Sonntag, 26. Juni 2016

Vô cùng thương tiếc - Ơn mãi tạc lòng

Với bộ râu cằm đặc biệt, hình ảnh Tiến sĩ Neudeck qua bao năm tháng không chỉ neo chặt trong lòng hơn 11.000 thuyền nhân Việt Nam mà còn là biểu tượng của người Đức nhân ái, trút bỏ cái vỏ lịch sử đen tối đè nặng lên họ từ chiến tranh thế giới thứ hai. 

Sinh ngày 14.05.1939 ở Danzig-Langfuhr nay thuộc lãnh thổ Ba Lan, cậu bé Rupert theo mẹ, chị và 2 em trai chạy trốn Hồng quân Liên Xô vào mùa đông năm 1945. Họ lỡ chuyến cuối cùng của tàu "Wilhelm Gustloff" trong "chiến dịch Hannibal" di tản thường dân và viên chức. Và sống sót. Con tàu này bị tàu ngầm Nga bắn ngư lôi đánh chìm làm khoảng 9.400 người mạng vong. Gia đình ông trốn chạy vất vưởng đến Westfalen, sống qua ngày nhờ những chén súp của tín đồ phái giáo hữu Quaker. "Hương vị súp vẫn còn đọng trên lưỡi tôi", ông thổ lộ mỗi lần hồi tưởng lại cuộc phiêu lưu đã in đậm trong tiềm thức. Định cư tại thành phố Hagen, đại học ngành Triết, Ngôn ngữ và Văn chương Đức ở Münster, sau khi trình luận án tiến sĩ, Neudeck hành nghề phóng viên, biên tập viên cho các báo, đài phát thanh tên tuổi, chuyên mục chính trị. 

Một ngày vào năm 1979, Neudeck vào phòng thu hình của ký giả Franz Alt, hiện là giám đốc đài truyền hình Baden-Baden, trỏ tay chỉ vào hình ảnh những chiếc ghe mong manh chòng chành trong lòng đại dương mênh mông: “Chẳng lẽ chúng ta cứ mãi nhìn thảm cảnh như vầy mỗi ngày sao ?”. Trước sự quả quyết của Neudeck, ông Alt liều lĩnh đưa ra đề nghị mà chưa được sự chấp thuận của ban giám đốc chương trình truyền hình: “Tôi cho anh 2 phút để kêu gọi khán thính giả về sự tha thiết của anh”. Chỉ trong vòng ba ngày, dân Đức đóng góp một triệu ba Đức Mã. Đây là "một trong những hành động cứu người đẹp nhất trong lịch sử hậu chiến của Đức" mà không có sự hỗ trợ nào từ phía chính phủ. "Ein Schiff für Vietnam" (Một con tàu cho Việt Nam) nhổ neo rời hải cảng Kobe, Nhật Bản, vào ngày 9 tháng 8 năm 1979, lúc 15 giờ 23 phút, trực chỉ biển Nam Hải tìm vớt thuyền nhân Việt Nam. Và Rupert Neudeck đã tìm thấy mục đích cuộc sống đời mình. Cap Anamur I ra khơi từ 09.1979 đến 05.1982, vớt 9.507 thuyền nhân, Cap Anamur II ra khơi từ 03.1986 đến tháng 07.1986, vớt 888 thuyền nhân, Cap Anamur III ra khơi từ 04.1987 đến 07.1987, vớt 905 thuyền nhân, tổng cộng 11.300 người.
Ủy Ban Cap Anamur sau thời gian cứu người tị nạn vượt biển mở rộng phạm vi hoạt động, xây dựng và duy trì một số bệnh viện tại Việt Nam, một số trạm y tế tại Kolumbia, Ethiopien và Irak. Năm 1993, tại Storkow thuộc bang Brandenburg, “Làng Hòa Bình Cap Anamur” được thành lập, nơi người Đức và người ngoại quốc sống chung với nhau. Năm 1999, trong giai đoạn chiến tranh tại Kosovo, Neudeck tổ chức cứu trợ người di tản. Cap Anamur giúp đỡ người tị nạn tại Mazedonien và Albanien, xây dựng lại nhà ở và trường học tại Kosovo, cung cấp xe chở rác và xây dựng các trạm xá y tế. Cap Anamur giúp đỡ nạn nhân chiến cuộc tại Sudan cũng như nạn nhân Taliban tại Afganistan. Năm 2003, Neudeck sáng lập tổ chức „Grünhelme“ (Hội Mũ xanh lục) kêu gọi giúp thiện nguyện xây lại nhà ở, làng mạc hoặc hệ thống nước bị tàn phá do chiến tranh. 

Rupert Neudeck được trao nhiều giải thưởng cao quý - một phần cùng với vợ là bà Christel – như huy chương Công dân anh dũng Theodor-Heuss, giải Nhân quyền Bruno-Kreisky, giải Bác ái, hòa bình dân tộc Erich-Kästner, giải Nhịp cầu tôn giáo, chính trị Walter-Dirks. Tháng Tư 2016 vừa qua, cựu nghị sĩ hạ viện Wolfgang Thierse vinh danh 40 năm dấn thân cho người tị nạn của ông bà Neudeck. 

Trong buổi kỷ niệm 35 năm Cap Anamur tổ chức tại Hamburg, Neudeck mở đầu bài diễn văn làm xúc động hàng ngàn trái tim: Hỡi các bạn Việt Nam trên nước Đức cũng như khắp nơi trên thế giới, xin noi gương một tổng thống Mỹ, hôm nay tôi muốn nói với các bạn rằng "Tôi cũng là một người Việt Nam" - Ich bin auch ein Vietnamese. Ông không hề hối tiếc việc khởi xướng Cap Anamur mà còn tự hào "Những thuyền nhân Việt Nam là nhóm người ngoại quốc ưu tú nhất mà người Đức vẫn từng mơ ước đó là đồng hương mới của mình. Sự hội nhập của họ thật là tốt đẹp".    
 
Sau ca giải phẫu tim lần thứ 3, Tiến sĩ Rupert Neudeck từ trần tại bệnh viện ngày 31.05.2016, hưởng thọ 77 tuổi. Hàng ngàn người Việt từ khắp nơi trên toàn nước Đức đổ về dự lễ tưởng niệm ông hôm 14.06. Trong không khí trang nghiêm, xúc động, đầy tri ân tại thánh đường St. Aposteln ở Köln, Đức Hồng Y Woelki trân trọng bày tỏ: "Rupert Neudeck đã bảo vệ sự sống, nhất tâm và không nhượng bộ. Nhiều người hiện diện tại đây hôm nay mang ơn ông cứu mạng". Với Hồng Y Woelki, sự ra đi của Neudeck chỉ như một "tạm dừng" vì "sứ mạng của ông dường như vô tận không bao giờ chấm dứt".
Một bài báo WDR đặt tên sự nghiệp cứu người nhân đạo của Neudeck bằng tựa đề "Menschenfischer und Dickkopf"- Kẻ chài lưới người ương ngạnh. 


Mittwoch, 22. Juni 2016

"Ai-Bi" bên dòng sông Mơ ...


Hôm nọ tán gẫu với đám bạn chuyên bán lẻ trái cây dưa lê, dưa chuột, buôn "phao" câu vịt hoặc kinh doanh bánh "phồng" tôm, bắp rang "nổ", tự dưng một chị hớn hở khoe:
- Mai mốt con chị xong "Ai-Bi" là chị mở ngay cửa hàng Vina-Floß-Angel-Ente (tức là Việt-Nam-Phao-Câu-Vịt) tha hồ vi vút về Việt Nam em ạ !

Thấy tôi "ngơ ngác nai vàng" không gật gù tỏ vẻ muốn "bái sư tầm đạo" như mọi lần, chị bèn mở "Ai-Bát"[1] - hình như nhà chị gốc quý tộc, thuộc dòng họ vua Ai Vương nên chị toàn xài đồ của "Ai", ý tôi muốn nói là "Ai-Phồn", "Ai-Bát", "Ai-Tuôn"[2] chứ không phải chị xài đồ "chùa", tuy đôi khi chị hay mượn cái điện thoại di động cà tèng của tôi để quảng cáo bán lê bên dòng sông Mơ với lý do "Ai" của chị hết pin và tôi cuối tháng ngậm ngùi trả tiền "rôm"[3] mệt nghỉ - móng tay dài ngoằng như Từ-Hy thái hậu, sơn đỏ rực, quẹt quẹt trông điêu luyện không thua Victoria Beckham, chỉ chỉ vào trang web trường đại học Maastricht hững hờ bên dòng sông Mơ (Meuse) của vương quốc Hòa-Lan. Thì ra "Ai-Bi" là viết tắt của International Business, ngành Kinh tế Quốc tế. Ậy, cái gì chứ "Ai-Bi" bên dòng sông Mơ thì tôi còn lạ gì, chính tôi cũng là một trong những nạn nhân ... bi ai của ... "Ai-Bi" bên dòng sông Mơ ...

Bên dòng sông Mơ

Số là:
Đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi ở tuổi "trăng đến tuổi trăng tròn", lúc nào cũng ước mơ sau này theo ngành "Ai-Bi", "Ai" là international, là quốc tế, là toàn cầu, không chỉ buôn dưa lê ở Hồng-Kông, Nữu-Ước mà còn đến tận Công-Gô, Hóc-Bò-Tót. Muốn chen chân bán lê phải vào mạng, nộp đơn xin học cả nửa năm trước. Phân khoa kinh tế của đại học bên dòng sông Mơ này có tới bốn ngành bán dưa, ba là bán dưa "I", chỉ có duy nhất một bán dưa "Ai". Có lẽ do cận thị từ nhỏ nên với tôi "dao nào cũng là dao, dao phát cũng như dao cạo dài" (chú thích: tự động bỏ dấu từ câu "đạo nào cũng là đạo, đạo phật cũng như đạo cao đài"), lại thêm viết bằng thứ tiếng "Ai-Đồng-Nô"[4] nên tôi cứ thế mà bấm kịch kịch, năm phút là bán xong lê rồi. Hôm chuẩn bị nhập học bán lê, đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi tức tưởi:
- Má buôn sai lê rồi, hu hu hu, Ai-Bi, Ai-Bi ...

Tôi "bi" chứ ai. Lòng tôi tan nát. Thôi là hết "ai" đi đường "ai". Chỉ còn biết năn nỉ đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi ráng đi, thua keo này ta bày keo khác, năm sau mình "ngư ông Tái Ai bên dòng sông Mơ" vậy. Cũng xin nói thêm rằng nếu có "ai" kể năm đầu chương trình học bán lê giống nhau là tin của hãng Vina-Phao-Câu-Vịt mà sở hữu chủ là chị Cháu-Bắn-Cà-Nông-Không-Tới của Triệu Ai Vương kể ở khúc đầu, nhưng cũng may nhờ phao câu vịt mà đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi cắm cổ học ngày học đêm với hy vọng đá văng tên nào đó để chiếm đoạt cái chỗ bán lê "Ai-Bi" đầy bi ai này. Do "Ai Bi" đường mật dụ dỗ sẽ được đi bán lê ở ngoại quốc trước khi có bằng tốt nghiệp nên thiên hạ, trong đó có đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi, ùn ùn rủ nhau đi buôn lê bên dòng sông Mơ. Sau một lục cá nguyệt cổ rụt vì cắm nhiều quá nó khám phá ra dưa "I-Bi" (chú thích: là EB, là Economic Bussiness, là Kinh tế quản trị) cũng không dở, cũng được đi bán dưa dạo bên Cam-bu-chia như thường và vui vẻ kêu tôi
Cười lên đi em ơi
Hãy ngước mặt nhìn đời
Nhìn đổi thay ta vang tiếng cười
Ta không thèm làm người
Thà làm mây bay khắp phương trời

(Lê Hựu Hà)

Tôi không lên trời, tôi lên mạng tìm phòng để thúc thủ bên dòng sông Mơ vì dưa "I-Bi" khó bán hơn dưa "Ai-Bi", bài kiểm toàn hỏi vớ vỉn như "giả sử mua một ghe dưa lê ở chợ nổi Cái Răng, bán không được ở chợ Bến Thành, có đem vỏ dưa vứt xuống dòng sông Mơ được chăng ?" Bài kiểm sinh viên năm thứ nhất "Ai-Bi" sẽ vẽ hai ô vuông vỏn vẹn hai chữ "Yes", "No", xác xuất làm ô uế sông Mơ là 50-50, khỏi suy nghĩ bạc đầu, ta cứ thế mà quẳng vỏ dưa xuống sông.
"I-Bi" khác. Muốn ném dưa xuống sông phải nhìn ngang nhìn dọc xem có cảnh sát đứng rình đâu đó không, lỡ bị bắt quả tang phải biết phân trần "em chả, em chả", đưa giấy tờ chứng minh cái cô Vina-Phao-Câu-Vịt kia có thỏa thuận với Hội đồng chợ lê rồi đó thầy phú-lít[5] ạ, và không quên chìa "biêu"[6] là má em có trả tiền "rôm" của cổ rồi nè. Vậy mới êm chuyện.
Giá một căn phòng cũng không thua gì giá "rôm", trung bình 350 đến 450 đồng "oi"[7], tường mốc đen, đi "chồ"[8] phải nhớ mang theo giấy chùi vì ở chung với 6,7 em, không phải em nào cũng bán lê, đại học Maastricht còn đào tạo bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, tiến sĩ, thạc sĩ ... và nhiều loại sĩ diện khác (chú thích: "sĩ" và "diện" ở đây là hai chữ hoàn toàn độc lập không phải là từ kép, có nghĩa là sĩ diện y tức là ngành về sức khỏe, sĩ diện kỹ ngành về công nghiệp v.v., xin chớ hiểu lầm).
Chưa hết. Muốn được đi bán lê ở Sing[9] cho sang phải chen chúc đạp trái đạp phải vì chương trình dạy bán lê có cái gọi là "răng kinh"[10], tức là răng càng kinh càng được phép chọn đi bán ở chợ nào, chỉ cần nhe "răng" ra là có quyền chỉ tay vào bản đồ các trường bán lê ở ngoại quốc mà trong đó Nữu-Ước hình như một chợ chỉ có vài cửa hàng bán lê, "răng" phải nhọn hoắc mới chen vào chợ này được.
Đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi còn đang tuổi kẹp răng, nó cười một cái hư hình hết trơn hết trọi vì đèn máy chụp hình bị phản ánh kim loại của bộ kẽm kèm răng. Nó nói răng con vầy đi bán lê ở Hàn quốc cũng được rồi má à, còn hơn đi Cam-Bu-Chia. Tôi hỏi rồi lê bán ế con quẳng xuống sông Hán[11] hả ? Nó cười thỏn thẻn:
- Hông đâu má, bữa hổm sau khi đưa tờ "biêu" của má ra, ông phú-lít "ấn-tượng" quá rủ con đi uống cà-phê, rồi ổng kể ổng sinh trưởng ở đây nên dưa ế ổng thầu lại, nghiền ra thành thức ăn xong đóng hộp bán cho hãng Vina-Phao-Câu-Vịt của cô Ba "Ai" đó má ! Chứ hổng có quẳng xuống sông nào hết má à, tội chết !
Thiệt là mừng hết lớn, dòng sông Mơ khỏi lo bị ô uế bởi đám hậu sinh "Ai-Bi".

Chợ nổi Cái Răng



[1] iPad
[2] iPhone, IPad, iTune
[3] roaming
[4] I don’t know
[5] police
[6] bill
[7] Euro
[8] tiếng lóng miền nam dùng chỉ việc đi ... đại tiện
[9] Singapur
[10] ranking
[11] sông Hangang ở Seoul

Donnerstag, 2. Juni 2016

Rupert Neudeck - Bướng bỉnh và nhân ái

Hung tin ông Neudeck từ trần, vị ân nhân cứu mạng hơn 11.000 người Việt vượt biên vào khoảng thập niên 80, như một cơn sóng dữ một lần nữa làm giao động cộng đồng người tị nạn.
Tôi không đủ khả năng để viết về người đã tặng tôi diễm phúc có một cuộc sống thứ hai, có một quê hương thứ hai, được hít thở không khí của tự do và hạnh phúc nên xin mạn phép dịch lại bài báo bằng tiếng Việt, "Zum Tode von Rupert Neudeck: Menschenfischer und Dickkopf" (Ông Rupert Neudeck từ trần: Kẻ chài lưới người ương ngạnh), tác giả Marion Kretz-Mangold, đăng ngày 01.06 trên trang Web của WDR http://www1.wdr.de/nachrich…/nachruf-rupert-neudeck-100.html  cũng như thông báo về Lễ tưởng niệm ông Dr. Rupert Neudeck sẽ được tổ chức vào:
Thứ Ba, ngày 14 tháng 6 năm 2016, lúc 11:00 giờ tại:
St. Aposteln
Neumarkt 30
50667 Köln

Kẻ chài lưới người ương ngạnh

Cực đoan, không đắn đo và rất sùng đạo: Rupert Neudeck là người có tài quán xuyến khủng hoảng biến động. Ông muốn cứu người, bất kể tị nạn Việt Nam hay nạn nhân lũ lụt và chết đói ở Bắc Hàn. Người sáng lập con tàu "Cap Anamur" qua đời ngày 31.05.2016, hưởng thọ 77 tuổi.
Mũi cong thô, đôi mắt tinh anh, râu trắng kiểu thủy thủ, khuôn mặt Rupert Neudeck neo chặt trong ký ức của người Đức, chỉ cần nhắc những từ khóa "boat people" và "Cap Anamur" là họ nhớ ra ngay. "Cap Anamur" là tên con tàu chở hàng cũ mà nhà báo Neudeck mùa hè 1979 gửi ra biển khơi vớt thuyền nhân Việt Nam, không tiền cũng không được chính thức ủng hộ nhưng mang lại kết quả vĩ đại. Hơn 11.000 người Việt chạy trốn chế độ cộng sản tìm thấy tại Đức một quê hương mới, trở thành khởi đầu của nhiều cứu trợ khác ở Congo và Kosovo, Sudan và Syria.

Sự sống còn: Một trùng hợp ngẫu nhiên
Tại sao ông "xúc động mãnh liệt" khi nghe nói về thảm kịch ở biển Nam Hải ? Tại sao sau đó số phận người tị nạn tiếp tục làm ông vương vấn ? Ông cũng tự đặt câu hỏi cho đến khi nhớ lại chính câu chuyện của mình. Cậu bé 14 tuổi Rupert, sinh ngày 14.05.1939 tại Danzig, Ba-Lan, theo mẹ, chị và 2 em trai chạy trốn Hồng quân Liên Xô vào mùa đông năm 1945. Họ lỡ chuyến cuối cùng của tàu "Wilhelm Gustloff" trong "chiến dịch Hannibal" di tản thường dân và viên chức. Và sống sót vì con tàu này bị tàu ngầm Nga bắn ngư lôi đánh chìm làm khoảng 9.400 người mạng vong. Gia đình ông trốn chạy vất vưởng đến Westfalen và sống qua ngày nhờ vào những chén súp của tín đồ phái giáo hữu Quaker. "Hương vị súp vẫn còn đọng trên lưỡi tôi", ông thổ lộ mỗi lần hồi tưởng lại cuộc phiêu lưu đã in đậm trong tiềm thức.

Những mảnh vỡ nhỏ trong tiểu sử
Học trò trung học ở Hagen, sinh viên ở Münster và Bonn, tiến sĩ triết học, người cha và nhà báo, một sự nghiệp mới nghe qua có vẻ hoàn toàn bình thường, thẳng tiến. Nhưng trong đó có một năm tu khổ không thành với các cha Dòng Tên vì ông đòi hỏi quá nhiều ở các bài tập khổ hạnh. Hoặc tranh chấp với chủ biên tập vì một bài viết quan trọng mà ông không chịu nhượng bộ. Neudeck cho thấy ông có thể bướng bỉnh khi cần, ông tự gọi là "cực đoan", một cá tính ông mang theo trong suốt cuộc sống và suy nghĩ của mình.

Một con tàu và quyên góp hàng triệu
"Cực đoan không có nghĩa là hèn nhát và không xu thời", ông giải thích, vì vậy, ông làm những gì tự cho là đúng và thực hiện ngay lập tức. Mặc dù Bộ trưởng tiểu bang Niedersachsen, Ernst Albrecht, một năm trước đó đã nhận tị nạn Việt Nam, đối với Neudeck vẫn còn quá ít. Ông nhờ vả Heinrich Böll, nhà văn tên tuổi Đức, hỗ trợ, thế chấp ngôi nhà của mình để mua một con tàu, và kêu gọi đóng góp trên chương trình "Report" của đài truyền hình ARD. Tiếng vang thật vĩ đại: ba túi to đựng biên lai tiền lạc quyên, 1,5 triệu Đức mã chỉ trong vài ngày. "Das Schiff für Vietnam " (Con tàu cho Việt Nam) ra khơi vào ngày 9 tháng 8 năm 1979 và Rupert Neudeck đã tìm thấy mục đích cuộc sống đời mình.

“Buôn người bất hợp pháp”
Luôn có những khủng hoảng biến động mới mà Neudeck muốn giúp đỡ, vì vậy năm 1982 ông thành lập hội đoàn "Cap Anamur / Notärzte e.V." giúp xây bệnh viện ở Sudan, trường học ở Afghanistan và các phòng khám y tế tại Kosovo theo phương châm "Tự xăn tay áo để giải quyết chứ không trông chờ mải miết vào chính quyền". Ngay từ buổi hoạt động đầu tiên của "Cap Anamur" ông "bị mạt sát thậm tệ nhất trong đời", thậm chí còn bị gán là "buôn người bất hợp pháp" vì qua mặt  bộ máy quan liêu Đức. Nhưng ông không để bị lung lạc: "Xin cấp giấy phép cứu người chết đuối không thể là một việc tối quan trọng được".

Nghỉ hè tại vùng có biến động
Cuộc sống "nhà khổ hạnh yêu đời" Rupert Neudeck không đơn giản tí nào. Là một biên tập viên, ông thường leo lên máy bay sau giờ làm việc, sống những ngày cuối tuần tại một khu vực có biến động và sáng thứ Hai lại có mặt tại văn phòng. Ông được hỗ trợ bởi niềm tin sâu sắc của mình - và của gia đình. Ba đứa con thấy cha trên truyền hình nhiều hơn ở nhà, ông thường trải qua mùa hè với chúng ở những vùng có biến động thay vì dẫn đi chơi nghỉ mát. "Tôi không thể than phiền trước những đau khổ của thế giới", bà Christel, vợ ông thổ lộ. Bà lo toan cuộc sống gia đình ở Troisdorf và tổ chức những chuyến cứu trợ khắp nơi trên thế giới. Bà chỉ phàn nàn nhẹ nhàng một khía cạnh khác của "vị cứu tinh không biết mệt", Rupert Neudeck không thích tán láo trong quán rượu, "Anh ấy cư xử thật là thiếu tế nhị. Cả buổi tối không hé răng hoặc buộc người khác nghe những việc anh ấy làm ở Ruanda ..."

Một "cái gai trong tâm hồn tôi"
Neudeck tự thừa nhận ông "không phải luôn luôn khôn ngoan nhất và ôn hòa nhất", ông biết những lời chỉ trích về phong cách quản lý của mình. Nhưng ông là bộ mặt và đầu óc của tổ chức. Tìm hiểu vấn đề, sau đó quyên tiền và chiêu mộ tình nguyện viên: "Phương thức Neudeck" thành công với "Cap Anamur" cũng như với "Grünhelme" (Mũ xanh lục) ra đời năm 2003. Nhưng cũng có những thất bại. Năm 2001, chính quyền Bắc Hàn bỏ mặc khi ông muốn gửi bò chuẩn bị giết hàng loạt sau khủng hoảng dịch gia súc BSE đến Bắc Hàn. Mười hai năm sau, ba tình nguyện viên Mũ xanh lục bị bắt cóc ở Syria dù có đủ biện pháp phòng ngừa. Tuy họ tự giải thoát được vài tuần sau đó nhưng vụ bắt cóc là "điều tồi tệ nhất mà tôi đã trải qua, làm tôi chấn động tột độ và cảm thấy đau nhói như có gai đâm vào hồn mình", ông thú nhận. Ít lâu sau Neudeck từ chức lãnh đạo hội đoàn Grünhelme.
Dường như đến lúc nhà hoạt động vì nhân đạo bị giới hạn bởi một rào cản, vào năm 2004, người kế nhiệm ông là Elias Bierdel bị chính quyền Ý bắt giữ khi một lần nữa dùng tàu "Cap Anamur" vớt thuyền nhân Phi châu tại Địa Trung Hải, chiếc "Cap Anamur" có nguy cơ bị tịch thu. Bierdel được thả ra, mất chức, và hội trưởng danh dự Neudeck lại cống hiến mình cho các dự án nhân đạo mới.

Chủ đề cuộc sống: Tị nạn
Nghỉ hưu? Không có chuyện đó, mặc dù ông ít đi xa hơn trước, có quá nhiều dự án chưa được thực hiện. Ông mong muốn vào ngày sinh nhật thứ 75 tổ chức một cuộc chạy bộ đường trường 42km Marathon qua dải Gaza và xây dựng tuyến đường sắt qua Sudan. Ông còn muốn học tiếng Ả-Rập. Hơn nữa, còn rất nhiều vấn đề mà ông có ý kiến ​​riêng của mình, muốn chia xẻ với mọi người qua sách báo, phỏng vấn và vô số bài viết. Đức Giáo Hoàng Francis ? "Tuyệt vời". Chương trình trò chuyện trên truyền hình (Talkshow) ? "Thừa". Đình công lái tàu hỏa ? "Còn vô bổ hơn". Mối quan tâm lớn trong trái tim ông vẫn là những người tị nạn đến châu Âu từ Trung Đông hoặc châu Phi qua lối Địa Trung Hải: "13 triệu người tị nạn được đón nhận tại thời điểm đó ở Tây Đức", ông hồi tưởng lại thuở thơ ấu của mình và cho số lượng người tị nạn hiện nay là "chuyện nhỏ". 

Quyền có ý kiến cá nhân
Sử dụng từ ngữ và hình ảnh ấn tượng: đó là cách ông kêu gọi hỗ trợ nhân đạo. Vì ông có dẫn chứng kinh nghiệm chính bản thân nên dễ gây tin cậy. Do đó, ông có thể chỉ trích Israel về các chính sách cư dân và đòi hỏi người tị nạn trong vòng một năm phải học Đức ngữ - hoặc trở về cố quốc. Đặc biệt gặp phản ứng dữ dội khi ông yêu cầu chiến binh Kurd được nhận vũ khí Đức. "Tôi không muốn mọi người phải chết cho sự trong sáng triết lý của tôi, hòa bình của tôi", thốt ra từ một "cựu chiến binh phong trào hòa bình" Neudeck ? Nhưng ông có cái đầu riêng của mình, và nghĩ khác người.

Một ghe của người tị nạn (Troisdorf)
Huy chương, hiệp sĩ và nhà nhân ái tuyệt vời
Neudeck nhận nhiều tuyên dương, hai lần từ chối nhận Bắc đẩu bội tinh (Bundesverdienstkreuz). Ông luôn hiện diện trong các buổi kỷ niệm con tàu "Cap Anamur" do cựu thuyền nhân tổ chức. Và ở Troisdorf quê ông, không xa nhà mấy, sừng sững một trong những chiếc ghe của người tị nạn từng được kéo lên boong tàu Cap Anamur. Có lần ông được hỏi gọi ông là người Samaritanô nhân hậu có xứng đáng không ? "Ồ, đây là một danh gọi tuyệt đẹp nhất mà tôi có thể tưởng tượng ra". Ông qua đời ở tuổi 77 sau một ca phẫu thuật tim tại bệnh viện.