Dienstag, 21. Juli 2015

Quên và Nhớ


Mấy hôm nay cày mệt hơn xúc đất nên đôi lúc tôi phải đứng dậy đi tới đi lui cho đỡ "tăng kể"[1]. Đi thì đi nhưng đầu vẫn "đặc", thành ra lâu lâu tôi lại lọ mọ vô Facebook thơ thẩn với bạn bè một tí cho "thư giãn tư tưởng, giải phóng tâm linh, hồi sinh sức lực". Và để nhớ ... Sài Gòn như thằng bạn cao bồi "Tếch giác[2] cận": 

Già rồi, nhớ nhiều quá. Nhớ vợ, nhớ nước, nhớ cả những mảnh đời lận đận truân chuyên. Nhớ bạn vượt biên về thành đầu trọc, nhớ em lạc loài ngày tháng phôi pha. Nhớ Phương Trâm cà phê đánh lộn, nhớ cheo leo ngày tháng đi về. Nhớ cà phê Thùy từng ngày em đợi, nhớ sữa đậu nành phố Hai bà Trưng. Nhớ ông Mách gác trường, nhớ chị Hà còng lưng cho thiếu lại, nhớ em về vạt áo bay bay cổng trường Tổng hợp. Em bước qua không nhìn lại, cà phê Sư phạm có chàng nhớ em.

Tôi không có vợ để nhớ, cũng chẳng học sư phạm sư pháp gì sất nên chỉ biết:

Nhớ Sài gòn mỗi chiều gặp gỡ[3]
Nhớ món ăn quen nhớ ly chè thơm
Nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng
Nhớ Sài gòn mưa rồi chợt nắng
Nhớ trường xưa có lá me rơi …

Tôi chợt nhớ ông thầy dạy con tôi có nhắn nhủ học trò là: "Chúng ta không thể thu thập hay để dành một bài thơ cũng như tất cả những gì có giá trị trong cuộc đời này. Chúng ta chỉ có thể hưởng thụ nó và chia xẻ nó với người khác. Đặc biệt là: Nếu ai đọc một bài thơ họ sẽ tự tìm cho mình được thời gian, tìm được yên tĩnh trong tâm hồn và thoát được sức ép của cuộc sống ngày càng xoay cuốn họ đi - Có thể nói là họ đã làm được một cuộc cách mạng."

Trời đất, đem ra áp dụng với tôi vào lúc này thì quả là lời vàng thước ngọc vì tôi đang đi tìm những vần thơ để "Quên" nỗi ... cơ cực xúc đất, quên gánh nặng cuộc đời đang chồng chất trên vai, để "Nhớ" về thuở còn "tự do như mây trời"[4], nhớ bạn cũ trường xưa, và để nhớ quê hương là chùm ... ruột chua. Nỗi buồn những kẻ xa xứ ai cũng có, nhưng mỗi người nhớ một kiểu, cũng như thói quen ăn uống, cũng nhai, cũng nuốt, cũng húp xùm xụp, nhưng có người ăn như mèo, có người lại ngồm ngoàm như chết đói. Tôi thuộc diện thứ hai nên không thể cảm nhận được cái "nổi da gà" khi đọc bài thơ của ông Lamartine[5]

Pourquoi le prononcer ce nom de la patrie ?
Dans son brillant exil mon coeur en a frémi ,
Il résonne de loin dans mon âme attendrie,
Comme les pas connus ou la voix d'un ami.

Montagnes que voilait le brouillard de l'automne,
Vallons que tapissait le givre du matin,
Saules dont l'émondeur effeuillait la couronne,
Vieilles tours que le soir dorait dans le lointain,

Murs noircis par les ans, coteaux, sentier rapide,
Fontaine où les pasteurs accroupis tour à tour
Attendaient goutte à goutte une eau rare et limpide,
Et, leur urne à la main, s'entretenaient du jour,

Chaumière où du foyer étincelait la flamme,
Toit que le pèlerin aimait à voir fumer,
Objets inanimés, avez-vous donc une âme
Qui s'attache à notre âme et la force d'aimer ?

