Mittwoch, 19. Februar 2014

Bán cháo

Cuối tuần rồi nhân dịp đi Paris tôi có ghé thăm cô Nương là cô giáo dạy tôi lớp năm ở trường tiểu học Lê Quý Đôn. May mà có vợ chồng nhỏ bạn tình nguyện chở tôi đến nhà cô chứ nếu tôi đi xe lửa RER (le Reseau Express Regional) thì với vốn liếng pháp văn "về chiều" của tôi, chắc tôi sẽ không tài nào tìm ra nhà cô ở một khu cư xá rất đông dân.

Lần cuối tôi gặp lại cô cách đây phải hơn ... 20 năm. Tôi không ngờ thời gian trôi qua nhanh như vậy. Lu bu chuyện mưu sinh, gia đình, con cái, tôi đã quên béng mất cô. Vì vậy tôi rất hồi hộp khi bấm chuông nhà cô. Cô mở cửa, ôm chặt lấy tôi, hôn thật mạnh lên má, làm tôi cảm động hết sức. Cô năm nay đã gần 90 tuổi nhưng giọng nói vẫn sang sảng như ngày nào đứng trên bục giảng. Tôi vui mừng khi biết cô vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn.
 Cô còn nhớ con hông cô ?

Tôi hỏi cho có lệ vì cô đi dạy hơn 35 năm, mỗi năm từ 40 đến 50 học trò, làm sao cô nhớ một đứa học trò học hành không có gì xuất sắc lại bẵng đi bao nhiêu năm không ghé thăm cô.
Cô kể tôi nghe đủ thứ chuyện ngày xưa dưới mái trường Lê Quý Đôn. Cô nhắc đến một đứa học trò nào đó mà giờ chơi thì nhảy nhót vui vẻ với các bạn cùng lứa mà hễ cứ vào lớp là mắt lại nhắm tịt, ngủ gà ngủ vịt. Thế là cô bèn nghĩ ra cách bắt cái con bé học trò kỳ cục đó đến giờ chơi phải ở lại trong lớp để học với cô. Cuối năm, cô bạn đồng nghiệp dạy phần pháp văn thắc mắc hỏi là không hiểu thế nào mà cái con bé ấy cũng thi đậu lên lớp được nhỉ ?


Hay chuyện có hôm cán bộ đi thanh tra lớp. Hôm đó cô dạy môn tập đọc. Lúc cuối giờ tên cán bộ phán một câu xanh rờn giọng bắc kỳ:
- Cô dzáo dzì mà không biết đọc !!!

vì hắn không nghe được cái giọng nam thật là hùng hồn của cô mà cho đến bây giờ, gần 90 rồi, vẫn không kém phần nào uy nghi làm học trò phải nể sợ. Cô kể tôi nghe là cô Yến phụ tá hiệu trưởng, mà sau này cô mới biết là cô Yến "nằm vùng", có hỏi:
- Cô Ba nghĩ sao khi bị cán bộ trung ương phê bình như vậy ?

Thì cô chỉ nói:
- Bói ra ma, quét nhà ra rác mà chị !!!

Một câu trả lời đầy ý nghĩa, sâu sắc. Năm ấy "cô dzáo dzì mà không biết đọc" của tôi vẫn được tuyên dương là giáo viên "tiên tiến" như thường.
Tôi chợt nhớ có lần Hà Mai Hưng kể tôi nghe là cô kêu hắn xuống văn phòng mượn cái "quặng" để cô dạy về cách thức đo lường. Thằng bé vốn gốc bắc kỳ, chẳng biết cái quặng là cái gì nhưng không dám hỏi lại cô, riu ríu đi, rồi lại riu ríu về tay không. Hắn không kể tôi nghe là sau đó có bị cô la không, nhưng câu chuyện đó đã trở thành một kỷ niệm không bao giờ quên của hắn thuở mài đũng nhà trường.

Tôi biết cô cũng được đồng nghiệp rất ư là quý mến. Năm thầy Ngươn làm hiệu trưởng, có lần cô Xuân Lang hỏi cô:
- Chị Ba ra làm phụ tá hiệu trưởng phụ giúp chồng tui nghe chị Ba?

Cô cười rổn rảng nói với tôi rằng:
- Cô làm dâu 50 họ đã đủ mệt rồi !!!

Tôi được dạy dỗ là phải biết "tôn sư trọng đạo", biết kính trọng thầy cô như cha mẹ mình chứ chưa bao giờ nghe một người giáo viên nào tự cho mình là kẻ đi làm dâu phục vụ học trò cả. Thế mới biết cô tận tụy, thế mới biết cô yêu nghề, yêu học trò và lúc nào cũng mong muốn các em nên người.

Trên đường về tôi cảm thấy thật hãnh diện được là học trò của cô. Tôi ôm vai nhỏ bạn:
- Tụi mình già sẽ "chèo queo", không ai nhớ, không ai đến thăm, còn cô có cả một bầu trời hạnh phúc mày ạ !!!

Ngày xưa hay có câu "bán cháo phổi" để chỉ nghề của những giáo chức, phải nói sa sả tối ngày để dạy học trò.

Tôi tiếc hùi hụi mình đã không được "bán cháo".

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen