Ở bên này thỉnh thoảng tụ năm tụ
ba tán gẫu, một đề tài thường được đưa ra để tranh luận là vấn đề dạy dỗ con
cái. Nỗi khổ tâm chung của các bậc phụ huynh là dù có ở đức lâu năm họ cũng
không hòa nhập được hoàn toàn vào cuộc sống, sinh hoạt ở xứ người, nhất là không
thể nào nuốt nổi cái ngôn ngữ xa lạ xí xa xí xồ ấy. Thành thử việc dạy dỗ con
cái cũng gặp nhiều cảnh ngộ éo le:
Bảo vui sao chẳng thấy cười
Còn mà nói khổ lại cười không vui
Thí dụ như người đức họ gặp nhau, thân thiện thì chào "Hallo", vẫy tay, bắt tay ríu rít, đôi khi còn áp má nhau "hôn gió" chùn chụt theo kiểu Tây. Còn mà quen sơ thì "Guten Tag", gật đầu lấy ... cảm tình người đối diện. Ngay cả với những người có vai vế cao hơn, họ cũng không "phân biệt giai cấp", cũng Há Lô, Cục Tác rầm rầm.
Đám hậu sinh bên này, tiếng khóc
oe oe đầu tiên trong nhà hộ sinh cũng đã mang đầy âm hưởng đức quốc rồi nói chi
đến sau này đi nhà trẻ, đi mẫu giáo, đi học v.v… đương nhiên chịu ảnh hưởng sâu
sắc của xã hội đức. Thấy chúng nó mỗi lần gặp các bác, các chú là mặt mày tự
dưng từ thông minh sáng lạn chuyển sang ngơ ngác nai vàng, tay khoanh lọng
ngọng, mắc liếc cầu cứu cha mẹ:
- Chào chú đi con.
- Chào chú
Lần sau chúng tưởng bở, cũng
"bổn cũ soạn lại", vừa lí nhí thưa:
- Chào chú
thì lại bị sạt ngang:
- Đây là chào bác chứ không phải chào chú ...
Ở bên này ít người việt, họ hàng
đơn chiếc, lấy đâu ra đủ vai vế, tình huống thích hợp để chúng nó thực hành ?
Hôm nọ tôi đang ngồi xem Tivi với
bạn tôi thì thằng con trai của bạn tôi hớt hải chạy vào kêu:
- Mẹ ơi, có "thằng bác" nó bấm chuông mà con không biết là thằng
nào.
Dù có dạy rằng người lớn hơn cha
mẹ thì mình gọi bằng bác nhưng chắc bạn tôi quên dạy "thằng","nó"
là tiếng "đại từ nhân xưng thứ bậc
hạ thấp" dùng để chỉ người ở ngôi thứ ba nhưng không dùng được trong
trường hợp người ấy là... bố chồng của bạn mẹ nó.
Người đức trước khi ăn họ chỉ mời
nhau vỏn vẹn một câu "Guten Appetit"
rồi vui vẻ nhào vô ăn uống. Hồi còn nhỏ tôi nhớ mỗi lần giỗ chạp là tôi lại ca
bài "mời ông nội xơi cơm, mời ông ngoại xơi cơm, mời bà nội xơi cơm, mời bà
ngoại xơi cơm, mời bác A xơi cơm, mời bác B xơi cơm ... ", mời mỏi cả
miệng mà vẫn chưa được xơi vì họ hàng hai bên nội ngoại nhà tôi đông lắm, chưa
kể phải biết vai vế của bác A lớn hơn bác B, không được mời bậy bạ. Sang đây tôi
rút ngắn thủ tục chỉ "dạ, con mời cả nhà xơi cơm" cho con cái được ăn
cơm nóng canh sốt và tôi cũng đỡ phải làm nhiệm vụ "nhắc tuồng".
Tiếng đức "Nein" là không, "Ja" là có, chứ không có những từ đệm
"dạ", "thưa" như tiếng việt ta. Mỗi lần
nghe con cái nhà ai nói "dạ không",
"dạ có", "thưa ông", "thưa bà", tôi nghe nó ngọt lỗ tai
làm sao đâu. Cái này thì không khó dạy lắm vì đó chỉ là từ đệm, không bao giờ sợ
dùng sai nên con tôi thực hành như ... máy:
- Con thấy bác Tư đẹp không ?
Rất "lịch sự" con tôi
trả lời:
- Dạ không
Chị Tư từ đó không mời tôi đến
nhà chơi nữa.
Mẹ tôi hay than phiền con nít bên
này không biết đi thưa về trình. Đi học về con tôi chỉ vắn tắt:
- Con đói
Tôi có kể cho nó nghe là hồi tôi
còn nhỏ, đi học về hễ gặp bất cứ người lớn nào trong nhà dù là khách đến chơi
cũng phải:
- Thưa mẹ con đi học mới về, thưa bác con đi học mới về.
Nó cãi:
- Mẹ thấy con xách cặp, về giờ này là con đi học mới về chứ còn gì nữa.
Hồi ở Việt nam, tôi đâu dám cãi
vì hình như tôi cũng không nghĩ ra câu trả lời này. Mà có nghĩ ra chắc cũng
không dám nói bởi sẽ ăn bợp tai tại chỗ cái tội ... "hỗn".
Tôi sang Pháp thăm thằng bạn học
nối khố. Con nó và con tôi trạc tuổi nhau. Tôi ngồi xem chúng nó lựa game để
chơi Wii, một trò chơi điện tử khá phổ biến của đám con nít bên này.
Con tôi nói với con thằng bạn
tôi:
- Con thích game này
Con thằng bạn tôi trả lời con
tôi:
- Nhưng mà con không thích
Tôi suy nghĩ mãi không biết tại
sao tiếng việt nó rắc rối trong cách dùng đại từ nhân xưng đến thế. Tiếng đức
chỉ có chữ "Ich", tiếng
Pháp chỉ có chữ "Je", tiếng
Anh chỉ có chữ "I", và
tiếng Tàu chỉ có chữ "Ngộ" để
xưng "Tôi". Con tôi là con
một. Từ tự xưng tiếng Việt duy nhất nó biết là ... "con".
Người đức rất quý mến trẻ em. Vào
nhà hàng trẻ em được đem món ăn ra trước, đi du lịch trẻ em được lên máy bay
trước, nói chung là lúc nào cũng được ưu tiên, ăn trước ngồi trên. "Kính
lão đắc thọ" thật khó mà ... phát huy được ở xứ đức này, nơi mà viện dưỡng
lão (Altenheim) có dân số cao hơn nhà giữ trẻ (Kindegarten).
Tôi có lần thử "coi bói" vận mạng tương lai của mình:
Tôi có lần thử "coi bói" vận mạng tương lai của mình:
- Mai mốt mẹ già con có đưa mẹ vào viện dưỡng lão không?
Thầy bói hỏi lại:
- Ở đó có Wii không hả mẹ ?
Ngày mai tôi sẽ viết thư đề nghị
lên cơ quan y tế có thẩm quyền để họ trang bị trò chơi điện tử tại các nhà nuôi
người già.
August 2009
Aza Lee
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen