Freitag, 1. Juli 2016

Chuyện cô Hạnh


Mẹ tôi ngao du đi Úc thăm bác tôi, các cụ tuổi 8x hết rồi, gặp nhau toàn kể chuyện đời xửa đời xưa, một thuở mơ huyền ... mờ. Vô vàn chuyện về châu lục "miệt dưới" down under này. Nào là khu chợ Việt Nam chả thấy thằng Úc nào lảng vảng, nào là muốn hỏi đường phải xuống xe đi bộ mỏi cẳng mới gõ cửa nhà ai đó được, nào là "nó ngồi trong xe giống mình vầy nè mà lái bên kia kìa con, ngộ lắm". Nhưng chuyện làm tôi "một phút suy tư" lại là chuyện cô Hạnh.

Cô là người yêu của bác tôi lúc bác còn là một bác sĩ quân y đẹp trai, có phòng mạch tư, có xe hơi do ... ông ngoại tôi sắm để sáng sáng chở ngoại đến tòa án cho ... oai vì ngoại không may mắc bệnh Polio hồi còn bé nên liệt một chân không lái xe được. Sẵn đây xin kể thêm là xe ngoại mua cho bác nhưng tài xế lại là ... bố tôi, vì đời nào bác sĩ quân y đẹp trai chịu khuất phục cụ hủ nho. Bố tôi chăm chỉ chở ngoại đi làm, đi chơi, đi bất cứ nơi nào ngoại muốn vì ngoài những nghĩa vụ "xốp-phơ"[1] bất đắc dĩ ấy bố tôi lấy xe chở mấy chị em tôi lên Thủ đức thả diều, câu cá hay đi "dã ngoại" Vũng tàu tắm biển, ăn sương sa hai màu béo ngậy mùi dừa, "nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa"[2].

Lúc đó tôi còn quá bé, não chỉ "lưu trữ dữ liệu"[3] nào cần thiết cho việc phát triển cơ thể như tiệm kem Brodard nằm gần rạp Rex, chè Hiển Khánh ở đường Phan Đình Phùng, phở Hiền Vương ở đường ... Hiền Vương, nội nhớ hết tên đường Sài gòn để đủ sức thi đậu vô trường Lê Quí Đôn là đã "quắc cần câu" rồi, còn chỗ đâu mà nhớ khuôn mặt trái soan khả ái, thanh thanh tú tú của cô Hạnh nữa. Mẹ tôi nói bác giờ lẫn nhiều nhưng có lần hàn huyên về những chuyện thời ... Bảo Đại còn tắm sông, bác kể vanh vách đường nhà cô Hạnh, nhớ cả số nhà, vì trong khu chung cư nên còn thòng thêm cả abc gì đấy để phân biệt.
"Meo“ cho con bạn, thế là nó hùng hổ:

- Mày kể chuyện nhớ số nhà người yêu làm tao nhớ một việc là ba của anh bếp công ty tao, đi Mỹ lâu rồi, tới khi về Việt Nam chơi, ông nhất quyết đòi chở tới nhà một người yêu trong mộng mà ông không lấy được. Tới nơi rồi, gặp nhau ông mới chịu yên lòng, sau đó không nói gì nữa. Không biết là bằng lòng hay vỡ mộng.  Tình yêu đơn phương cho nên bà này không hề biết.

Lan man bàn chuyện "khi xưa ta bé ta ngu"[4]
 
Anh hiên ngang giơ súng ngay tim
Bang bang.....
Ta yêu nhau như lũ bé con

nó hỏi tiếp:

- Ngoài ra tụi bay biết bài hát "Bài không tên cuối cùng" của Vũ Thành An không ? Ổng đặt bài này để kỷ niệm mối tình xưa, sau đó ổng gặp lại người yêu cũ, cô này nói chồng cô ghen vì bài hát đó, nghi ngờ không biết cô còn nhớ ổng hay không, và cô sống không hạnh phúc với chồng. Vũ Thành An hối hận, viết thêm đoạn dưới, tao có in đậm màu xanh cho tụi bay xem. 

Trong đám bạn tôi, có nhiều chuyện tình à la "khi xưa ta bé ta ngu, ta lấy dây thun ta bắn ... " (chú thích: vần "u" cũng có nhiều chữ rập vào câu được, đồ vật thì chẳng hạn như bắn cái lu, bắn xích đu, người thì chẳng hạn bắn thầy tu, bắn Chu Du, thú vật thì chẳng hạn bắn cá thu, bắn chim cu vân vân). Vì vậy tôi mạn phép đăng lên đây "lời cuối cho một cuộc tình" của nhạc sĩ Vũ Thành An thay cho lời tạ tình của bác tôi gởi đến cô Hạnh.

Nhớ em nhiều nhưng chẳng nói
Nói ra nhiều cũng vậy thôi
Ôi đớn đau đã nhiều rồi
Một lời thêm càng buồn thêm
Còn hứa gì ?

Biết bao lần em đã hứa
Hứa cho nhiều rồi lại quên
Anh biết tin ai bây giờ
Ngày còn đây người còn đây
Cuộc sống nào chờ

Này em hỡi
Con đường em đi đó
Con đường em theo đó
Sẽ đưa em sang đâu
Mưa bên chồng, có làm em khóc, có làm em nhớ
Những khi mình mặn nồng.

Này em hỡi
Con đường em đi đó,
Con đường em theo đó
Đúng hay sao em ?
Xa nhau rồi
Thiên đường thôi lỡ
Cho thần tiên chấp cánh
Xót đau người tình si

Suốt con đường ai dìu lối
Hãy yêu nhiều người em tôi
Xin gửi em
Một lời chào, một lời thương, một lời yêu
Lần cuối cùng

***
Nhớ rất nhiều câu chuyện đó
Ngỡ như là vừa hôm qua
Tôi ước ao có một ngày gặp lại em,
hỏi chuyện em lần cuối cùng

Vẫn con đuờng, con đuờng cũ
Vẫn ngôi truờng, ngôi truờng xưa
Mưa vẫn bay như hôm nào
Người ở đâu, mình ở đây bạc mái đầu

Này em hỡi con đuờng em đi đó,
con đuờng em theo đó chắc qua bao lênh đênh
Bao gập ghềnh có làm héo hắt,
có làm phai úa nét môi đẹp ngày nào 

Này em hỡi con đuờng em đi đó,
con đuờng em theo đó đúng đó em ơi !
Nếu chúng mình đã thành đôi lứa,
chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau

Nếu không còn gặp lại nữa,
giữ cho trọn ân tình xưa
Tôi gửi em lời nguyện cầu,
đuợc bình yên, đuợc bình yên về cuối đời

À, bạn nào biết đánh đàn ghi-ta thì lôi "ẻm" ra xài nhé, vì bài sau của nhạc sĩ Vũ Thành An hoàn toàn đúng theo điệu của bài gốc khi chưa "hối hận".

Không có hình cô Hạnh tôi đăng tạm hình chị của mẹ, cũng đẹp không thua gì cô Hạnh, chỉ khác là đẫy đà hơn và không "tóc xõa bờ vai" mà "phi-dê"[5] theo mốt thời bấy giờ.


Hậu chuyện cô Hạnh (không phải Hậu Cô gái Đồ Long)
 
Nhạc sĩ Vũ Thành An không phải chỉ là người có tài mà còn có ... can đảm thú nhận "con đuờng em theo đó đúng đó em ơi !", vì chị tôi sau khi đọc "chuyện cô Hạnh" đã "phây"
[6] cho tôi:
- Cô Hạnh ngày xưa của bác sĩ quân y đẹp trai không "tóc xõa bờ vai" mà là demi-garçon !!!

Tôi:
demi-garçon là của Phạm Duy[7] chị ơi, không phải "gu" của Vũ Thành An nên em ... đội tóc giả cho cô Hạnh.

Chị:
- Đây, chị mượn mấy câu thơ của Thanh Nguyên nói đúng tâm trạng bác sĩ quân y đẹp trai, chị có sửa thời gian 40 năm cho thích hợp ... giống em (công nhận chị tôi thông minh, học hỏi nhanh chóng, thích nghi quyết liệt).

40 năm tưởng tình như đã cũ
Mà ngờ đâu ngày đó vẫn tinh nguyên
Vẫn nhớ nhung ray rứt ở trong tim
Mặc dù biết đó chỉ là mộng tưởng
40 năm mốc thời gian lặng lẽ
Âm thầm qua tóc ngã mấy độ sương
Vẫn thấy tiếc, thấy thương ngày tháng đó
40 năm tình đâu dễ cũ mòn ...!!!!
(Thơ: Thanh Nguyên, 30 năm tình cũ - Nhạc: Trần Quảng Nam)


[1] Chauffeur (tài xế)
[2] Biển tình - Lam Phương
[3] store data
[4] Khi xưa ta bé, nhạc Pháp do Phạm Duy chuyển sang lời Việt
[5] từ tiếng tây frisée, có nghĩa là tóc uốn
[6] viết tắt của facebook
[7] Cô Bắc Kỳ nho nhỏ (Phạm Duy - Thơ: Nguyễn Tất Nhiên)

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen