Mittwoch, 1. April 2015

Bàn tay năm ngón

Tiếng việt là một ngôn ngữ thuộc loại ... không dễ tí nào. Đối với tôi nó không khó như tiếng Tàu, tiếng Phạn hay tiếng Ả Rập cong cong vẹo vẹo. Tôi cũng rất đội ơn ông Alexandre de Rhodes vì nếu không có ông thì có lẽ tôi sẽ mãi mãi... mù chữ vì chữ nôm cũng "phẩy trên, chấm dưới, chung quanh loằng ngoằng" như cái tiếng Phổ thông mà tôi học hoài không sao nhớ nổi.

Nhưng mà "tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời"[1] lắm lắm vì dù sao nó cũng là tiếng "mẹ đẻ của tôi". Muốn hiểu một người dân xứ nào không chỉ đơn thuần là nói được tiếng của họ mà phải "cảm nhận" được ngôn ngữ của họ. Tôi chỉ cảm nhận được tiếng "mẹ đẻ của tôi" thôi, mặc dù do xa xứ lâu nó đã mai một đi nhiều rồi.

Mới đây thằng bạn tôi viết một bài về bản nhạc "La Maritza". Bản Việt ngữ của bài này do nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng chuyển dịch có đoạn 

Những thân yêu trong mười năm bé dại
Đã trôi đi tựa mùa xuân cũ
Giáng ai xinh giờ đây mất rồi
Nhưng còn sót một giọng hát xưa
Ngày mới lớn … 

Thế là cãi nhau ỏm tỏi "giáng" hay "dáng" ?
Chắc là đa số các bạn ai cũng cho rằng "dáng" mới là đúng chính tả, có nghĩa là điệu bộ hình thể, như dáng đứng, như 

Thay quần thay áo thay hơi
Thay dáng thay dấp nhưng người không thay 

Tôi cũng không nằm trong trường hợp ngoại lệ, cũng vội vàng kêu là "Lộn chuồng rồi em ơi !".

Thằng bạn tôi thản nhiên trả lời:
„Vì Dũng không tìm được original music sheet viết bởi nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, không biết ổng viết là giáng hay dáng. Ông học giả Nguyễn Hiến Lê là người tiên phong cứ viết "y" thành "i", như "mỹ miều" thành "mĩ miều", "vỹ nhân" thành "vĩ nhân", "trôi giạt" thành "trôi dạt" giống bọn VC vậy, mà các nhà xuất bản vì muốn tôn trọng nguyên tác đều không dám sửa, ổng viết làm sao in làm vậy. Bài "Giáng Ngọc" của Ngô Thụy Miên cũng bị nhiều người phê phán là viết sai chính tả, nhưng ba của Liên là người Bắc, lại bảo chữ "giáng" (tướng tá, hình dáng) viết đúng, và đúng theo thời các cụ Phan Khôi, Tản Đà. Bản viết này Dũng lấy trên internet xuống, nên không biết tính chính xác của nó với original music sheet của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, cho nên Dũng vẫn không dám đổi chữ "Giáng". Mình thì muốn sửa cho đúng, lại mắc phải cái lỗi là không tôn trọng nguyên tác, khó nghĩ thiệt đó."

Nghe thằng bạn tôi trình bày tôi giật thót mình vì chính tôi gần đây cũng viết là "bèo dạt mây trôi", chẳng những vậy còn đem in ra hằng trăm bản trong tờ quảng cáo cho một chương trình văn nghệ. Tra cứu lại thì quả nhiên không phải là "dạt" (thưa, ví dụ như vải dạt, sợi dạt) mà là "giạt" (bị sóng gió xô đẩy đi) như trong truyện Kiều: 

Hoa trôi bèo giạt đã đành,
Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi ! 

Lại lần mò đi tìm em "Giáng Ngọc".


Trong một cuộc mạn đàm giữa nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và "em xi"[2] Nguyễn Ngọc Ngạn của Thúy Nga Paris 38 với chủ đề "Tình ca Ngô Thụy Miên" thì ông có nói rằng: "Giáng Ngọc chỉ là cái tên tôi đặt cho một người con gái có thực. Cô có một vẻ đẹp lãng mạn, kiêu sa, và ngày đó cô là nữ sinh của một trường trung học nổi tiếng ở Sàigòn. Còn tôi là một anh sinh viên lang thang ở trường đại học. Cô là nguồn cảm hứng cho tôi viết bài Dấu Tình Sầu và dĩ nhiên bài Giáng Ngọc."

Tôi không rõ nhà thơ Nguyên Sa có viết bài thơ "Giáng Ngọc" nào không nhưng chắc chắn là ông có bài "Năm ngón tay" 

Trên bàn tay năm ngón
Có ngón dài, ngón ngắn
Có ngón chỉ đường đi
Có ngón tay đeo nhẫn
Ngón tay tô môi
Ngón tay đánh phấn
Ngón tay chải đầu
Ngón tay đếm tiền
Ngón tay lái xe
Ngón tay thử coóc-sê
Ngón tay cài khuy áo 

Em còn ngón tay nào
Ðể giữ lấy tay anh?

Nguyên bài thơ có lẽ chỉ đọng lại hai câu cuối cho cô nữ sinh Giáng Ngọc của Ngô Thụy Miên và cho "Bàn tay năm ngón" của ... tôi, sáng tác vào năm 1986, ở cái tuổi mà "tình là sợi tơ, sờ là thành tinh": 

Đôi tay này anh xin cầm lấy
Để tay buồn tay trốn trong bàn tay
Người yêu hỡi xin cứ ngủ say
Cho tay đan không thẹn lời ân ái

Đôi tay này anh xin cầm lấy
Để tay buồn tay trốn trong bàn tay
Để ngón mềm êm giấc mộng say
Để rộn rã tim anh từ dạo ấy

Tay ngọc ngà anh yêu biết mấy
Mười ngón gầy em dệt lưới tình yêu
Gọi du mục dừng bước phiêu lưu
Gởi mảnh tình vào đôi bàn tay nhỏ

Khi giận hờn tay trơn bỏ ngỏ
Lúc thẹn thùng tay ôm nón tiểu thơ
Cho anh về tự hỏi bâng quơ
Hỏi ông trời sao bàn tay năm ngón ?

Trong lúc tôi còn mắt nhắm mắt mở đi dò xét xem em Giáng Ngọc là nữ sinh trường Gia Long hay Trưng Vương thì một thằng bạn khác đã thẳng tay sửa thành "dáng" với lập luận là "nếu mình thấy sai thì mình cứ sửa, chứ không nên ngậm bồ hòn, làm thinh ! Lý do là nếu mình không sửa, thì thế hệ sau cứ tưởng là đúng, sẽ lại tiếp tục lập lại lỗi chính tả !".

Khuất Nguyên[3] cũng đúng mà lão ngư phủ cũng không sai. Ngày xưa đi học, cô giáo tôi người nam rặt, khi nói thì "đi dề" nhưng khi đọc viết chính tả cô vẫn "ẹo" sang "đi về", tôi nghe buồn cười làm sao (nhưng hồi đó bố bảo tôi cũng không dám hé răng). 

Mà nói cho cùng, thật ra tôi chỉ muốn mượn em Giáng Ngọc để đăng bài thơ năm … "ngón tay thử coóc-sê" của tôi mà thôi.

 March 2015

[1] Lời bài Tình ca do Phạm Duy sáng tác năm 1952
[2] MC: master of ceremony
[3] "Thuật xử thế của người xưa"  của Nguyễn Duy Cần

1 Kommentar:

  1. Thật ra thì ngôn ngữ cũng như con người, hoặc văn hoá , là có thay đổi theo thời gian ! Thử hỏi lứa tuổi của mình, có ai nghĩ rằng "giáng" có nghĩa là "dáng" người đâu ? Có lẽ từ thời ông Ngô Thụy Miên, Vũ Xuân Hùng thì "giáng" có nghĩa là hình dạng (hoặc hình giạng ???) Nhưng thời tụi mình, và thời sau tụi mình, thì "giáng" có nghĩa là "đánh", như là trong chữ "trời giáng" ! Vậy thời nay "dáng" người phải viết với chữ "d" mới đúng !
    Thật ra thì có rất nhiều trường hợp chữ "gi" bị (hoặc được) đổi thành "d" . Ví dụ điển hình là chữ "giòng", như trong chữ "giòng sông". Theo thời gian, nhất là đối với người Nam, thì đó là "dòng sông" ! Hoặc chữ "giấu giếm" bị biến thành "dấu diếm" ! Có lẽ rằng đổi như vậy thì dễ phát âm hơn (theo kiểu miền Nam) !
    Như đã nói, ngôn ngữ thay đổi theo thời gian, những gì đúng 100 năm trước, thì bây giờ có thể bị mai một , hoặc không còn đúng với hiện tại nữa ! Chúng mình phải "move on", tức là cứ tiếp tục bước tới, chứ không thể quay lại !

    AntwortenLöschen