Mẹ tôi chuẩn bị bước sang tuổi 8x, không phải cái tuổi mà ở Việt Nam dùng ám chỉ những người sinh năm 1980 đến 1989, mà là tuổi ở Việt Nam ngày xưa gọi là Trượng-Triều theo Lễ-Ký trong bộ Ngũ-Kinh của Khổng-Tử ghi chép lại các lễ nghi thời trước với quan niệm "bất học Thi, vô dĩ ngôn, bất học Lễ, vô dĩ lập" (không học Kinh-Thi thì lấy (kiến thức) đâu mà nói, không học Kinh-Lễ thì không biết đi đứng ở đời):
Ngũ thập trượng vu gia 五十杖于家
Lục thập trượng vu hương 六十杖于乡
Thất thập trượng vu quốc 七十杖于国
Bát thập trượng vu triều 八十杖于朝
Cửu thập giả, thiên tử dục vấn yên, tắc tựu kì thất 九十者, 天子欲问焉, 则就其室
Lục thập trượng vu hương 六十杖于乡
Thất thập trượng vu quốc 七十杖于国
Bát thập trượng vu triều 八十杖于朝
Cửu thập giả, thiên tử dục vấn yên, tắc tựu kì thất 九十者, 天子欲问焉, 则就其室
Nghi lễ trên nói rằng
50 tuổi chống gậy trong nhà
60 tuổi chống gậy trong làng
70 tuổi chống gậy trong nước
80 tuổi chống gậy trong triều
Với các cụ 90 tuổi, nếu thiên tử có việc muốn hỏi, thiên tử phải đến nhà.
50 tuổi chống gậy trong nhà
60 tuổi chống gậy trong làng
70 tuổi chống gậy trong nước
80 tuổi chống gậy trong triều
Với các cụ 90 tuổi, nếu thiên tử có việc muốn hỏi, thiên tử phải đến nhà.
Người được 80 tuổi có quyền chống trượng vào triều đình dâng kiến nghị thẳng lên vua, hoặc phê phán việc nước mà không bị ngăn cản bởi đã vào tuổi 8x thì đã hết tham sân si vụ lợi riêng, nếu muốn vào triều gặp vua tức là còn khỏe mạnh minh mẫn, còn quan tâm đến việc nước, triều đình phải vểnh tai lên lắng nghe.
Mẹ bên bờ sông Sài-Gòn |
Tôi cũng đặc biệt "ưa" tiếng Hán, nhưng là Hán-Việt, vì đến đời tôi thôi không phải học cái ngôn ngữ loằng ngoằng ấy nữa, chỉ phải biết ý nghĩa từ ngữ để không viết văn "tràng giang đại hải", sông dài biển lớn, sai văn phạm, trật ngữ pháp. Và nếu bài luận văn tôi còn vòng qua móc lại sao cho dính dáng đến điển tích trong "Cổ học tinh hoa" thì y như rằng cô giáo phải chặc lưỡi cho ngay điểm tối đa.
Khấu-Chuẩn 寇準, người nhà Tống, đỗ tiến sĩ, làm quan đời vua Chân-Tôn, có công đánh giặc Khiết, Đan, thuở nhỏ tính hay du đãng, không giữ lễ phép lại thích chơi chim, chơi chó. Bà mẹ ông vốn là người nghiêm khắc, thấy con thế quở phạt luôn mà ông vẫn không chừa. Một hôm, ông bỏ học đi chơi, bà mẹ giận lắm, cầm cái quả cân ném ông, trúng phải chân, máu chảy đầm đìa. Ông bị đau, ít lâu mới khỏi. Từ bấy giờ ông không dám lêu lổng, phóng túng, chỉ chuyên cần học tập. Về sau thi đỗ, làm quan đến Tể-tướng. Lúc ông quý hiển, thì mẹ ông đã tạ thế rồi. Mỗi khi ông sờ đến vết thương ở chân, thì ông lại nức nở khóc lóc và nói rằng: "Chính cái vết thương này làm cho ta nên người đây".
Tôi trích truyện "Khấu-Chuẩn thương nhớ mẹ" trong Cổ học tinh hoa không phải muốn được điểm tối đa như xưa mà để "vào đề" bài blog "Mẹ 8x" này. Mẹ cũng dạy tôi nên người như mẹ ông Khấu-Chuẩn, chỉ khác là mẹ không lấy quả cân ném tôi chảy máu chân. Mẹ tôi tuy nóng tính nhưng không bao giờ đánh con vì ... bố tôi. Bố tôi rất nghiêm khắc, dạy con bằng "miệng" chứ không bằng "tay", ông chỉ cần quắc mắt là tôi biết mình đã làm sai, lòng đầy sợ hãi và không dám vi phạm lần thứ hai. Sau này tôi cũng không dùng quả cân để dạy con, nhưng lúc tôi lên cơn phẫn nộ tôi không nhẹ nhàng được như mẹ mà quát tháo ầm ĩ có lẽ vì gân cổ tôi phát triển hơn người bình thường.
Năm 1955, lúc mẹ rời quê hương miền Bắc, bỏ lại sau lưng kỷ niệm tuổi thơ, bạn bè tri kỷ, lên một trong những chuyến tàu "há mồm" cuối cùng di cư vào Sài-Gòn theo Chiến dịch Con đường đến Tự do Operation Passage to Freedom mẹ chỉ lớn hơn hơn tôi 2 tuổi như khi tôi rời Sài-Gòn, bỏ lại sau lưng kỷ niệm tuổi thơ, bạn bè tri kỷ, lên tàu vượt biên ra đi vô định hướng. Mẹ bị gián đoạn việc học nên có lẽ vì vậy mẹ chọn ngành cao đẳng sư phạm, an phận làm cô giáo tiểu học, rồi lấy chồng, nuôi con.
Mẹ và học trò 1960 |
Mẹ & Bố |
Mẹ và học trò 1966 |
Mẹ là ánh sáng mặt trời
Soi đường con bước dạy lời con thưa
Mẹ là hạt nước cơn mưa
Nuôi con khôn lớn sớm trưa chẳng hà
Mẹ là muôn vạn nụ hoa
Cho con hương thắm mặn mà tuổi xuân
Tết Ất Mão (02.1975) |
Ngạn ngữ Đức có câu "Mütter tragen ihre Kinder durch den Morgen; Kinder sollen ihre Mütter durch den Abend tragen", tạm dịch là "Mẹ cõng con lúc trời rạng sáng, con cõng mẹ khi áng chiều tà".