Freitag, 25. September 2015

Trăng đến rằm trăng tròn

Còn vài ngày nữa là ngày duy nhất trong năm mà trăng tròn có ý nghĩa nhất: Tết Trung Thu. Tôi chợt nhớ câu con nhỏ bạn "tri kỷ tìm nhau mắt đã mờ" của tôi phán khi tôi than phiền về đứa con gái khó bảo của mình: trăng đến rằm trăng tròn, lo gì mày ơi!
 
Tôi nghĩ bụng trăng là một "hành tinh" trong vũ trụ, theo luật thiên nhiên, hết khuyết lại tròn, hết tròn lại ... méo, còn đứa con gái con tôi là một "nữ tinh", không theo luật lệ nào hết thì đúng là chỉ có con bạn "đắc nhất tri kỷ, khả dĩ bất hận" của tôi mới đem câu này để “ủy lạo tinh thần chiến sĩ” mà thôi.
Cho đến khi tôi đọc tờ khai lý lịch của đứa con gái con tôi viết để nộp đơn xin học bổng.

Trong tờ đơn này ngoài phần tường trình về quá trình học vấn, các sở thích riêng, các việc làm ngoài giờ học, có ích cũng như ... vô ích (chẳng hạn như cuối tuần đi shopping lang thang ngoài phố cho tốn tiền cha mẹ), có phần tường trình về gia đình, đại khái là cha mẹ họ Nguyễn hay họ Müller, anh em mấy mạng, có hay cãi nhau không v.v. 


Nó viết: Em chọn một ngành nghề có tương lai để sự hy sinh của mẹ em không vô nghĩa.
Tôi không nhớ tôi và nó đã bao nhiêu đêm cãi nhau tay đôi đến 2,3 giờ sáng mỗi lần nó thay đổi ý định chọn môn thi tú tài. Lúc nó chọn môn nghệ thuật, lúc lại đổi ý đòi lấy môn lịch sử, môn văn ... toàn những môn mà tôi biết chắc không cách gì có thể đạt điểm tối đa khi đi thi cả vì đó là những môn toàn ... tiếng Đức, dù có giỏi cách mấy đi nữa cũng không thể nào leo lên tới đỉnh … Hy Mã Lạp Sơn. Còn mà môn toán thì một cộng một ra dấu bằng tay cũng ăn tiền rồi. Tôi yêu lý, nó mê hóa. Tôi thích cung điện Versailles, nó ưa Buckingham Palace.
Bây giờ trăng rằm, trăng mới hiểu được tại sao gân cổ của tôi to hơn gân cổ của trăng.
Để giải thích cho việc học nhảy lớp nó viết: chính nhờ bước nhảy lớp đó với sự giúp đỡ của mẹ em, em đã tìm lại được hứng thú trong việc học.
Cô giáo đề nghị nhảy lớp là vào khoảng tháng 9,10 gì đó, tức là nó có 4 tháng cho việc tự học chương trình học kỳ 2 của lớp 6 và chương trình học kỳ 1 của lớp 7 để đến tháng 2 năm sau nó vào học kỳ 2 của lớp 7. Trong vòng 4 tháng đó tôi chỉ có buổi tối, sau khi đi làm về, cơm nước xong xuôi mới có thì giờ dạy nó chút đỉnh môn toán, anh văn và pháp văn mà thôi vì cũng không có đủ thì giờ để học hết các môn khác. Môn mà 2 mẹ con ngủ gà ngủ vịt là môn ... toán vì 2 môn kia thì tôi phải tập trung đọc sách giáo khoa mới hiểu bởi sinh ngữ thuộc về sở ... đoản của tôi, nhất là pháp văn. Mang tiếng là học sinh Lê Quí Đôn mà tôi chỉ còn nhớ “la molette” là cái mỏ lết, “le soutien” là cái chuối chiên. Còn mà anh văn thì tôi xin mạn phép tạm dừng chuyện Tết Trung Thu mà chuyển sang một mẩu chuyện trong chuyến đi du lịch vừa qua tại Tây Ban Nha với đám bạn Lê Quí Đôn của tôi. 
Số là một buổi chiều đẹp trời nhóm du lich gồm có ... cả đống người của chúng tôi phải chia làm 2 phe, một phe chở đám con nít đầu tóc đầy muối và cát biển về nhà trọ trước, phe kia đi siêu thị mua đồ để về nấu nướng phục vụ một đàn gà con và đàn gà trống đang há mõm chờ ăn. Vì chỉ có 15 phút đi chợ nên con bạn “đầu bếp khách sạn 5 sao” của tôi bèn sai tôi đi kiếm mua than về để nướng tôm, thịt vì nó kêu tôi mua gà thì nó chê con gà tôi lựa nhiều mỡ quá, kêu mua rau thì nó chê bó rau tôi lựa héo quá. Tôi chạy cùng khắp siêu thị mà không thấy chỗ bán than nằm ở đâu bèn kiếm mấy cô bán hàng hỏi thăm. Tất cả những sinh ngữ tôi biết tôi đều xổ ra hết trừ tiếng ... Tây Ban Nha. Mấy cô bán hàng giương mắt nai nhìn tôi âu yếm ... lắc đầu nguầy nguậy. Cuối cùng tôi la lên: Barbecue fire !!! Mấy cô tự nhiên toe toét cười, miệng rộng tới mang tai, và dẫn tôi đi một mạch đến ngay chỗ bán than. 

Trở lại chuyện rằm tháng tám. Mỗi lần tôi giảng toán cho nó nghe thì nó ngủ gục, khi nó làm mấy bài toán cộng trừ nhân chia của tôi giao cho thì tới phiên tôi ngủ gục. Chiến đấu như vậy 4 tháng trời dằng dẵng. Ai nói cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể ? Tôi nuôi con tôi tôi kể từng ngày. Và mãi đến rằm tháng tám tôi mới hiểu được lòng ... trăng của tôi.


Hồi đó ngày nào tôi cũng hò hét nhắc trăng tập đàn. Mẹ tôi nói: Bà chưa thấy ai vừa đàn vừa khóc rưng rức như thế kia cả !!! Bây giờ trăng nói đánh đàn là một cách thư giãn sau một ngày đi học xa.
Hồi đó tôi chăm chỉ chở trăng đi bơi, tuần 3 bữa, chưa kể những hôm thi tranh giải vào cuối tuần tôi ngồi cả ngày trong hồ bơi ướt nhẹp nước và nồng nặc mùi Chlor.
Bây giờ trăng dù trong tuần đi nghe giảng, cuối tuần đi làm thêm, tối thức khuya đọc sách vẫn không sụt sịt ho hen cảm cúm gì.
Hồi đó tôi kêu trăng học tiếng Việt, trăng chê tiếng Việt không ai nói trừ mẹ và bạn mẹ.
Bây giờ trăng đi làm ở tiệm ăn mang tên ... Phở.
Hồi đó trăng ăn xong đứng lên.
Bây giờ trăng tự nấu nướng, chuẩn bị đồ ăn trưa mang theo đến trường.

Hồi đó trăng thay quần áo xong thì đồ mới nằm trên người, đồ cũ nằm .... đâu đó ở dưới đất.
Bây giờ ... vẫn thế !!! 

September 2015

Dienstag, 8. September 2015

DKD - Hoàng tử Đầy Lông

Một trong những đứa bạn nối... chuối chiên[1] của tôi lấy chồng nhạc sĩ.  
Một nhạc sĩ rất ư là "đẹp chai" như Alain “Đầy Lông” [2]. Một nhạc sĩ rất ư là tài hoa như Paco de Lucía. Một nhạc sĩ có cái tên rất ư là “Thần Điêu Đại Hiệp”: Dương ... Kim Dũng mà mỗi lần trao đổi i-meo đám bạn bè viết tắt là DKD cho đỡ mỏi tay và đỡ phải phạm húy Dương Quá.

Nếu bạn hỏi cụ Gồ[3] thì cụ ấy sẽ ngớ ra vì không biết Thần Điêu Đại Hiệp DKD là cái nhân vật nào bởi cụ chỉ biết "Hoàng tử guitar" với muôn vàn lời ca tụng như "Nổi tiếng với những bản flamenco kinh điển như Bulerias, Tango, Farucca, Tanranta, Solea por Bulerias, Vũ hội đêm hè… từ những năm 78-80 của thế kỷ trước, ở đâu có Dương Kim Dũng là ở đó "cháy vé". Năm 1976, mới 15 tuổi, ông đã có buổi biểu diễn đầu tiên trước công chúng khi đang là học sinh trường Thống Nhất và gây tiếng vang với bản Los Sitios De Zaragoza. Tên tuổi của ông trở nên ấn tượng hơn khi đoạt giải nhất cuộc thi Độc tấu guitar toàn quốc vào năm 1982"

Nhưng ít ai biết về thuở hàn vi của DKD nếu không quen biết với "Hoàng hậu phu nhân" của "Hoàng tử guitar" như ... tôi, do vô tình than thở với bạn hiền là tôi không bao giờ tự học một mình được mà bất cứ học cái gì cũng cần có thầy, từ nấu ăn đến lau nhà rửa chén, có ai chỉ bảo thì đầu óc tôi sáng láng như sao, còn mà phải tự lấy sách ra đọc thì tôi học từ năm này sang tháng nọ mà không thể nào tìm ra sự liên quan giữa các chương trong sách được.



Con bạn tôi kể rằng:
“Học đàn Classic, anh Dũng chỉ học có 7 tháng với thầy Nguyễn Quang Tri, sau đó hết tiền nghỉ học, mà thời gian hết tiền lâu hơn thời gian có tiền, rồi học với anh Phùng Tuấn Vũ bữa đực, bữa cái, cũng hơn năm, hết tiền là nghỉ học. Khi thi vào trường nhạc, tự tìm bài, tự tập.

Lúc học trường nhạc là thời bao cấp, tức là học sinh đi học được lãnh gạo, thịt, được trường nuôi ăn, cho nên bỏ học giữa chừng là bị đền tiền, không cho học thêm trường khác, ra trường là phải đi làm. Nhưng anh Dũng mê đàn, ngày nào cũng thức dậy lúc 5 giờ sáng (không dậy trường nó cũng bắc loa bắt dậy tập thể dục). Tập thể dục xong, leo lên sân thượng tập luyện giọng cho giọng vang, mạnh, cũng đút đầu vào cái lu tập giọng cho vang to, vì anh Dũng mê hát nhạc Pháp, thời đó cũng đi hát trong băng nhạc ở Biên Hòa, sau đó là tập đàn.

Ròng rã 3 năm hơn ở Biên Hòa đều đặn luyện tập, cuối tuần đi xe lửa hoặc đạp xe đạp của bạn về Sài Gòn lấy thêm lương thực và đi học đàn. Rồi đi biểu diễn vài bài cùng với anh Phùng Tuấn Vũ. Có lần biểu diễn có phái đoàn nước ngoài (mấy nước XHCN) cùng với bộ trưởng bộ văn hóa thông tin. Ông bộ trường hỏi học ở đâu, thì anh Dũng nói đang học trường Mỹ Thuật ở Biên Hòa. Ổng nói có muốn đổi qua trường nhạc không thì anh Dũng chịu liền. Ổng nói để ổng giúp. Sau đó ổng quên luôn !  Anh Dũng phải viết thư nhắc. Rồi ổng trả lời cứ liên lạc với trường nhạc. Cuối cùng trường Mỹ Thuật Biên Hòa báo cho anh Dũng biết là có thư cho phép Dương Kim Dũng đi thi ở Nhạc Viện Thành Phố, ba lại chở anh Dũng lên trường Nhạc. Bà văn thư nói không có thư từ gì "hết chơn hết chọi"! Anh Dũng lại phải năn nỉ xin gặp hiệu trường là ông Quang Hải thì ổng bảo đã nhận được thư rồi, nhưng học sinh đã thi xong "hết chơn hết chọi" rồi, đang chuẩn bị nhập học. Thế là trường phải mở hội đồng thi cả chục giảng viên (có má Tuấn Hồ hay sao đó, bà dạy ký xướng âm) để chấm điểm các môn cùng một lúc. Về đàn thì anh Dũng đậu cấp đại học, nhưng các môn phụ khác chưa học, nên cuối cùng cho học trung cấp.

Thời học trung cấp cũng đi học bữa đực bữa cái, còn là ở nhà tự tập, vì anh Dũng làm biếng tới nhà thầy (có nhiều giảng viên lâu năm kêu học trò về nhà học thay vì tới trường dạy), tao toàn phải đi xin nghỉ học cho anh Dũng vì lý do bịnh, bận ...

Anh Dũng tự học đàn là chính, một số kỹ thuật luyện ngón anh Dũng tự tạo ra để có kết quả cao khi tập. Flamenco cũng tự tập, rồi tự đưa một số kỹ thuật vào đệm mô-đẹc[4]”.

Như truyện cổ tích Cô bé Lọ Lem … Nhem mà tôi được đọc từ bé, gặp bà Tiên giúp lấy được hoàng tử cao sang quyền quý.

Truyện cổ tích "DKD - Hoàng tử Đầy Lông" thì không có kết cuộc cao sang quyền quý vì hoàng tử vẫn phải bươn chải với cuộc sống ở Việt Nam. Tôi có dịp được tá túc ở nhà "DKD - Hoàng tử Đầy Lông". Tôi không có thói quen dậy từ lúc gà ... chưa gáy nên tôi không biết sờ-ké-đuôi[5] của "DKD - Hoàng tử Đầy Lông" trước khi gà gáy là như thế nào, chỉ biết là sáng sớm khoảng 6h thì "DKD - Hoàng tử Đầy Lông" lạch cạch đi pha cho "Công chúa Classic" (tên con bé) ly sữa vì nó lười không chịu ăn sáng trước khi đi học. Bữa nào dù có học trò đến học đàn nhiều hay ít thì "DKD - Hoàng tử Đầy Lông" cũng ráng chạy xe máy qua vấn an sức khỏe "Hoàng thái hậu" (tức là má ruột của hoàng tử) một chút. Tối chở Công chúa đi học thêm Anh văn. Có bạn của Hoàng hậu đến tá túc phải chạy ra chợ mua xôi bắp, chuối nướng cho bạn Hoàng hậu ăn.

Khi biết anh mang kiếp cầm ... đờn
Hỏi rằng em ơi: Còn yêu anh nữa không[6] ?

Tôi không hỏi con bạn nối chuối chiên của tôi điều này nhưng tôi biết tình yêu của nó phải vĩ đại lắm !


[1] đàn ông hay dùng chữ "bạn nối khố" để gọi người bạn chí thân của mình, tôi dùng chữ "nối chuối chiên" do từ này có phát âm từa tựa chữ soutien của tiếng Pháp, và có nghĩa là áo nịt ngực của phụ nữ
[2] Alain Delon
[3] Google
[4] modern
[5] schedule
[6] lấy ý từ bài "Kiếp cầm ca" của nhạc sĩ Minh Kỳ