Sinh ngày 14.05.1939
ở Danzig-Langfuhr nay thuộc lãnh thổ Ba Lan, cậu bé Rupert theo mẹ, chị và 2 em
trai chạy trốn Hồng quân Liên Xô vào mùa đông năm 1945. Họ lỡ chuyến cuối cùng
của tàu "Wilhelm Gustloff" trong "chiến dịch Hannibal" di tản
thường dân và viên chức. Và sống sót. Con tàu này bị tàu ngầm Nga bắn ngư lôi
đánh chìm làm khoảng 9.400 người mạng vong. Gia đình ông trốn chạy vất vưởng đến
Westfalen, sống qua ngày nhờ những chén súp của tín đồ phái giáo hữu Quaker.
"Hương vị súp vẫn còn đọng trên lưỡi
tôi", ông thổ lộ mỗi lần hồi tưởng lại cuộc phiêu lưu đã in đậm trong
tiềm thức. Định cư tại thành phố Hagen, đại học ngành Triết, Ngôn ngữ và Văn
chương Đức ở Münster, sau khi trình luận án tiến sĩ, Neudeck hành nghề phóng
viên, biên tập viên cho các báo, đài phát thanh tên tuổi, chuyên mục chính trị.
Một ngày vào
năm 1979, Neudeck vào phòng thu hình của ký giả Franz Alt, hiện là giám đốc đài
truyền hình Baden-Baden, trỏ tay chỉ vào hình ảnh những chiếc ghe mong manh chòng
chành trong lòng đại dương mênh mông: “Chẳng
lẽ chúng ta cứ mãi nhìn thảm cảnh như vầy mỗi ngày sao ?”. Trước sự quả quyết
của Neudeck, ông Alt liều lĩnh đưa ra đề nghị mà chưa được sự chấp thuận của
ban giám đốc chương trình truyền hình: “Tôi
cho anh 2 phút để kêu gọi khán thính giả về sự tha thiết của anh”. Chỉ
trong vòng ba ngày, dân Đức đóng góp một triệu ba Đức Mã. Đây là "một trong những hành động cứu người đẹp nhất
trong lịch sử hậu chiến của Đức" mà không có sự hỗ trợ nào từ phía
chính phủ. "Ein Schiff für Vietnam" (Một con tàu cho Việt Nam) nhổ
neo rời hải cảng Kobe, Nhật Bản, vào ngày 9 tháng 8 năm 1979, lúc 15 giờ 23 phút,
trực chỉ biển Nam Hải tìm vớt thuyền nhân Việt Nam. Và Rupert Neudeck đã tìm thấy
mục đích cuộc sống đời mình. Cap Anamur I ra khơi từ 09.1979 đến 05.1982, vớt
9.507 thuyền nhân, Cap Anamur II ra khơi từ 03.1986 đến tháng 07.1986, vớt 888
thuyền nhân, Cap Anamur III ra khơi từ 04.1987 đến 07.1987, vớt 905 thuyền
nhân, tổng cộng 11.300 người.
Ủy Ban Cap
Anamur sau thời gian cứu người tị nạn vượt biển mở rộng phạm vi hoạt động, xây
dựng và duy trì một số bệnh viện tại Việt Nam, một số trạm y tế tại Kolumbia,
Ethiopien và Irak. Năm 1993, tại Storkow thuộc bang Brandenburg, “Làng Hòa Bình
Cap Anamur” được thành lập, nơi người Đức và người ngoại quốc sống chung với
nhau. Năm 1999, trong giai đoạn chiến tranh tại Kosovo, Neudeck tổ chức cứu trợ
người di tản. Cap Anamur giúp đỡ người tị nạn tại Mazedonien và Albanien, xây dựng
lại nhà ở và trường học tại Kosovo, cung cấp xe chở rác và xây dựng các trạm xá
y tế. Cap Anamur giúp đỡ nạn nhân chiến cuộc tại Sudan cũng như nạn nhân
Taliban tại Afganistan. Năm 2003, Neudeck sáng lập tổ chức „Grünhelme“ (Hội Mũ
xanh lục) kêu gọi giúp thiện nguyện xây lại nhà ở, làng mạc hoặc hệ thống nước
bị tàn phá do chiến tranh.
Rupert
Neudeck được trao nhiều giải thưởng cao quý - một phần cùng với vợ là bà
Christel – như huy chương Công dân anh dũng Theodor-Heuss, giải Nhân quyền
Bruno-Kreisky, giải Bác ái, hòa bình dân tộc Erich-Kästner, giải Nhịp cầu tôn
giáo, chính trị Walter-Dirks. Tháng Tư 2016 vừa qua, cựu nghị sĩ hạ viện
Wolfgang Thierse vinh danh 40 năm dấn thân cho người tị nạn của ông bà Neudeck.
Trong buổi kỷ
niệm 35 năm Cap Anamur tổ chức tại Hamburg, Neudeck mở đầu bài diễn văn làm xúc
động hàng ngàn trái tim: Hỡi các bạn Việt
Nam trên nước Đức cũng như khắp nơi trên thế giới, xin noi gương một tổng thống
Mỹ, hôm nay tôi muốn nói với các bạn rằng "Tôi cũng là một người Việt
Nam" -
Ich bin auch ein Vietnamese. Ông không hề hối tiếc việc khởi xướng Cap Anamur mà còn tự
hào "Những thuyền nhân Việt Nam là
nhóm người ngoại quốc ưu tú nhất mà người Đức vẫn từng mơ ước đó là đồng hương
mới của mình. Sự hội nhập của họ thật là tốt đẹp".
Sau ca giải
phẫu tim lần thứ 3, Tiến sĩ Rupert Neudeck từ trần tại bệnh viện ngày
31.05.2016, hưởng thọ 77 tuổi. Hàng ngàn người Việt từ khắp nơi trên toàn nước
Đức đổ về dự lễ tưởng niệm ông hôm 14.06. Trong không khí trang nghiêm, xúc động,
đầy tri ân tại thánh đường St. Aposteln ở Köln, Đức Hồng Y Woelki trân trọng
bày tỏ: "Rupert Neudeck đã bảo vệ sự
sống, nhất tâm và không nhượng bộ. Nhiều người hiện diện tại đây hôm nay mang
ơn ông cứu mạng". Với Hồng Y Woelki, sự ra đi của Neudeck chỉ như một
"tạm dừng" vì "sứ mạng của ông dường như vô tận không bao
giờ chấm dứt".
Một bài báo WDR
đặt tên sự nghiệp cứu người nhân đạo của Neudeck bằng tựa đề
"Menschenfischer und Dickkopf"- Kẻ chài lưới người ương ngạnh.