đã làm một thằng bạn khác của tôi rung động đến nỗi đang ngồi thiền mà phải cầm smart phone lên dịch cho xong dù bài dịch có hoàn hảo hay không cũng mặc vì biết mỗi ngôn ngữ có cách diễn đạt và giới hạn riêng[6], nếu không mấy câu này lởn vởn trong đầu thì hắn không thể nào thiền cho "đắc đạo" được :

Dẫu có tha phương ở chốn xa
Mỗi khi nghe nhắc đến quê cha
Trái tim thổn thức niềm rung cảm
Tâm thức lưu đày vẫn thiết tha

Vang vọng trong tâm nỗi nhớ nhà
Hoài mong giọng nói bạn hiền xa
Bàn chân quen, bước qua thềm cũ
Khoảnh khắc ngày xưa có nhạt nhòa

Núi giăng mây, phủ sương mờ xóa
Đồi cỏ xoải dài một sớm thu
Liễu tỉa cành thon buông rũ lá
Cổ tháp vàng hanh dưới bóng tà


Tường thâm năm tháng, nghiêng, mòn lối
Mục đồng vốc nước dưới vòi sen
Mong từng giọt nước trong, khan hiếm
Tíu tit kể nhau chuyện của ngày
. 


Mái tranh lửa chớm bên lò sưởi
Lữ khách trầm ngâm trông khói vươn
Vật thể vô tri hồn chắc có
Sao buộc lòng ta bắt nhớ thương ?
(Lê Doãn Cường dịch lúc 07 giờ 01 phút ngày 19 tháng 7 năm 2015)

Alphonse Marie Louis Prat de Lamartine
Còn một bản dịch của Tôn Thất Phú Sĩ [7]nữa với 2 câu đầu cũng rất là ... nổi lông nhím.

Quê hương là gì nhỉ ?
Đời lưu vong sao tôi mãi hướng về …

Đi xa ai chẳng nhớ nhà, lưu vong ai chẳng nhớ quê hương ? Thi sĩ làm thơ, nhạc sĩ sáng tác, tất cả chỉ để nói lên rằng :

J'ai quitté mon pays, j'ai quitté ma maison[8]
Ma vie, ma triste vie, se traîne sans raison
J'ai quitté mon soleil, j'ai quitté ma mer bleue
Leurs souvenirs se réveillent, bien après mon adieu

Tôi rời xa quê hương, bỏ lại căn nhà yêu dấu
Đời tôi, đời buồn trôi kéo dài vô nghĩa
Tôi rời xa mặt trời và biển xanh
Ký ức cứ mãi bừng sống lại từ dạo ấy …

Tôi cũng nhớ Sài Gòn trưa hè đạp xe dưới hàng cây rợp bóng. Đâu thấy nóng ? Đâu thấy mệt ? Đâu thấy đường dài ?
Mới đây về thăm lại Sài Gòn. Nhựa đường bốc hơi ngột ngạt. Phố xá người xô kẻ lấn. Không thấy sữa đậu nành phố Hai bà Trưng đâu. Không thấy vạt áo bay bay cổng trường Tổng hợp đâu. Chợt tự hỏi có phải ký ức là nỗi nhớ không quên ? Giống như học lái xe đạp. Lái được rồi đến chết vẫn không quên. Đâu đó trong vô số những dây thần kinh có một sợi nhớ cách leo lên xe và ... đạp. Đâu đó trong vô số những dây thần kinh có một sợi nhớ cho ... chùm ruột chua. Để có lúc nào đó, có khoảnh khắc nào đó chợt nhớ về. Để "dành thì giờ cho chính mình, để suy nghĩ, và để biết hưởng thụ cuộc sống" như lời thầy Lynch nhắn nhủ học trò trước khi từ giã mái trường trung học[9].

Và để nạp năng lượng tiếp tục ... xúc đất.

(July 2015)

[1] tê cẳng
[2] Texas
[3] lời nhạc Trịnh Công Sơn
[4] nguyên văn của Trần Thùy Trang
[5] Milly ou la terre natale, tác giả Alphonse de Lamartine (1830)
[6] nguyên văn của Lê Doãn Cường
[7] do Vương Từ Minh cung cấp
[8] Adieu Mon Pays do nam danh ca Enrico Macias sáng tác, lời dịch Vĩnh Biệt Quê Hương của Lê Anh Dũng

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen