- Sao
thế, mắc chồ [1]
à ?
Nó nhe mồm chỉ chỉ vào cái răng
cửa vàng khè vì khói thuốc:
- Cái
răng này lâu lâu gặp nóng hay lạnh là cứ đau buốt lên tận óc mày ạ !
-
Thế sao không đi nha sĩ ?
- Thằng
con tao nó đi thực tập bên Anh rồi, cuối tháng nó mới về dẫn đi được, tao tiếng
Đức ba cọc ba
đồng, diễn tả không xong nhỡ thằng cha nha sĩ lại đè ra nhổ phăng đi thì ông húp
cháo à ?
- Thì
mày đi ông Philipp Horn đấy !
- Đã
bảo ông cóc biết tiếng Đức mà lị
- Nha
sĩ Việt nam mày ơi, tha hồ kêu khổ …
- Ủa
vậy sao tên Philipp Horn mà không là đốc tờ ... Nguyễn ?
- Thế sao vợ mày không chịu đi bà
bác sĩ phụ khoa Aydin Aida gì gì đấy ở gần nhà cho tiện mà phải lội lên tận trung tâm Aachen ?
- Bả nói tên gì nghe kỳ quá,
không giống tên Đức nên bả ... xù
- Đấy nhé, vợ mày da vàng mũi tẹt
mà còn "thiên vị" thì “đốc tờ Nguyễn” chết đói à ?
Nó ngỏn ngoẻn cười (lại nhe cái hàm răng vàng
khè ra):
- Con vợ tao nó thích xài đồ
"ngoại" chứ tao vẫn ủng hộ “đốc tờ Nguyễn”. Thế phòng mạch ông Philipp Horn này nằm ở đâu ?
Sau khi hý hoáy ghi cho nó số điện thoại phòng
mạch nha sĩ “đốc tờ Nguyễn” aka[2]
Philipp Horn, chúng tôi lại tiếp tục nhâm nhi cà phê và đề tài tán gẫu chuyển
sang chuyện tên tây, tên ta.
Nó kể thằng bạn làm chung hãng sanh thằng con
trai đặt tên Trần Công Phú suốt ngày bị bọn bạn cùng lớp chọc ghẹo kêu Kung-Fu,
Kung-Fu … Lâu lâu thằng bé nhịn không nổi lại choảng nhau một trận với đám nhóc
con làm ông bố cứ phải vào thanh minh thanh nga với nhà trường rằng chỉ tại cái
tên mà ra chứ thằng bé hiền như bột. Nói mãi mỏi miệng, thằng bạn nó nộp đơn
lên thành phố xin đổi quách tên thằng con thành Trần ... Paul.
Ông bà nội ở
Việt nam lạ lẫm với cái tên “đức cống” này nên mỗi lần gọi điện thoại sang cứ
hỏi:
- Thằng "Bao" dạo này lớn chừng hung rồi bay ?
Cục bột nhà thằng bạn nó tự dưng biến thành ...
bánh bao ông cả Cần mà chả phải nắn hấp gì. Nghe đâu để được … nở thành bánh
bao, ông bố cũng phải văn từ lên xuống, xin giấy chứng nhận này nọ, thành phố
họ mới chấp thuận cho. May mà thằng bé chưa quá tuổi vị thành niên và chỉ đổi
tên chứ không đổi cả họ nên lệ phí cũng không cao lắm.
Theo tôi được biết thì lệ phí cho việc sửa đổi
của họ là từ 2,50€ đến 1022,00€, lệ phí cho việc thay đổi tên là từ 2,50€ đến 255,00€.
Theo điều 47 của Bộ luật dân sự Đức (Einführungsgesetz zum Bürgerlichen
Gesetzbuche - EGBGB) sau khi nhập tịch hoặc được công nhận là người tị nạn
(Asylberechtigter) ta có quyền đổi tên họ sang một tên Đức, hoàn toàn miễn phí và
cũng không cần phải nêu lên lý do tại mần răng mà Mạnh Quốc Văn Lê lại biến
thành … Markus van Lier. Có nhiều cặp vợ chồng khi sanh con thì đặt luôn cho con
một tên ghép Việt-Đức như Sarah Thanh Vân Nguyễn hay David Hiếu Đức Phạm cho
khỏi phiền hà. Muốn kêu tên tây cũng được mà ta cũng xong, không tốn đồng xu
cắc bạc nào, lại “đề huề hai họ”.
Đám thanh thiếu niên bên này thì tương đối đơn
giản, gọi nó bằng tên tây là "bao" (Paul) hay tên ta là "túi"
(Thúy) nó cũng “ô kê” tuốt luốt nhưng cái đám " lỡ một mùa xuân" như
tôi và thằng bạn răng vàng ố của tôi thì đôi khi vẫn còn hủ nho, vẫn thích được
gọi bằng những cái tên Việt nam cha mẹ thức trắng bao đêm tra tự điển để đặt
như "Tứ quân tử" Mai, Lan, Cúc, Trúc nếu sanh 4 cô con gái hoặc
"Ngũ Thường" Nhân, Nghĩa, Lễ , Trí, Tín nếu sanh 5 thằng đực rựa, còn
mà nhà đông con, lại cả nếp lẫn tẻ thì Trường, Giang, Sơn, Hải, Vạn, Lý, Sanh,
Chi, Hoài, Thế v.v. Khốn khổ thay là đôi lúc có những tên "ta" rất
đẹp như “Lê Chiến” người Pháp đọc thành ... con chó (le chien), hay “Thế Dũng”
dân Mẽo kêu là ... bãi phân (the dung).
Có những tên ta nhận ra ngay là gốc "Giao
chỉ" vì tên tây mà mang họ ta như Debbie Nguyễn (chắc tên Việt là Điệp),
Tommy Trần (chắc tên Việt là Thông) hay Catherine Lê (Lê Cát Tiên). Nhưng cũng
có những tên như Jenny-Mai Nuyen, tác giả cuốn tiểu thuyết Nijura - Das Erbe
der Elfenkrone (Di sản của vương miện thần tiên), nếu thiếu tên "Mai"
có lẽ tôi không nghĩ cô ta là người Đức gốc Việt vì Nuyen chắc do một in ấn sai
lầm của nhà xuất bản đưa đến một bút hiệu có âm hưởng như tiếng ... cam bu chia.
Ở bên này mang tên nửa ta nửa tây là chuyện
không có gì đáng bàn đến vì lý do hội nhập mà ta phải theo mà thôi. Ngộ nghĩnh
là ở Việt nam, kiếm lòi con mắt mới thấy một ông tây bà đầm mắt xanh mũi lõ mà
cũng có nhiều người đặt tên ở nhà cho con là Angela, Elizabeth, Johnny, Jimmy v.v. Trẻ con hàng
xóm gọi "vắn tắt" là con La, con Bét hay thằng … Trôn, thằng …Chim. Mà
không phải chỉ người "kinh" mới có phong trào đặt tên con kiểu
"sính ngoại" này mà đọc báo tôi thấy nói cả người dân tộc Cơ Tu ở
miền núi biên giới Tây Giang cũng lấy tên các diễn viên điện ảnh Hàn Quốc đặt tên
cho con như Giang Gun, San U, San Ốc (chả biết có San Hô không nhỉ vì trên núi
mà đẻ ra San Hô thì quả là chuyện "lọa" đáng được lên báo) cho giống
như các diễn viên mắt một mí trong mấy bộ phim Hàn Quốc đậm màu hỷ nộ ái ố này.
Ngắm nghía tờ giấy ghi địa chỉ, số điện thoại
của "đốc tờ Nguyễn" thằng bạn tôi nheo mắt:
- Horn,
Philipp nếu ở Việt nam thì sửa bảng phòng mạch thành đốc tờ Hoàng Phi Liệt,
nghe cũng ... sơn đông mãi võ ra phết !
- Ờ !
Tôi lơ đãng gật đầu.
- Nhưng Schmidt, Anna chẳng nhẽ
thành ... Sờ Mít Ăn Na à ?
- Mày rõ bôi bác, đương nhiên
người ta phải phiên âm phiên phiến đi chứ, như Sương Mỹ Anh chẳng hạn ...
Thằng bạn tôi quên cả đau răng khoa tay hùng hổ:
Tôi biết thằng này tính chơi xỏ mình nên đi một
đường rất ... khoa học:
- Nghe ông giảng nho đây này:
”Bob” là biệt danh của
"Robert", như tên thượng nghị sĩ Bob Kennedy, có ý nghĩa là danh tiếng và hào
quang nên ta không thể dịch nôm na là bác sĩ chuyên ngành “bóp” này “bóp” kia được mà phải dịch là
Vũ Quang hoặc Vũ Danh.
- À há, thế thì Madame Vũ là ...
Vũ Nữ chứ gì ?
Tôi đấm vào vai nó một phát:
- Thằng này láo
và không khỏi thắc mắc thầm trong bụng là mỗi
khi gặp vợ tôi, nó nhe bộ răng ám khói thuốc cười hề hề xã giao:
- Chào "Madame Vũ", dạo
này vẫn làm ăn tốt chứ ?
thì trong đầu nó nghĩ tây hay ta ?
Người viết: Vũ Danh
(Tái bút: Vũ Danh là
tên khai sinh cha mẹ đặt cho từ bên Việt nam chứ không phải dịch từ Bob Vu đâu
ạ, xin độc giả chớ hiểu nhầm sẽ dễ … gây án mạng)
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen