Montag, 28. Juli 2014

Năm Kỷ Sửu bàn chuyện trâu ... bò

Kỷ Sửu là kết hợp thứ 26 trong hệ thống đánh số Can Chi của người Á Đông. Trong chu kỳ của lịch Trung Quốc, nó xuất hiện trước Canh Dần và sau Mậu Tý. Nó được kết hợp từ thiên can Kỷ và địa chi Sửu.

Người Tàu chỉ có chữ "ngưu" dùng để chỉ trâu, bò. Họ gọi con trâu là "thủy ngưu" để phân biệt với mẫu ngưu, hoàng ngưu, hỏa ngưu là con bò. Việt nam ta phân giống "ngưu" thành 2 loại là con trâu và con bò hẳn hoi. Nhưng có lẽ ở Việt nam con bò không được ưu ái cho lắm. Tôi nhớ hồi còn bé, khi ông anh tôi kèm toán cho tôi, những lúc cáu tiết lên hay cú vào đầu tôi và kêu: "Mày ngu như bò". Còn mẹ tôi thì luôn than phiền: "Con gái gì mà ăn như bò ngốn cỏ, mai mốt có mà ế chồng !!!" Tôi thì không coi đó là chuyện đáng lo vì dầu sao cũng có câu ví

Lấy chồng hay chữ là tiên
Lấy chồng mù chữ là duyên con bò

Mà „ngưu tầm ngưu, mã tầm mã“, hai con bò lấy nhau thì còn gì môn đăng hộ đối hơn nữa ?

Ngược lại thì con trâu lại rất được dân ta yêu chuộng. Trâu là vật được xếp đứng đầu trong lục súc: trâu, ngựa, dê, gà, chó, lợn. Chưa hết, nếu kể về hạng nhất thì trâu còn đứng đầu nhiều thứ lắm như “con trâu là đầu cơ nghiệp” hay trong câu ca dao “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” tậu trâu đứng đầu trong ba sự kiện lớn của đời người đàn ông Việt nam. Trâu còn dùng để tượng trưng cho những gì thuộc về sự khôn ngoan như "lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu". Tôi sinh ra và lớn lên ở thành thị nên chưa bị "lạc ngõ" bao giờ nhưng tôi tin rằng con trâu thuộc loại thú ... thông minh vì tôi nhớ trong những bài vè hát ru của ngoại tôi có câu

Ví dầu ví dẫu ví dâu
Ví qua ví lại ví trâu vô chuồng

ý nói nuôi trâu rất đơn giản vì trâu có trí nhớ tốt, sáng thả ra, đến tối nó tự động về chuồng. Chưa kể hình ảnh chú mục đồng ngồi vắt vẻo trên lưng trâu là một hình ảnh rất quen thuộc, thậm chí được phổ nhạc từ một bài tập đọc trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư, vừa ca ngợi cái thú chăn trâu nhàn nhã bởi trâu sáng dạ, dễ dạy, vừa gián tiếp khuyên răn con cháu chăm lo học hành

Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao
Vui thú không quên học đâu
Nằm đồi non gió mát
Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo
Em đánh vần thật mau



Ông bà ta hay nói "trâu chết để da, người ta chết để tiếng" không phải để tả cái … dai nhách của da trâu mà ngụ ý mong đám hậu sinh lo dùi mài kinh sử sau này giúp ích cho đời.

Hễ nói đến chuyện học hành tôi lại nhớ ông anh … toán học của tôi. Ông ấy thì chẳng bao giờ lo việc “sai con toán, bán con trâu” cả, nhưng phải cái tội "gàn". Ông ấy hay nghêu ngao rằng

Mười năm cắp sách theo thày
Năm thứ mười một vác cày theo trâu

để phân trần với mẹ tôi việc học tài thi ... lý lịch. May mà sau này ông ấy không đậu vào trường nông nghiệp chứ không thì đã đã có duyên nợ với trâu thật rồi.

Nói dông nói dài thì thấy quả là trâu có hơn bò thật. Chân lý ấy có lẽ sẽ không bao giờ thay đổi nếu tôi không lưu lạc sang nước đức này. Ở cái xứ văn mênh này tôi đi đâu cũng chỉ thấy quảng cáo … bò: bò tím Milka của hãng súc cù là; sữa bò loang Hansano giúp trẻ thông minh, chóng lớn; bơ làm từ sữa bò tót hiệu cô gái Hòa lan Antje mịn màng, thơm, rẻ; thịt bít tết bò đá Maredo ăn ngon, mềm, bổ v.v...
Chả thấy trâu đâu !!! Đã vậy mẹ tôi (vốn cũng tuổi sửu) sang đây hình như cũng không lấy gì ưu ái con trâu lắm vì mỗi lần con tôi tập đàn thì mẹ tôi than

Ðàn đâu mà gảy tai trâu
Ðạn đâu bắn sẻ, gươm đâu chém ruồi

Tai mẹ tôi còn thính lắm, chưa lãng tí nào, nhưng có lẽ bà yêu cái dòng nhạc Việt nam hơn là phải nghe những bài tấu cổ điển của Beethoven, Bach v.v... những nhạc sĩ mà ngoại hình đã xa lạ đối với mẹ tôi, nói chi đến những nốt nhạc mà mẹ tôi nhìn vào bảo sao giống như một dãy... nho chùm.

Cuối bài tôi mạn phép đưa lên hai câu sau đây

Thấy anh hay chữ em hỏi thử đôi câu
Ngày xưa ông vua Thuấn cày trâu hay bò ?

Câu đố nghe có vẻ dễ trả lời bạn nhỉ ? Tôi còn nhớ ông ngoại tôi cười ngất khi tôi đáp chẳng cần suy nghĩ: trâu. Rồi ông ngoại tôi kể cho tôi nghe truyền thuyết về vua Thuấn như sau: trong văn học Việt mam, thời Nghiêu, Thuấn được dùng làm điển cố miêu tả thời thái bình, ngoài đường không lượm của rơi, trong nhà khỏi lo đóng cửa. Vua Thuấn là một vị vua trong Ngũ Đế tên Diêu Trọng Hóa, một trang hiếu tử. Sau được vua Nghiêu gả hai người con gái cho và đưa lên ngôi, đặt niên hiệu là Đường Ngu. Cha của Thuấn là người hung bạo, người đương thời đặt tên là Cổ Tẩu. Mẹ của Thuấn mất sớm, Cổ Tẩu tục huyền. Vì nghe lời gièm pha của người vợ kế và đứa con cùng cha khác mẹ, Cổ Tẩu không ưa Thuấn, bắt đi cày ở đất Lịch Sơn cốt tìm cách trừ đi, vì nơi đây có tiếng là nhiều cọp dữ hay ăn thịt người. Nhưng tấm lòng hiếu thảo của Thuấn động đến lòng trời, trời sai cả đàn voi ra giúp Thuấn cày và muông chim đáp xuống nhặt cỏ hộ. Đến khi được vua Đường Nghiêu truyền ngôi, Đế Thuấn chỉ ngồi gảy đàn, hát khúc Nam Phong mà trị bình thiên hạ.

Đội đội canh điền tượng,
Phân phân vân thảo cầm,
Phụ Nghiêu đăng báo vị,
Hiếu cảm động thiên tâm

Có nghĩa là

Hàng đàn voi về cày ruộng,
Hàng bầy chim đến nhặt cỏ,
Giúp vua Nghiêu lên ngôi báu,
Hiếu thảo động lòng trời.

Voi mà cày được thì ta cũng cày được như … trâu. Ấy bên này tôi hay nghe người ta dùng chữ "đi cày" để thay thế chữ "đi làm việc". Vì thế trước thềm năm mới tôi xin chúc các bạn một năm Kỷ Sửu an khang thịnh vượng, sức khoẻ dồi dào, có của dư của để bởi
Có ăn có chọi mới gọi là trâu.

Tích tuyết thảo  01/2009

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen