Hôm
nọ con tôi đòi vào tiệm bán thú vật xem cá. Nó thích nuôi cá nhưng tôi
không cho phép vì biết rằng mình sẽ không có thì giờ chăm sóc, thay hồ,
rửa hồ v.v. Chưa kể những kỳ nghỉ phải đi xa thăm bà con họ hàng bỏ cá
chết đói sao ? Thơ thẩn trong tiệm tôi thấy có bán cả chuột. Mấy con
chuột rao bán này trông không có vẻ gì là thuộc họ hàng nhà chuột cả,
tức là trông chúng không có vẻ gì bẩn thỉu, đầy hung họa truyền bịnh
dịch như hình ảnh con chuột trong trí nhớ của tôi. Tôi sinh ra và lớn
lên ở Việt nam, nơi mà chuột bị liệt vào loại thú vật "cần phải tiêu
diệt" vì chúng toàn làm ổ ở những nơi bẩn thỉu nên trên mình mang đầy vi
trùng của đủ các loại bệnh tật dễ lây lan như dịch tả, dịch hạch chẳng
hạn. Tôi tạm gọi chúng là "chuột ta" để phân biệt với "chuột tây" mà tôi
đang quan sát trong tiệm bán thú vật.
"Chuột tây" thì đa số bé tẻo tèo teo, có khi còn nhỏ hơn con chuột nhắt bên mình. Chúng có bộ lông thật mượt mà khác hẳn với những con chuột chù, chuột cống lúc nào lông lá cũng xù xì và bết lại do chui luồn ở các cống rãnh. Tôi không biết các chú "chuột tây" có thơm tho hay không (chắc là có, vì tôi thấy có mấy đứa bé ôm con "chuột tây" đưa lên mũi hít hà như hôn các chú gấu bông vậy), nhưng các chú "chuột ta" thì khỏi kể chúng ta cũng biết chúng hôi như … chuột. Một ngoại lệ có lẽ là chuột đồng. Chúng là một loài chuột đáng được ... đem lên chảo. Trước kia thì chuột đồng được xem là một đặc sản "đồng quê" nhưng bây giờ ở Việt nam mọc lên nhan nhản những quán bán các món ăn làm từ chuột đồng như lẩu chuột, chuột cà ri, chuột giả cầy, chuột nướng lá lốt, chuột xé phay ... v.v. Trông những chú "chuột tây" xinh xắn kia, tôi nghĩ bụng nếu mình mở một quán bán thịt chuột ở bên này chắc sẽ bị án tù chung thân không tại ngoại.
Càng quan sát tôi càng thấy nghi ngờ xuất xứ của các chú "chuột tây" này. Chỉ cần nhử một miếng đồ ăn gì đó là chúng đã nhanh chân chui ra khỏi chỗ trốn để đớp mồi. Tôi còn nhớ lúc ở Việt nam nhà tôi ngoài việc nuôi mèo bắt chuột còn sắm thêm vài cái bẫy chuột to cỡ bằng hộp đựng giày, nhưng chả mấy khi tôi thấy có con chuột nào sa bẫy cả. Tôi cũng tự hỏi không biết các chú "chuột tây" có sợ mèo không nhỉ hoặc cả đời đã từng thấy con mèo ra sao chưa ? Có lẽ là không mà đôi khi chúng còn có thể là bạn thân thiết với nhau nữa nếu có một cô bé nào đó nảy ra ý định nuôi cả mèo lẫn chuột trong nhà cho vui vì cô bé là con một (như đa số các trẻ em bên này) nên buồn bởi không có anh em để chọc ghẹo lẫn nhau. Tôi còn nhớ một bài đồng dao Việt nam nói về quan hệ mèo chuột:
Con mèo mày trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà ?
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo
Mèo bên này không ăn mắm mà ăn KiteKat nên "chuột tây" cũng không phải cực khổ lặn lội đường xa như "chuột ta".
Tổng kết lại thì các bạn chắc sẽ nghĩ rằng làm "chuột tây" sướng hơn "chuột ta" nhiều. Cũng có thể. Nhưng nếu so về tuổi thọ thì tôi không chắc lắm. Chả là kỳ nghỉ hè vừa rồi tôi đi thăm một người bạn. Con gái bạn ấy có nuôi một con "chuột tây" xinh xắn đặt tên là Chewy. Tôi được tận mắt chứng kiến cảnh chú Chewy đấy bị con bé nựng nịu, vần lên vần xuống, rượt bắt quanh nhà, lục tung cả các tủ quần áo, xây chuồng bằng Lego rồi giam lỏng chú Chewy trong đó, và nhiều trò chơi quái đản khác mà tôi không thể diễn tả hết được. Một tuần sau hôm tôi về thì nhận được "i meo" của bạn tôi "báo tử" chú Chewy, chuyện mà tôi đã đoán trước rồi khi nhìn thấy con bé con chơi chuột. Không cần phải là bác sĩ thú y tôi cũng chẩn được bịnh án tử vong của chú "chuột tây" này: chết vì đứt tim mạch.
Quanh đi quẩn lại thì chuột nào cũng là... chuột. Đã là chuột là thuộc về loài thú yểu mạng rồi. Vì vậy khi con tôi xem chán chê chỗ hồ cá quay sang hỏi:
"Mẹ ơi, cho con nuôi chuột nhé ?"
thì tôi đã có đầy một bụng những lý do để gạt đi cái ý tưởng điên rồ ấy.
Rau má (01/2008)
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen