Tôi nhớ hồi còn học tiểu học, giờ
văn chúng tôi thường phải viết một bài văn tả cảnh hay tả con chó, con mèo v.v.
Nếu mà phải tả đến con ... người thì bao giờ đề tài cũng là tả "ba
em", "má em". Lên đến trung học thì không phải tả "ba
em", "má em" nữa mà là các vị vĩ nhân mà tôi chỉ "xem mặt bắt
hình dong" qua dữ liệu sách vở chứ chưa hề có diễm phúc được ... "thấy".
Có một người mà tôi "thấy"
từ bé chứ chưa bao giờ tôi viết một bài văn tả nào cả. Đó là … bà ngoại tôi. Ngoại
tôi sinh năm Mậu Thân 1908, quê làng Phú Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Cái giọng bắc kỳ ba rọi của tôi một phần mang âm hưởng của ngoại. Ngoại nói giọng
trọ trẹ khó nghe. Chữ "bẩn" tôi hay dùng đã làm đám bạn tôi trợn tròn
mắt vì chúng nó chỉ biết "dơ" mà thôi, nếu tôi mà còn phát âm "bửn"
giống như ngoại có lẽ chúng nó tẩy chay không chơi với tôi nữa quá !
Ông ngoại năm 13 tuổi theo tục lệ tảo hôn thời bấy giờ một ngày đẹp trời được ông cố tôi dẫn đi cắt tóc (không phải kiểu "móng lừa" của trẻ con nữa), tắm rửa sạch sẽ, mặc áo dài the thâm, quần trắng và đi giầy vải, ôm một gói trong đó có 4 bao trà tầu Ninh Thái và một nhánh cau tươi theo ông cố tôi đến nhà ông đồ Tri ở bên phố Dinh để "hỏi" ngoại tôi, một cô gái quê lớn hơn ông ngoại hai cái xuân xanh … lè. Tôi dùng chữ "xanh lè" vì tôi không thể tưởng tượng nổi
một đám cưới đầy đủ thủ tục giạm hỏi, trau cầu, đón dâu theo sách vở "Hôn
giả kiến tinh nhi hành" (đám cưới trông thấy sao mới cử hành) như thế có
thể diễn ra ở ở cái tuổi mà ông ngoại còn để tóc chỏm "móng lừa", bà
ngoại còn đi chân đất.
Là con gái ông đồ nhưng có lẽ thuộc phận gái thời phong
kiến nên kiến thức học vấn của ngoại chỉ đủ để … đi chợ và để ... nuôi ông ngoại
ăn học thành tài. Chắc chắn không có ngoại trong những buổi ăn chơi hoa lệ của
các anh học sinh trường Bưởi. Chắc chắn không có ngoại trong những buổi tiếp
tân của các ông quan chức tòa án Sàigòn. Nhưng chắc chắn là có ngoại hầu hạ cơm
nước mỗi khi các ông tụ tập xoa mạt chược tại nhà ngoại. Chắc chắn là có ngoại
đêm khuya lách cách mở cổng cho tài xế tắc xi dìu ông ngoại vào nhà sau một buổi
tối vui chơi ở đâu đó bên cạnh các bà đầm, ta có, tây có.
Ngoại cũng giống ... tôi, tức là
nhỏ người, thấp bé. Trong trí nhớ của tôi ngoại là một người đàn bà không xấu,
nhưng cũng không đẹp, cũng chẳng có nét gì đặc sắc cả. Những hôm có giỗ tiệc
thì ngoại còn vấn khăn nhung đen, mặc áo dài liễu, môi có tí sắc hồng của bao
nhang mà ngoại dùng môi bập bập vào mấy cái để màu đỏ của nó phai ra quyện vào
môi thay cho màu son. Tôi hay quan sát ngoại mỗi lần ngoại "trang điểm"
vì mẹ tôi không có mấy thói quen lạ lẫm ấy. Những lúc đó ngoại hoàn toàn như ở
một thế giới khác, không có nồi niêu soong chảo, không có khăn chổi quét nhà,
không có thau chậu rửa bát. Sau khi "ăng tô ny"[1] xong ngoại vẫn chẳng đẹp
hơn lên, vẫn "nhà quê", vẫn vụng về, nhưng tôi cảm nhận được là có
cái gì đó làm cho ngoại "khác" mà hồi đó còn bé tôi không phân tích
được là cái gì. Mãi cho đến bây giờ, trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời
tôi mới hiểu được cái "khác" đó chính là những giây phút mà ngoại được
sống cho riêng mình, được làm cái mà bất cứ người con gái nào khi bắt đầu từ
giã tuổi thơ cũng xem đó là một "bản năng cơ bản" của phụ nữ.
Ngoại có một đức tính mà tôi rất
thần tượng là sự công bằng. Ngoại không thiên vị. Ngoại thương con đều như
nhau. Ngoại thương cháu đều như nhau, khác hẳn ông ngoại có con yêu, con ghét,
có cháu cưng, cháu bỏ. Tôi là cháu "rượu"[2] của ông ngoại, đi đâu cũng
được ông ngoại dẫn theo để "khoe" vì tôi biết ngồi khép hai đầu gối,
biết trải khăn lên đùi ở bàn tiệc và quan trọng là vì tôi biết nói
"bonjour madame, bonjour monsieur" bằng một giọng tây hoàn toàn không
pha âm hưởng ... Nghệ An tí ti ông cụ nào. Dù vậy tôi vẫn thấy điều đó là bất công đối với các
anh chị em cả ruột lẫn không ruột của tôi. Vì vậy từ bé tôi đã mang tính hay "cãi".
Chuyện gì bất bình là tôi "cãi". Bị rầy oan là tôi "cãi".
Ngoại nói tôi "hỗn". Ngoại nói tôi con gái phải ngoan hiền, nhu mì, lễ
phép. Tôi im lặng không "cãi" vì tôi thương ngoại. Tôi sẵn sàng
"ngoan" để được là cháu cưng của ngoại mặc dù biết ngoại không vì thế
mà kém thương những đứa cháu khác. Có lẽ tôi cũng có phần nào "được
lòng" ngoại hơn vì mỗi lần tôi phụ ngoại ngồi bổ cau đem phơi khô, ngoại
hay kể tôi nghe những mẩu chuyện về thuở xa xưa khi … chưa có tôi. Như ngoại và
bác gái tôi (chị của mẹ tôi) đi ... "đánh ghen". Đánh ghen là từ tôi
xài chứ thật ra ngoại chỉ kể là ngoại và bác gái tôi đi rình ông ngoại xem ông
hẹn đi chơi với "bà" nào. Đến lúc ông ngoại leo lên xe thì hai mẹ con
lại lủi thủi dắt tay nhau đi về. Chuyện của ngoại thật là chán ngắt, chẳng có tạt
át xít hay giựt tóc, bạt tai ai gì sất mà tôi nghe với tất cả mê say chỉ vì đơn
giản đó là … chuyện của ngoại tôi. Hay ngoại kể tôi nghe về những "cô đầu"
của ông ngoại. Bà nào hát hay, bà nào tiêu xài hoang phí, bà nào xuất thân cao
hèn v.v.
Môn giải trí duy nhất của ngoại
là ... "đánh chắn", một kiểu chơi bài với bộ bài tổ tôm. Ba tôi rất
ghét cờ bạc sát phạt nên tôi chỉ được ngồi cạnh ngoại chia bài những khi không
có mặt ba ở đó. Chẳng phải tôi ham "đóng sòng" mà vì chia bài thì khi
ai thắng một ván bài họ sẽ cho người chia bài một ít tiền gọi là "thưởng
công" và "lấy lộc" cho ván sau. Vì vậy dù tôi chia bài hầu như
không thua các tay chuyên nghiệp ở Las Vegas tức là ít khi nào hai lá bài bị
dính vào nhau do chia lẹ tay, mà mãi đến bây giờ tôi vẫn không biết cách chơi "đánh
chắn" là như thế nào, luật lệ thắng thua ra sao. Nhờ ngón nghề "tay
trái" này mà tôi còn biết thêm nhiều đức tính nữa của ngoại. Ngoại thua bạc
vẫn không tỏ ra giận dữ, không ném những lá bài trên tay xuống chiếu xoạch một
cái như nhiều bà "bạn chắn" khác. Ngoại tiết kiệm với bản thân nhưng
rất hào phóng với mọi người. Mỗi lần được bạc thì người chia bài cũng được ngoại
thưởng hậu hỷ, không phải chỉ khi người chia bài là ... tôi. Ngoại chắt chiu từng
đồng nhưng luôn sẵn sàng mở khăn mùi xoa (ngoại gói tiền vào khăn chứ không có
ví) móc ra cho "bà Tàu" vay mượn mà không hỏi chừng nào sẽ trả (tôi gọi
là "bà Tàu" vì không biết bà tên gì, chỉ biết bà là người gốc Hoa và
cứ vài bữa lại thấy chạy sang hỏi vay tiền). Tôi vẫn còn nhớ chuyện bà cho người
ta mượn một cái vòng cẩm thạch có gắn vàng ròng. Lúc mẹ tôi đưa tôi xem chiếc
vòng ấy mà bà trao cho mẹ trước khi mất thì những chỗ có vàng không còn nữa,
thay vào đó là lớp bạc đen xì. Tôi có hỏi thì mẹ nói rằng trước khi bà mất người
ta sợ mang nợ với người quá cố không trả được nên đem vòng trả lại. Có lẽ vì đã
tháo vàng đi bán nên họ phải lấy bạc trám vào.
Tôi có đọc hồi ký của ông ngoại. Chỉ thấy ông ngoại viết về cuộc đời huy hoàng của mình, quen ông này, biết cô
kia. Không thấy viết về bà ngoại ngoài chương III, "Tảo hôn", ở tuổi
"tóc móng lừa".
Và tôi quyết định viết hồi ký ... "ngoại tôi" dù ngoại đã
không còn nữa. Ngoại mất vì bị ung thư thực quản. Lúc ngoại lâm chung thì tôi ở
xa tít, mãi tận bên kia bờ đại dương. Nhưng ngoại không quên nhờ chị họ tôi viết
vài lời nhắn nhủ tôi. Ngoại không bắt tôi phải "ngoan hiền, nhu mì, lễ
phép", ngoại chỉ nói tôi ráng ăn học thành tài, cũng không nói là "để
cho ngoại vui" giống như kiểu giáo dục "ráng học cho vui lòng cha mẹ"
hay cho "nở mặt với xóm làng". Ngoại quê mùa nhưng ngoại là người có tư
tưởng giáo dục tân tiến nhất thế giới, ngoại là người công bằng nhất thế giới,
ngoại là người tôi ... thần tượng nhất thế giới.
Không ai biết tên ngoại. Người ta gọi ngoại là "Bà Phán
Côn". "Côn" là tên ông ngoại, "Phán"[3] là
chức vụ của ông ngoại, "Bà" là ... "ngoại tôi".
April 2015