụp, nhưng có người ăn như mèo, có người lại ngồm ngoàm như chết đói. Tôi thuộc diện thứ hai nên không thể cảm nhận được cái "nổi da gà" khi đọc bài thơ của ông Lamartine[5]

Pourquoi le prononcer ce nom de la patrie ?
Dans son brillant exil mon coeur en a frémi ,
Il résonne de loin dans mon âme attendrie,
Comme les pas connus ou la voix d'un ami.

Montagnes que voilait le brouillard de l'automne,
Vallons que tapissait le givre du matin,
Saules dont l'émondeur effeuillait la couronne,
Vieilles tours que le soir dorait dans le lointain,

Murs noircis par les ans, coteaux, sentier rapide,
Fontaine où les pasteurs accroupis tour à tour
Attendaient goutte à goutte une eau rare et limpide,
Et, leur urne à la main, s'entretenaient du jour,

Chaumière où du foyer étincelait la flamme,
Toit que le pèlerin aimait à voir fumer,
Objets inanimés, avez-vous donc une âme
Qui s'attache à notre âme et la force d'aimer ?

đã làm một thằng bạn khác của tôi rung động đến nỗi đang ngồi thiền mà phải cầm smart phone lên dịch cho xong dù bài dịch có hoàn hảo hay không cũng mặc vì biết mỗi ngôn ngữ có cách diễn đạt và giới hạn riêng[6], nếu không mấy câu này lởn vởn trong đầu thì hắn không thể nào thiền cho "đắc đạo" được :

Dẫu có tha phương ở chốn xa
Mỗi khi nghe nhắc đến quê cha
Trái tim thổn thức niềm rung cảm
Tâm thức lưu đày vẫn thiết tha

Vang vọng trong tâm nỗi nhớ nhà
Hoài mong giọng nói bạn hiền xa
Bàn chân quen, bước qua thềm cũ
Khoảnh khắc ngày xưa có nhạt nhòa

Núi giăng mây, phủ sương mờ xóa
Đồi cỏ xoải dài một sớm thu
Liễu tỉa cành thon buông rũ lá
Cổ tháp vàng hanh dưới bóng tà


Tường thâm năm tháng, nghiêng, mòn lối
Mục đồng vốc nước dưới vòi sen
Mong từng giọt nước trong, khan hiếm
Tíu tit kể nhau chuyện của ngày
. 


Mái tranh lửa chớm bên lò sưởi
Lữ khách trầm ngâm trông khói vươn
Vật thể vô tri hồn chắc có
Sao buộc lòng ta bắt nhớ thương ?
(Lê Doãn Cường dịch lúc 07 giờ 01 phút ngày 19 tháng 7 năm 2015)

Alphonse Marie Louis Prat de Lamartine
Còn một bản dịch của Tôn Thất Phú Sĩ [7]nữa với 2 câu đầu cũng rất là ... nổi lông nhím.

Quê hương là gì nhỉ ?
Đời lưu vong sao tôi mãi hướng về …

Đi xa ai chẳng nhớ nhà, lưu vong ai chẳng nhớ quê hương ? Thi sĩ làm thơ, nhạc sĩ sáng tác, tất cả chỉ để nói lên rằng :

J'ai quitté mon pays, j'ai quitté ma maison[8]
Ma vie, ma triste vie, se traîne sans raison
J'ai quitté mon soleil, j'ai quitté ma mer bleue
Leurs souvenirs se réveillent, bien après mon adieu

Tôi rời xa quê hương, bỏ lại căn nhà yêu dấu
Đời tôi, đời buồn trôi kéo dài vô nghĩa
Tôi rời xa mặt trời và biển xanh
Ký ức cứ mãi bừng sống lại từ dạo ấy …

Tôi cũng nhớ Sài Gòn trưa hè đạp xe dưới hàng cây rợp bóng. Đâu thấy nóng ? Đâu thấy mệt ? Đâu thấy đường dài ?
Mới đây về thăm lại Sài Gòn. Nhựa đường bốc hơi ngột ngạt. Phố xá người xô kẻ lấn. Không thấy sữa đậu nành phố Hai bà Trưng đâu. Không thấy vạt áo bay bay cổng trường Tổng hợp đâu. Chợt tự hỏi có phải ký ức là nỗi nhớ không quên ? Giống như học lái xe đạp. Lái được rồi đến chết vẫn không quên. Đâu đó trong vô số những dây thần kinh có một sợi nhớ cách leo lên xe và ... đạp. Đâu đó trong vô số những dây thần kinh có một sợi nhớ cho ... chùm ruột chua. Để có lúc nào đó, có khoảnh khắc nào đó chợt nhớ về. Để "dành thì giờ cho chính mình, để suy nghĩ, và để biết hưởng thụ cuộc sống" như lời thầy Lynch nhắn nhủ học trò trước khi từ giã mái trường trung học[9].

Và để nạp năng lượng tiếp tục ... xúc đất.

(July 2015)

[1] tê cẳng
[2] Texas
[3] lời nhạc Trịnh Công Sơn
[4] nguyên văn của Trần Thùy Trang
[5] Milly ou la terre natale, tác giả Alphonse de Lamartine (1830)
[6] nguyên văn của Lê Doãn Cường
[7] do Vương Từ Minh cung cấp
[8] Adieu Mon Pays do nam danh ca Enrico Macias sáng tác, lời dịch Vĩnh Biệt Quê Hương của Lê Anh Dũng

Sonntag, 12. Juli 2015

Papa12

Đối với Y Chi anh là Papa12. Papa một hai, không phải là Papa mười hai.
Thật ra anh là Người-Cha-Đứng-Hạng-Nhất đối với nó nhưng vì tôi đã chiếm cái chỗ tối ưu ấy trong tim nó rồi nên anh đành bằng lòng với vị trí thứ 2, sau tôi. 
Và anh, người đàn ông xa lạ, mũi dài, mặt trắng đã trở thành Papa12 của Y Chi.
Abitur (Baccalauréat) 2015

Abitur (Baccalauréat) 2015
Y Chi lên 7 khi nó lần đầu tiên gặp anh và hỏi bâng quơ: "Chú làm chung chỗ với mẹ con hả ?" rồi chạy mất vì nó không chờ đợi một câu trả lời nào ở anh cả. Đối với nó tất cả những ai mũi tẹt thì một là bạn, hai là họ hàng gì đó của mẹ nó, ai mũi lõ thì chỉ có thể là đồng nghiệp ở sở của mẹ nó mà thôi.

Phantasialand năm 2006. Tôi không phải là một "phen"[1] hâm mộ những trò chơi nhào lộn ngoạn mục vì bao tử sẽ cho "chó ăn chè" ngay lập tức. Vì vậy tôi nhờ anh dẫn Y Chi đi chơi những trò chơi nhào lên nhào xuống muốn lộn hết ruột gan phèo phổi này. Race for Atlantis - một trò chơi khoa học giả tưởng cho ta có cảm tưởng đang bay vèo vèo trong vũ trụ.
Khi anh và nó ra khỏi phòng lái, tôi thấy mặt mày con bé xanh lè vì sợ hãi, tay nó bám chặt vào cánh tay anh. Trong một thoáng tôi chợt nhận ra rằng không phải chỉ có tôi cần một "vai áo nửa đời" để dựa dẫm, mà chính Y Chi mới thật sự cần một cánh tay mạnh mẽ để nó bám vào, một cánh tay không bao giờ rời xa nó trên con đường đời mịt mù như một khu rừng rậm không có bảng chỉ lối gì cả.

Anh không chỉ vui đùa với Y Chi trên các chuyến tàu ở những khu giải trí đầy những trò phiêu lưu mạo hiểm.
Mỗi buổi tối anh đọc cho nó nghe truyện "Cây sáo thần" (die Zauberflöte), một vở nhạc kịch tuyệt tác của Mozart; anh chịu cho nó sờ tai mình để ru nó ngủ. Hoặc anh cho nó giựt mấy cái lông tơ ở cánh tay anh làm làn da anh nhô lên nhô xuống như mặt nước đang bị bọt sủi làm dợn sóng, rồi nó cười vang và kêu lên: "Ô hay, trông kìa, người có da sủi bọt" (Blubberhaut).
Salzburg 2006
Anh không phải lúc nào cũng vui vẻ và đáng yêu như vậy. 
Mỗi tối anh khảo bài vở của Y Chi vì chính anh cũng rất nể thầy Menne, ông thầy nghiêm khắc dạy Y Chi thời tiểu học. Nó lên lầu đi ngủ rồi anh lại ngồi soạn cặp cho nó, gọt bút chì để vào cặp, xem xét coi có thiếu quyển sách toán không, hoặc kiểm tra lại coi đã ký tên vào tờ giấy mời đi họp phụ huynh hay chưa, những buổi họp mà chỉ có anh là người đàn ông duy nhất trong đám các bà mẹ lắm mồm. Anh vặn vẹo cô giáo dạy thể dục với câu hỏi : "Thưa cô, tại sao học sinh không được đeo kính bơi trong giờ bơi lội?" cho đến khi cô trả lời một câu hoàn toàn vô nghĩa giống như câu cô trả lời cho đám học trò: "Bởi vì chúng nó phải làm thế!", một câu trả lời mà cho đến bây giờ vẫn không giải đáp được thắc mắc của con bé con tôi là tại sao nó không được phép đeo kính bơi để mắt khỏi bị đỏ ngầu sau giờ bơi lội. Không phải anh có ý định chọc tức hay than phiền gì cô giáo cả, anh chỉ muốn được nhìn thầy cô qua con mắt của Y Chi để có thể hiểu được trình độ học vấn của nó khi mà anh chỉ biết qua điểm của bài vở nó mang về nhà.

Anh luôn luôn giữ đúng thời khóa biểu luyện tập của con bé, bất cứ là về bơi lội, trượt băng, múa Ba-lê hay học đánh dương cầm. Dù mùa xuân, mùa hạ hay mùa đông. Dù mưa giông hay bão tuyết. Anh bao giờ cũng dậy thật sớm, trét bánh mì cho con bé mặc dù nó chẳng bao giờ ăn sáng ở nhà cả, xong rồi thì anh đánh thức nó dậy và đưa nó đến chỗ tập mặc cho nó ngái ngủ đòi xin nghỉ.

Y Chi mếu máo vì trợt ngã trên sân băng: anh là người an ủi, vỗ về, động viên nó.
Y Chi tươi cười rạng rỡ trên bục trao giải bơi lội: anh hí hoáy chụp ảnh.
Y Chi biễu diễn múa: anh bao giờ cũng đi sớm để giành được ngồi ở hàng ghế đầu.
Y Chi hòa nhạc dương cầm: anh quay phim.
Anh luôn bên cạnh con bé, luôn có mặt "trên từng cây số".

Khi Y Chi bước vào tuổi dậy thì, nó làm cho anh càng bận rộn hơn.
Nó cãi bướng. Anh cố gắng moi móc những kinh nghiệm của anh thuở thiếu thời để khuyên bảo con bé.
Nó ngủ đêm ở nhà bạn. Anh chỉ tắt điện thoại cầm tay sau khi đã nhận được những lời nhắn tin chúc ba ngủ ngon của con bé.
Nó đi chơi khuya với bạn bè. Anh "giảng đạo" hằng giờ cho nó nghe về những nguy hiểm có thể xảy ra, dặn dò nó không được đua đòi theo bạn bè uống bia uống rượu, bắt nó phải nhắn tin cho anh mỗi lần nó đi đến chỗ nào để anh biết nó đang ở đâu, kiểm tra xem điện thoại đã sạc đầy ắc quy chưa, hỏi con bé có mang theo đủ tiền không, vân vân và vân vân...
Nó có bồ. Anh cố gắng tìm ra lý do tại sao hai đứa giận hờn cãi nhau.
New York 2011 with Betty
Đó chính là anh, vai áo nửa đời của tôi. 
Đó chính là Papa12 của Y Chi. 
Tình yêu của tôi đối với anh không bằng một góc tình yêu anh dành cho tôi và Y Chi.
Đời không bao giờ như ý. Nhưng đôi lúc có những hạnh phúc thật gần trong tầm tay với. Ta chỉ cần vươn cánh tay ra, nắm bắt và giữ chặt lấy nó.

Y Chi đã vươn tay ra và đã bắt được anh, người Papa12 đáng yêu nhất trên đời này của nó[2].


[1] Fan
[2] cách gọi này là tôi bắt chước nhà văn Ephraim Kishon, ông luôn viết là "bà vợ đáng yêu nhất trên đời này của tôi"

Papa12

Salzburg 2006
Für Y Chi ist er Papa12. Papa ein zwei, nicht Papa zwölf.
Eigentlich ist er für sie der Nummer-Eins-Papa, aber da ich die allerliebste Person in Y Chi's Leben bin, muss er sich mit dem zweiten Rang zufrieden geben.
So wurde aus dem fremden Mann mit langer Nase und weißem Gesicht Y Chi's Papa 12.

Y Chi war 7 als sie ihn zum ersten mal traf: "Bist du Mama's Kollege?" fragte sie ohne auf die Antwort zu warten, da sie ziemlich sicher war, dass alle Plattnasen entweder meine Freunde oder meine Verwandschaften und alle Langnasen meine Kollegen sind.

Phantasialand 2006. Ich war kein Fan von Rides auf Freizeitparks. Mein Magen machte nicht mit und so nahm er Y Chi's Hand und ging mit ihr ins Land der Abenteuer. Race for Atlantis - Flugsimulator. Als sie herauskamen, sah ich Y Chi's verängstiges Gesicht, ihre Hand klammerte fest an seinen Arm. Für einen Moment war ich mir bewusst geworden, dass nicht nur ich eine starke Schulter brauchte, um mich daran zu lehnen, sondern auch Y Chi einen starken Arm brauchte, an den sie festhalten konnte und der sie auf den Weg durch den Dschungel dieser Welt niemals losließ.

Er ging nicht nur mit ihr auf abenteuerliche Fahrten in den Freizeitparks. Jeden Abend las er ihr "die Zauberflöte" vor, erlaubte ihr zum Einschlafen seine Ohren zu kraulen. Oder er ließ sie die Haaren an seiner Haut  ziehen. Es sah aus, als ob die Haut "blubberte". Dann lachte sie und nannte ihn "Blubberhaut".

Aber er war nicht immer so lustig und lieb.
Er kontrollierte jeden Abend Y Chi's Hausaufgaben, da auch er Respekt vor Herr Menne hatte, Y Chi's strenger Grundschullehrer. Und wenn sie bereit im Bett lag, guckte er nach, ob in ihrer Schultasche doch noch ein Mathebuch fehlte, ob die Stifte angespitzt sind und ob die Einladung zum Elternabend unterschrieben war, wo er immer der einzige männliche Elternteil war. Er ließ Frau Küchen, die Sportlehrerin, nicht in Ruhe, bis sie seine Frage "Warum dürfen die Kinder beim Schwimmen keine Schwimmbrille tragen?" beantwortet hat, obwohl es eigentlich gar keine Antwort war: "Weil sie einfach nicht dürfen!", eine Antwort, die auch Y Chi bis heute immer noch nicht verstanden hat. Er hatte keine Absicht, die Lehrerin zu ärgern, er wollte sie sehen, sowie Y Chi sie sah, um zu verstehen, warum Y Chi da oder dort gute oder schlechte Note mit nach Hause brachte.

Er hielt sich eisern an ihrem Trainingsplan, sei es Schwimmen, Eislaufen, Ballett oder Klavier; sei es Sommer, Winter, Schnee oder Regen. Papa12 war immer früh aufgestanden, machte Brot (obwohl Y Chi niemals zu Hause frühstückte), weckte sie und fuhr sie zum Training, ob sie es wollte oder nicht.

Heulte Y Chi beim Hinfallen auf dem kalten Eis: er tröstete sie.
Stand Y Chi strahlend auf dem Siegespodest beim Schwimmwettbewerb: er knipste Fotos.
Tanzte Y Chi auf Spitze: er saß in der ersten Reihe.
Spielte Y Chi Konzert: er filmte.
Er war immer da, wo Y Chi auftrat.

Als Y Chi in das Pubertätsalter eintrat, machte sie ihm das Leben noch schwerer.
Sie rebellierte. Er versuchte, sie mit Geschichten aus seiner Jugend wieder zur Vernunft zu bringen.
Sie übernachtete bei Freunden. Zu Hause schaltete er das Handy erst aus, bis sie ihm WhatApps-Gute-Nacht-Message geschickt hat.
Sie ging auf Party. Er predigte stundenlang darüber, dass sie bloß nicht von Freunden zum Alkoholgenuss überreden ließ, dass sie ihn "ansimsen" sollte, damit er wusste, wo sie sich gerade befand, dass das Handy aufgeladen ist, dass sie genug Geld dabei hatte, dass,  dass, dass ...
Sie hat den ersten Freund. Er versuchte herauszufinden, warum sie sich streiten.

Das ist meine andere Hälfte.
Das ist Y Chi's Papa12.
Ich kann ihm nicht genug Liebe geben, wie er mir und Y Chi gegeben hat.
Im Leben läuft es nicht immer wie man sich gewünscht hat, aber manchmal ist das Glück ganz nah, man braucht die Hand nur auszustrecken, um nach der anderen Hand zu greifen und sie festzuhalten.

Y Chi hat ihre Hand ausgestreckt und ihren allerliebsten Papa12 auf der ganzen Welt gefunden.