Tôi đi vượt biên và được tàu Đức
vớt nên định cư ở Đức. Tôi chả có một ý niệm gì về nước Mỹ cả vì cuộc đời tôi
trải qua ở nước thứ ba này nhiều hơn hết (nước thứ hai là Indonesia, nơi tôi
được tạm trú để chờ ngày hoàn tất thủ tục đi định cư), hơn cả những ngày tháng
tôi sống ở Việt nam. Thế nhưng một trong những việc quan trọng của cuộc đời tôi
lại xảy ra trên đất Mỹ: Lấy chồng. Chồng tôi không phải người Mỹ, cũng không
phải người di dân hay Việt kiều có quốc tịch Mỹ gì ráo. Số là như sau:
Khi hai đứa chúng tôi bàn chuyện
làm đám cưới, vấn đề trước tiên là chọn ... ngày lành tháng tốt.
- Đến tháng 7 này tính ra anh còn khoảng 2 tuần nghỉ phép, còn em ?
- Em cũng vậy, anh quên rồi hả, tụi mình làm cùng sở mà ?
- Ừ hé, vậy lấy tháng 7 đi, ngày nào ? Tháng 7 nước Đức hổng có ngày lễ
nào hết em ơi !!!
- Đám cưới mà lễ lạc mần răng hả anh?
Đức lang quân tương lai của tôi nhăn
nhở cười:
- Mình phải chọn ngày lễ để mai mốt có lụ khụ … vưỡn nhớ được.
Phải công nhận đàn ông họ nhìn xa
nghĩ sâu thiệt.
- Còn mấy nước khác: Hoà lan, Pháp, Bỉ ... ?
Tôi lục lọi trong trí óc đã lu mờ
theo thời gian mấy bài của những giờ Sử chán ngắt thuở còn trung học.
- Em nhớ hình như ngày lễ Độc lập của nước Mỹ là ngày Du Lai Phò ?
Những ngày sau đó chúng tôi
nghiên cứu, tìm tòi về nước Mỹ, chẳng phải để chuẩn bị đi tuyên thệ làm công
dân nước Huê kỳ mà để rành đường đi nước bước, phong thổ, phong tục, phong ...
đòn gánh (hổng phải chuyện nói chơi, bịnh bậy bạ Mỹ nó hông cho nhập cảnh đâu à
nghe). Cũng nên kể sơ qua rằng cả hai đứa chúng tôi đều mang dòng họ Tuấn-Từ [1], tức
là tuổi hai đứa cộng lại cũng hơn ... thất thập cổ lai hi. Vì vậy chúng tôi
phải tự lo tất tần tật mọi việc bởi hai bên cha mẹ đều già cả hổng còn sức khoẻ
để lo toan chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái. Mà có lo cũng chẳng lo được gì
vì chúng tôi không còn là "con chim non, hót véo von" nữa, lông cánh
đã dài quá khổ, không tự lo cho mình còn bắt tội cha mẹ nữa sao ? Chúng tôi suy
nghĩ, cân nhắc, chọn lựa:
-
Lát Về Gác ?
- Em đề nghị cũng
có lý, sẵn mình ghé San Francisco thăm anh Rô luôn thể, lâu lắm rồi hai anh em chưa gặp lại nhau …
Tôi chưa gặp anh Rô bao giờ nhưng
một công hai việc tôi thấy cũng không dở.
Đúng 7 giờ sáng ngày Độc lập của
nước Mỹ chúng tôi check-in khách sạn ở Las Vegas.
8 giờ. Có mặt … xếp hàng ở Marriage
Bureau để xin giấy Cho-Phép-Được-Kết-Hôn. Văn phòng mở cửa từ 8 giờ sáng đến
... tối khuya, không kể thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ gì ráo trọi. Người Mỹ thật
có đầu óc kinh doanh. Ở cái xứ sa mạc nắng cháy này chỉ có cạp ... xương rồng vậy
mà họ đã dựng lên một thành phố tấp nập du khách. Thu lợi tức từ các sòng bài nguy
nga tráng lệ chưa đủ, họ còn chịu khó mở "dịch vụ" ông Tơ bà Nguyệt,
"đóng mộc" cho những cặp tình nhân muốn kết duyên nợ trăm năm. Mỗi
lần đóng ịch một cái họ lấy 55 đô la, một tờ cọp pi 15 đô la (ở Đức họ đòi phải
có thị thực bản chính, các nước khác thì tôi không biết, chắc cũng vậy thôi),
một Apostille 20 đô la. Kiếm bộn tiền chứ chẳng phải đùa.
10 giờ. Chúng tôi hớn hở cầm tờ giấy
giá trị 55 đô la đi tìm chỗ để trao nhau lời hứa bạc đầu. Bạc đầu thiệt. Hai
đứa Cả Ngố đầu trần đi mãi dưới cái nắng khắc nghiệt mà không tìm được chỗ nào
vừa ý mình mà cũng vừa ý … túi mình nữa. Tôi hay nghe người ta tả nước Mỹ là
đất nước Tất-Cả-Mọi-Sự-Đều-Làm-Được. Quả là không ngoa chút nào. Ta có thể tổ
chức đám cưới với sự góp mặt của Eo Vít ... bản sao lục (giá từ 250 đô la trở
lên), quần áo loè loẹt kim tuyến, tóc chải mỡ bò bóng nhẩy. Tôi không thể để
hình ảnh "xuống cấp" thần tượng một thời của tôi theo tôi suốt cả
cuộc đời còn lại được. Hay bay tít lên mây với trực thăng kêu vù vù (tôi vẫn
thắc mắc là không biết cô dâu và chú rể có phải ra dấu cho nhau hay không vì
máy bay nó kêu to thế thì còn nghe được cái quái gì nữa). Tôi sợ độ cao lắm. Hoặc
chơi màn Đám-Cưới-Chạy-Qua tức là drive-thru theo kiểu ăn nhanh cấp kỳ của
McDonald’s. Cái màn này có vẻ hay hay, bên Đức chưa hề thấy. Nhưng vốn liếng
tiếng anh của tôi chỉ đủ để đặt một cái "hăm buộc gỡ"[2] thế
mà một hồi tôi khệ nệ bưng ra nào khoai chiên, nào bánh táo, cà phê nước ngọt
đủ cả, vì họ hỏi cái gì tôi cũng gật hết. Tôi sợ sau khi làm lễ xong lại bê ra
một khay đồ ăn nên thúc eo anh:
- Kiểu này hổng có ... rồ măng tịt anh ơi !
Cuối cùng chúng tôi quyết định
trở về khách sạn nhờ họ chỉ dẫn dùm. Ai dè trong khách sạn cũng có dịch vụ cưới
cheo:
- 1 p.m. Is it ok for you ?
Trời đất, dù sao chúng tôi cũng cần có thì giờ để
... mở va li chớ.
3 giờ chiều. Chúng tôi quần áo chỉnh tề, giấy
tờ tùy thân, giấy thông hành, bằng lái xe, thẻ bảo hiểm sức khoẻ v.v. đưa ra
trình làng tất vì chả biết họ cần thứ gì. Cả thẻ tín dụng nữa. Họ thích lấy
tiền mặt hơn nhưng có bao nhiêu tiền mặt chúng tôi đã nộp hết trên đường từ lúc
ra khỏi khách sạn sáng nay đến lúc trở về lại khách sạn trưa nay rồi (thêm một
bằng chứng cho sự thông minh về việc kinh doanh của người Mỹ).
Chỗ làm lễ tương đối xinh xắn. Ông "Rê Vờ
Rần"[3]
đạo mạo, nói tiếng anh dễ hiểu. Tôi lóng tai nghe thì biết đại khái ổng nói cái
gì "rì lấy sần xíp"[4]
gì gì đó. Có "lấy" là thấy ô kê rồi, hổng nghe ông kêu tên đồ ăn đồ
uống gì hết nên tôi yên chí gật đầu lia lịa. Đám cưới gọn nhẹ, cũng đầy đủ thủ
tục như mọi đám cưới mà tôi có dự qua. Và cũng không kém phần trang trọng vì
tôi thấy con bạn tôi ngồi phía ghế quan khách len lén đưa tay chùi nước mắt (cũng
có thể nó buồn vì không nghe ông ấy kêu tên món ăn nào). Tối hôm ấy bọn bạn bè
chúng tôi đãi hai vợ chồng son một bữa Ken Tất Ky chính hiệu Mỹ quốc. Ăn uống
no say chúng tôi rủ nhau ra xem bắn pháo bông mừng lễ Độc lập.
- Cả nước Mỹ chia vui
với hai đứa tụi bay đó
Dữ hông, tới giờ mới thấy con nhỏ bạn tôi nói
được câu ủy lạo tinh thần chiến sĩ vì từ lúc tôi i meo báo tin cho nó hay ý
định của hai đứa thì chỉ nghe nó tru tréo:
- Trời ơi, hai ông bà
khùng hả ? Châu Âu thơ mộng vậy hổng kiếm được chỗ nào sao ?
Người ta hay đứng núi này trông núi nọ.
- Bây giờ anh mới hiểu
tại sao anh Rô không quay về Đức nữa
- Ảnh lấy vợ Mẽo, xuất
giá tòng ... teng chứ có gì lạ ?
- Hổng phải đâu em.
Qua chuyện làm đám cưới của hai đứa mình em có thấy …
Thứ nhất: nước Mỹ không phân biệt chủng tộc.
Tôi gật gù đồng ý:
- Không cần biết em là
ai, không cần biết em từ đâu ... cứ xếp hàng, tới phiên, nộp mạng đủ đô la là
đóng mộc liền.
Anh nói tiếp:
- Thứ hai: đời
sống nước Mỹ thích hợp cho mọi tầng lớp.
Tôi không phản đối:
- Quét Đinh Bắt Cặp[5],
giá cả tùy theo thủ tục …
Anh nheo mắt nhìn tôi:
- Thứ ba: tiếng
Mỹ dễ hiểu.
Tôi la làng:
- Nếu lúc nãy lỡ em
nói "nô" thì anh sẽ làm gì ?
Anh cười ranh mãnh:
- Em sức mấy dám nói,
đi đong mấy trăm đô la sao ?
Rồi anh ôm vai tôi thì thầm:
- Mai mốt về hưu mình
qua Mỹ sống em nhỉ ?
Phải công nhận đàn ông họ nhìn xa nghĩ sâu
thiệt.
July 2009
Aza Lee
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen