Mittwoch, 25. März 2015

Chung

Sinh nhật con bạn tôi, một thằng cũng bạn của nó - và của tôi - viết meo[1] chúc như sau:
"Không ngờ T3 và Thục Khanh sinh cùng giờ, cùng ngày cùng tháng cùng năm, sinh cùng một nước, học cùng trường và di dân thường trú cùng một quốc gia, chỉ có khác ông chồng thôi".
 
Tôi đọc xong phì cười, chợt nhớ đến bài "Lấy chồng chung" của Hồ Xuân Hương
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Tôi và nó không lấy chồng "chung" và cũng chả có cái gì là "chung" cả.
Cái "chung" duy nhất đưa chúng tôi trở thành bạn với nhau là chúng tôi cùng học "chung" lớp 7/5 vào năm 1975. Nó là "đồ ngoại" vì nó không phải là dân Lê Quý Đôn học từ lớp một như đám chúng tôi. Nó "ngoại" đủ thứ, nó xuất xứ ở Đà Lạt, em cao nguyên má đỏ môi hồng[2]. Nó từ trường Regina Mundi qua, dân tây chính tông chứ không như tôi chỉ là dân Phăng-Xe-Ê-Lê-Măng-Te[3], pháp văn ba cọc ba đồng "le savon là cục xà phòng". Nó đi học vẫn mặc váy xanh dù sau 75 nữ sinh Lê Quý Đôn đi học chỉ còn áo trắng, quần ... đủ màu, một phần do kinh tế gia đình bị thu hẹp, một phần vì váy xanh lòi hai cẳng là tàn dư của giai cấp "tư sản mại bản".

Tấm thiệp sinh nhật 18 do T3 vẽ
Nói "chung" là lúc chúng tôi bắt đầu kết bạn với nhau thì chả có cái gì "chung" cả. Tôi cũng không còn nhớ tại sao chúng tôi lại chơi "chung" với nhau.
Thật ra "băng sơ ri" chúng tôi lúc đó gồm có 3 đứa:
-       Tôi: bé hạt tiêu nên lúc nào cũng bị xếp ngồi ở bàn đầu, chả phá phách gì được cả.
-       Nó: ngồi đâu đó trong lớp, chỗ nào thì tôi không tài nào nhớ ra nổi vì có lẽ bộ nhớ của tôi đã "no space left on device" rồi.
-       NA: ngồi bàn chót do cao quá khổ thợ mộc, nhân vật thứ ba trong bộ con bài cào, có một cái tên rất đẹp và một cái họ rất "kêu", nhưng ông chồng tôi không phát âm chính xác tên nó được thành ra bây giờ nó có biệt danh là "En Ê".

Có lẽ chúng tôi thân nhau vì cả 3 đều có cái "chung" là chúng tôi rất quý mến cô Phụng. Cô luôn cho chúng tôi 10 điểm ở môn văn. Văn thời đó thì chả có gì khó khăn để mà đạt điểm cao cả. Cứ ráng à ê chong đèn học lịch sử của bà má Hậu Giang, Lê Văn Tám, bài văn nào cũng ráng ẹo vô tên tuổi của má - dù dề tài chả ăn nhằm gì đến má cả - là cô Phụng cho ngay điểm 10. Không phải cô "ba mươi" đâu, lý do tại sao thì tôi đã có viết trong bài "Cô Phụng" rồi nên không lập lại ở đây nữa vì e là sẽ ... đi lạc đề.

Vì không còn cái gì "chung" để kể nữa nên tôi xin mạn phép kể những cái "không chung" vậy, chứ không thì bài viết đành chấm hết tại đây với lời phê của cô Phụng là: Má đâu rồi ?

Tôi viết chữ xấu như cua bò. Nó viết cả trang giấy mà nét mỗi chữ đều đặn như nhau chẳng khác gì được in bằng máy ấn loát.

Thơ của tôi huỵch toẹt kiểu lá cải: 
 Thưa thầy con đang làm toán đố
Nhỏ Ngọc Anh đòi ngó cọp giê
Con "che" nó bảo "ác ghê"
Lại còn dụ dỗ mua me cho mày
Thơ của nó có nắng, có mây, có hoa, có ... tình yêu.
Tôi vẽ nguệch ngoạc, con ngựa vằn nhìn như con … chó vện. Nó là học trò cưng của thầy Tam Nhiều (chúng tôi học môn hội họa với thầy suốt thời trung học).
Tôi mày tao chi tớ. Nó một Trang (viết hoa), hai Trang, ba Trang … Trang. 
Tôi ăn như tù khổ sai được bữa cơm có thịt. Nó nhai như mèo.
Tôi hát bài "má em hừng đông đi cày bừa", vừa ca vừa vỗ tay đốp đốp. Nó ôm đàn réo rắt "la vie c’est une histoire d’amour".
  

Tôi chẳng bao giờ ăn vặt (mà hồi đó ăn thiệt còn không có nói chi còn dư tiền đề mua quà vặt). Nó lúc nào cũng nhâm nhi ô mai, me xoài, chùm ruột, cóc ổi …
Con trai nhìn tôi sợ khiếp vía. Nó có vô số "secret admirer". 
Và còn nhiều cái … "không chung" khác. Đó cũng là lý do tại sao dù chơi với nhau từ "Tuổi mười ba" (Ngô Thụy Miên) mà chúng tôi cứ vài bữa lại giận nhau: 
Càng nghĩ càng giận ghê
Bạn bè hết chỗ chê 
Con người sao dễ ghét
Còn liếc xéo cười huề
Rồi lại chơi với nhau:

Tự dưng em hết giận
Nhìn Anh cười làm quen
Anh đưa em quả mận
"Cho bồ, thôi huề nghen ?"
p.s. Tuy đây là bài thơ sáng tác năm 1976 với tựa là "Giận nhỏ Ngọc Anh" nhưng thật ra nó cũng là nhân vật chính mà vì vần "anh" dễ hơn vần "ang" nên tôi cho nó "ra rìa".

Vậy mà chúng tôi vẫn gắn bó với nhau từ đó cho đến bây giờ. Ngày tôi đi vượt biên nó không hề hay. Ngày nó sang Canada định cư tôi không hề biết. Rồi ông trời cũng đưa đẩy chúng tôi lại tìm ra nhau. Ngày gặp lại nó tôi ngỡ ngàng vì bên cạnh nó không phải "En Ê" của chúng tôi mà là một "thằng" lạ hoắc. Tôi chợt nhận ra là chúng tôi đã ... lớn. Những cái "không chung" cũng lớn theo nhưng quan trọng là chúng tôi không …"chồng chung". 

Vì vậy tôi vẫn sùi bọt mép cãi nhau với nó bởi những chuyện không đâu, vẫn giận nhau vì bất đồng ý kiến, bất đồng quan điểm, bất đồng ... ngôn ngữ (đôi khi chúng tôi phải dùng tiếng anh để diễn tả một từ ngữ nào đó mà cả hai đều không biết tiếng việt kêu là gì). Để rồi cuối cùng lại viết cho nhau:
-       Hè này tao đi Tây Ban Nha cho nó móc túi đây, mày đi "chung" hông ?

March 2015

[1] mail
[2] lời bài hát Còn Chút Gì Để Nhớ do Phạm Duy phổ nhạc
[3] français elementaire

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen