Dienstag, 23. Februar 2016

19 Quán cà phê đẹp & độc ở Sài-gòn

Ý kiến của tôi:
Bây giờ đang ở Đức. Đủ loại cà phê. Thứ nào cũng có. Cà phê vừa rang xong, xay tại chỗ. Uống hay mang bột về tùy ý.
Cà phê Ý Tà Lồ ép lấy tinh cà phê.
Cà phê Pháp, theo phong độ Pháp. Nơi nào có các cụ già là chỗ đó có.
Rồi đến Cà phê Mỹ Starbucks ...
Lại có tiệm cà phê, chịu khó đi hơi xa một chút, sang Hòa Lan. Cô phục vụ, đương nhiên là xinh như búp bê, chỉ mặc đồ lót ...
Cho nên cà phê ngon có thể nói là không thiếu.
Có đi uống cà phê chỉ là lấy cái chỗ ngồi. Kiếm cái phong cảnh để trầm ngâm nghĩ mung lung.
Cái thuở xa xưa, tưởng như là tiền kiếp nào đó. Trong  không khí se se lạnh tại quán cà phê Tùng Đà lạt của các cô gái má đỏ.


Trong cà phê vườn Thiên Hương (hay Hương ?) trên đường hai Bà Trưng, với ông chủ quán khó tính nhất định không cho khách chạm tới cái phin cà phê. Chỉ được đặt rồi ngồi chờ. Tha hồ tán dóc, nghe nhạc hay phì phà điếu thuốc, nhìn giọt nước đen tí tách. Chính tay ông chủ săn sóc phin cà phê. Chừng nào ông chủ đắc ý, dơ tay mời. Khi ấy ly cà phê mới thuộc về khách.

Hoặc cà phê Thái Chi - hình như trên đường Trần Quang Khải Đakao, hình như, vì cái trí nhớ lúc này nó mờ mờ ảo ảo, thoáng dầy, thoáng mỏng, như khói thuốc - nhỏ xíu. Ghế ngồi thấp lè tè. Luôn có mấy tờ báo Pháp. Thỉnh thoảng có thể gặp Mai Thảo đọc báo.
Thái Chi là tên bà chủ. Thật ra quán không có tên. Quán mở ra cho vui. Khởi đầu chỉ để chiêu đãi mấy ông văn nghệ văn gừng. Sau các anh em sinh viên tới để ... đọc báo Pháp miễn phí. Đặc điểm của Thái Chi là cuối tháng anh em sinh viên nào có "quên" đem tiền theo, bà chủ cũng vui vẻ, nhã nhặn: Thôi, để lần sau trả. Và ngày Tết đều được mời uống, ăn mứt miễn phí. Gặp bữa thi khách quen có khi được ăn bánh chưng.

Đặc biệt có một quán cà phê bên số chẵn đường Phan Thanh Giản Q.3. Đối diện Bệnh Viện Bình dân Sài-gòn. Quán thật sự. Vì nó là cái bàn để mấy thứ bành kẹo, thuốc lá, đặt phin và dụng cụ pha cà phê ... cùng vài cái ghế.
Quán ở đầu hẻm, gần nhà Thờ Tin Lành.
Quán không tên. Hồi đầu do ông công chức làm việc ở Q.8, có nhà trong hẻm mở ra cho hai cô con gái tập tành làm thương mại. Ông công chức này là dân "Cậu" Sài-gòn thứ thiệt (Cậu Ba). Cậu Ba truyền dạy bí quyết pha cà phê cho cô gái rượu, nhất là chỉ dùng cà phê nguyên chất. Nên quán coi vậy mà lợi tức có vẻ ngon hơn lương công chức.
Nhiều Sinh Viên Y khoa là khách quen của quán này.
Cô chủ vừa xinh, vừa có duyên, vừa ăn nói nhã nhặn, lại là con công chức nên nghe đâu đã trở thành phu nhân một vị bác sĩ.

Mấy quán cà phê này sao đều tại Q.I cả ?
Xem hình, tôi nhớ tới mấy quán ở Bul-ga-ria. Chỉ một khu tôi ở mà đã thấy nhiều quán trình bầy phong cách đại khái như vậy. Có nhiều quán giờ này tôi vẫn giữ ấn tượng. Kể ra, có cơ hội nên đi với tôi thăm Bul-ga-ria một chuyến. Giá tương đối rẻ hơn Đúc. Còn so với Sài-gòn thì rẻ hơn nhiều.

Gửi tạm thế đã.
NHC

Montag, 8. Februar 2016

Chỉ biết tới lúc này thôi

Hồi này già, hay nghĩ ngợi lung tung.
Như thế là cái Tâm không Định. Có vấn đề về tinh thần.
Lòng có yên thì Tâm mới Định.
Hay nghĩ ngợi tức cái Thân yếu.
Thân khỏe thì ngả lưng là ngáy o o. Quên hết thị phi, cơm áo, nợ nần, khen chê.

Hôm qua ngày 23 Tháng Chạp tôi cũng theo tập quán làm mâm cơm Tiễn Ông Táo lên chầu Trời. Trước kia tôi nghe thành ngữ "Lạy vợ", cứ tưởng nghĩa là van xin, cầu khẩn điều gì của anh râu quặp. Bây giờ mới biết là từ chửi đểu của anh chồng. Đúng là chỉ khi vợ chết thì anh chồng mới lạy. Lạy trước vong linh người quá cố. Thành ra khi anh chồng phải lạy vợ tức là mong vợ chết đi cho khuất mắt. Người vợ dù quá quắt tới đâu, dù "điên tiết" thế nào mà nghe tiếng người chồng "Lạy" cũng giật mình. Ngừng ngay.



Nhận được mail về mâm cỗ của ông Phấn. Bao nhiêu kỷ niệm mờ mờ ảo ảo về mâm cỗ xưa. Vì mờ mờ ảo ảo nên không muốn trình bầy. Vì chắc chắn là không chính xác. Cái nhìn của một người Tiểu Tư Sản bị đánh bật gốc thì chỉ là một góc quá nhỏ của xã hội.
Không dè mail của Ông Phấn lại gây hứng thú cho Ông Văn. 

Thử tát nước theo mưa:
Đại khái thì Cỗ xưa được xếp thành hai loại.
Cỗ Hiếu và Cỗ Hỉ.
Cỗ Giỗ, kể cả Cỗ họp Họ, được kể vào Cỗ Hiếu. Như Cỗ Đám Ma.
Cỗ Hỉ thì nhiều hơn. Sinh Nhật, Đầy Tháng, Khai Tâm, Nhập Trường, Thi Đỗ, Đám Hỏi, Cưới, Mừng Thọ, Ăn Khao Vọng ... (Người xưa có câu vòi ăn: Không Khao bất thành quan ...).
Các Cỗ Linh Tinh khác thường được xếp vào Cỗ Hỉ. Như Họp mặt, Tiếp khách ...
Riêng Cỗ tiễn đưa thì (thí dụ đi du học, như bạn ơi quan hà xin cạn chén ly bôi ...) tuy đầy nước mắt cũng được xếp vào Cỗ Hỉ.
Phải biết vậy để gia chủ thiết Cỗ, người bầy Cỗ, người dự Cỗ, biết trình bầy, ăn mặc, mang tặng phẩm ra sao. Cỗ Hiếu là Cỗ trang nghiêm. Gia chủ đã trang nghiêm mà người dự cũng cẩn trọng trong cách trang phục. Cỗ Hỉ thì tha hồ khoe của. Nước hoa, phấn son... dùng thả dàn.

Bây giờ nói về Cỗ.
Có những món ăn bị cấm trong Cỗ Hiếu. Như Xôi Gấc.
Nói Cấm là nói thậm xưng thôi. Nhưng thường lệ thì không thấy. Có những thứ không nên có trong các Cỗ Hiếu. Vì không được cúng nên không có trong thực đơn:  Đậu Đen, Ngô (Bắp), Xôi Gấc ..., Hoa sặc sỡ, Hoa Nhài ...

Mâm Cỗ của người Bắc xưa tối thiểu cũng có Hai, Ba Bát: Miến, Bóng, Măng.
Gọi là 1 Bát thì không đúng lắm. Nó là một món trình bầy bằng Bát. Thường thì một Bát đó là hai bát trong một mâm. Cỗ lớn hay nhỏ là do nhiều Bát hay ít Bát.
Bốn Bát thuộc "Kinh Điển" trong mâm cỗ cổ
- Bóng. Thông thường giầu nghéo sang hèn cũng đều có.
- Miến (như trên)
- Măng
- Nấm. Cỗ Giỗ mà thiếu món này hoặc món này không được đầy đặn thì bị phê bình ngầm "có đắp nấm mới ấm mồ".
Các Bát cổ điển khác :
- Mọc
- Chân giò hầm
- Ninh
- Tiềm. Thường là vịt tiềm. Gà tiềm.
Mấy món cổ điển này tôi thấy gần gần như nhau. Hình như gia chủ cố bầy ra để khoe cho đủ 8 Bát.

Trước 75, các Chủ Hụi lớn khi Họp Hụi lần đầu tiên thường đãi Cỗ Cổ Điển 8 Bát để giới thiệu gia đình cho các Hụi Viên tin tưởng. Rồi mỗi tháng vào ngày Mở Hụi, gia chủ cũng đãi các món không thể đãi trong các Cỗ được. Như :
- Thang
- Gỏi cá
- Cù lao (sau này gọi là Lẫu)

Nói về các món ăn bầy ra đĩa thì rất đa dạng. Các món kinh điển :
- Giò. Tùy nhà mà có mấy đĩa giò khác nhau:
   Giò lụa
   Giò bì
   Giò xào. Thật ra giò xào thuộc họ Chả.
   Giò bò
- Chả chiên
  Chả quế (nướng)
- Thịt gà luộc. Đây là món cổ điển mà Cỗ nào cũng "phải" có.
Đã là cỗ cổ điển thì nhất định đĩa gà luộc gồm: đầu, hai cái giò, đĩa tiết luộc (ít nhất cũng một miếng tiết luộc) bộ đồ lòng, có thể thêm 2 cái cánh thuộc về mâm nào có vị nào quan trọng nhất trong bữa cỗ.
Được mời hay không được mời trong bữa cỗ cổ điển đã quan trọng. Được xếp ngồi ở đâu, ngồi với ai mới quan trọng. Mâm Cỗ có cái đầu gà, cặp chân gà, còn quan trọng hơn.
- Đĩa thịt lợn luộc. Ăn hay không ăn, không cần. Món này với các món trên thuộc về kinh điển của bữa cỗ cổ truyền rồi.
- Đĩa nộm. Thường là nộm sứa.
- Đĩa gà quay. Sang thì Bồ câu quay.
- Đĩa thịt quay.
- Thường tôi hay thấy món Nem Thinh, tức thịt heo nạc thái chỉ, trộn bì heo cũng cắt chỉ và thính.
Lâu quá không được ăn, tôi quên tên mấy món cổ như: Nem chua (thịt sống bọc lá chuối), Nem Rán (tức Nem Saigon hay Chả Giò).
- Món Chả Trứng. Món này làm nhanh, giản dị, dễ trình bầy, dễ ăn, cho đẹp nên các cỗ xưa đều có
- Các đĩa khác tùy mùa.


Đấy là linh tinh về cỗ cổ điển.
Còn đãi tiệc thì tha hồ. Muốn đãi gì cũng được.
Chỉ nên luu ý có những món phải thật thận trọng khi đãi bất cứ ai. Phải giải thích cặn kẽ trước khi mời: như món giả cầy, món pín, món dồi trường heo ...

Về Cỗ và tiệc, tôi được đọc đâu đó, hình như hồi ký của Vương Hồng Sển.
Vương Hồng Sển sang Đài loan được cơ quan văn hóa chủ nhà đãi tiệc vài lần. Mỗi tiệc người đãi (văn hóa mà !) đều mang một ý nào đó:
Tiệc có con 2 chân, con 4 chân, con không chân, con trên trời, con dưới nước, con trên cạn ...
Tiệc mang ý nghĩa Long, Ly, Quy, Phụng ...

Đọc tới đoạn trên, tôi nghĩ: không phải chỉ một trí thức, một Giáo sư dạy ở Đại học Văn Khoa mới biết cái văn hóa đó. 
Năm 1971 (?) Cụ mình đi dự một đám Giỗ, thấy một Cụ con Quan Án có các con thành đạt, mời một Cụ trưởng giả nhưng các con không nên nết có câu "Có đắp nắm mới ấm mồ".
Nghe Cụ kể lại, tôi giật mình. Tôi làm việc ở nơi như đứng bên bờ vực. Lưỡi dao công luận treo lơ lửng bằng sợi chỉ mong manh trên đầu. Chỉ một cơn gió thoảng, một phút thiếu cận trọng là rơi xuống vực thẳm của công luận. Là danh dự gia đình, là Mẹ mình thật không còn dám ngước mặt nhìn thiên hạ, chứ đừng nghĩ tới việc dám ngồi dự tiệc với các con quan Án, quan Tuần...

Tôi đã thoát ra được.
Nghĩ lại thật là mừng.
Cám ơn Tổ tiên đã giữ cho con cháu không có những hành động nào khiến tổ tiên phải mang tiếng xấu.
Nhưng chỉ mới biết cho tới ngày hôm nay. Cho tới lúc này.


Đời là Vô Thường.
Người xưa răn dạy con cháu: "Bẩy mươi chưa đui chưa què chớ khoe rằng tốt".
Thành ra hãy chỉ biết là ngày hôm nay, tới lúc này.
Còn từ giờ tới khi nhăm mắt xuôi tay thì: Que sera sera ...

Lại nhớ tới bài báo của Ban Tuyên Huấn Trung ương Đảng CS nói về anh Đảng viên Đảng Cộng sản (từ năm 1969) Nguyễn Thành Trung, quê Bến Tre, gốc Sĩ quan VNCH, lái phản lực cơ F5, phản bội QLVNCH ném bom dinh Tổng Thống VNCH 1975.
Anh ta ước ao được chết từ năm 1974 tại Hoàng Sa. Vì anh ta biết cho tới giờ này anh ta còn là Anh Hùng của Cộng Sản, là Đại Tá Cộng Sản VN, là Phó Tổng Giám Đốc Hàng Không VN.
Nhưng anh ta chưa chết nên ... chỉ biết tới lúc này thôi.

Tương lai thì: Thế sự thăng trầm quân mạc vấn.

Có thể một lúc nào đó một ai đó, có thể là chính con anh ta hỏi:
Cái chế độ đã nuôi dưỡng anh ta tuy chưa hoàn thiện đã bị anh ta phản bội, đạp đổ để xây dựng một chế độ mới phải hơn 30 năm sau vẫn chưa bằng cái xã hội mà anh ta phản bội.
Cái chế độ mà anh ta phản bội đã cư xử với vợ con một tên phản bội rất quân tử, rất nhân bản. Vì vợ con của anh ta vô can trong các hành động phản bội của anh ta.
Ngược lại vợ con của các Quân Cán Chính VNCH bị Cộng Sản bị đối xử thế nào, anh ta, một Anh Hùng của bên thắng cuộc có thấy không ?
Con của các Sĩ Quan QLVNCH bị hạn chế học hành ra sao anh ta có biết không ?

NHC