Dienstag, 22. Dezember 2015

Chùm táo ngọt

Chuyến bay từ Jakarta, trong đó có ba anh em tôi, đáp xuống phi trường Hannover cuối năm 1980, vào một chiều đông chí lất phất tuyết rơi. Bông tuyết chỉ to hơn giọt mưa một tí nhưng cũng đủ làm tôi ngẩn ngơ vì tôi chưa thấy tuyết bao giờ. Hồi còn bé mỗi lần trong giờ Pháp văn mà phải vẽ cảnh một căn nhà của xứ Phú Lang Sa có ống khói, có tuyết rơi, thì để vẽ được tuyết tôi sẽ phủ lên nền trời một lớp màu xám tro bằng than viết chì, sau đó dùng đầu gôm của cây bút xóa nhẹ lớp than tạo ra những vòng tròn nhỏ màu trắng. Thế là thành cảnh mùa đông "Tombe la neige" của ca sĩ nổi tiếng người Bỉ gốc Ý Adamo:
 
Tombe la neige
Tu ne viendras pas ce soir
Tombe la neige
Et mon coeur s'habille de noir

được nhạc sĩ Phạm Duy biến thành bài hát bất hủ "Tuyết rơi":

Ngoài kia tuyết rơi đầy
Sao anh không đến bên em chiều nay
Ngoài kia tuyết rơi rơi
Trong băng giá tim em tả tơi 
          
Đoàn người tị nạn, đa số là thanh thiếu niên không cha mẹ đi kèm, được chuyển sang một chiếc xe buýt loại dành cho khách du lịch đường dài, thẳng tiến đến trại tiếp cư Friedland. Suốt chặng đường ba anh em tôi không ai nói với ai tiếng nào mà chỉ dí sát mũi vào kính xe, lạ lẫm nhìn cảnh vật mờ mờ sau làn sương tuyết.

Ở đảo Galang tôi có ê a học tiếng Đức do một cô người Thụy sĩ làm việc thiện nguyện dạy vài ba tiếng trong tuần. Tôi chỉ bập bẹ được mỗi câu "Guten Tag" khi một bà sơ tươi cười xổ một tràng tiếng Đức xí xa xí xồ đón chúng tôi lúc xuống xe. Tôi còn có cái tên ở nhà là "tí Quắt" nên bà sơ người Đức làm tôi thấy sợ hãi với vóc dáng đồ sộ quá khổ trong chiếc áo đen nhà dòng cũng thùng thình không kém. Tôi có cảm tưởng bà mang đôi hia bảy dặm vì tôi phải bước như chạy mới theo kịp bà. Cái gì ở trại cũng to, cũng lạ, cũng đẹp đối với tôi, nhất là chiếc giường với chăn gối căng phồng, còn thơm phưng phức mùi xà bông mới bởi 8 tháng qua tôi đã quen với tấm nệm mút trên con tàu Cap Anamur hay miếng phản gỗ cứng còng của trại tị nạn Galang.

Lạ nhất là buổi ăn tối, có bánh mì đen, tôi cũng chưa ăn qua bao giờ. Đêm đầu tiên ở trại Friedland ba anh em tôi trùm đầu trong chăn để trốn cái lạnh. Tôi nhớ nhà hết sức. Tôi thèm cái nóng bức của Sài Gòn, cái tấp nập của bùng binh Nguyễn Huệ. Tôi thèm vô cùng một tô phở Hiền Vương nghi ngút khói. Ánh lửa lập lòe từ cái lò sưởi dầu trong phòng làm đêm đó tôi thao thức không ngủ được.
Ngoại trừ một hôm cả trại nhốn nháo do báo động cứu hỏa kêu inh ỏi vì tôi phơi quần áo lên cái lò sưởi dầu, bị bén lửa phựt cháy, thì những ngày tạm trú ở Friedland đúng như tên gọi của nó: mảnh đất bình yên. Ba anh em tôi cùng những người Việt tị nạn khác ngày ngày ăn điểm tâm xong thì đi học tiếng Đức. Sau bữa ăn trưa đa số - trong đó có hai ông anh của tôi - do thói quen lại leo lên giường trùm chăn ngủ khò, một phần "căng da bụng, chùng da mắt", nhưng có lẽ tại bên ngoài chẳng có gì lạ hơn là bầu trời mùa đông xám xịt lạnh lẽo. Ăn tối xong lại leo lên giường ... đắp chăn tiếp vì xem ti-vi thì toàn tiếng Đức, nghe cứ như tiếng xe lửa xập xình xập xình.

Trại tiếp cư Friedland

Chúng tôi chỉ ở Friedland một thời gian ngắn, sau đó được chuyển đến trại Nazareth, Norddeich-Norden, một thành phố nhỏ sát bờ Bắc Hải, gió vù vù rít cả tai. Dù đã được phát chiếc Parka, một loại áo khoác có lớp lót rất dày, tôi vẫn rúm ró như con mèo hen mỗi khi ra đường. Tôi chỉ ngao ngán cái lạnh. Mỗi ngày tôi phải chiến đấu với nó ít nhất ba lần vì tuy Bungalow chỗ ba anh em tôi ở cũng có bếp nhưng mọi ăn uống, sinh hoạt, học tiếng Đức, thánh lễ sáng chủ nhật v.v. đều tập trung trong căn nhà chính nằm ở giữa trại. 

Nazareth buồn hiu hắt. Sau này gia đình tôi có lần đi nghỉ hè ở miền biển Bắc và có ghé thăm thành phố Norddeich. Đứa con gái con tôi than thở "Phố nghỉ mát mà chả có gì hết vậy mẹ ? ". Vậy đó mà ngày xưa mỗi lần trại tổ chức chở ra trung tâm dạo chơi hay ba anh em tôi trốn học tiếng Đức đi "xe ngoắc" tức là lưng quay theo hướng xe chạy, vừa đi giật lùi vừa đưa ngón tay cái ra dấu ngoắc ngoắc, có ai mủi lòng dừng xe cho quá giang thì đỡ phải lội bộ dưới cái lạnh cắt da, là tôi vui như tết vì được thấy phố phường đèn xanh đèn đỏ, nhất là lúc đó vào mùa Giáng Sinh, tiệm nào trông cũng sáng choang sang trọng với hàng hóa, bánh kẹo bày chật tủ kính.

Cô giáo dạy tiếng Đức cũng "vĩ đại" không kém bà sơ ở trại tạm trú Friedland. Giọng cô nói oang oang, tiếng cô cười khanh khách. Có lẽ vì thế tôi học tiếng Đức không lấy gì làm khó khăn lắm bởi cô phát âm chữ nào chữ nấy rõ mồn một, nặng chình chịch.
Cô:
- Die Frau kauft Saft.
Ông anh tôi lập lại ngon ơ:
Đì phao cẩu xập
Buồn cười nhất là con bé ngồi cạnh tôi, dân Vũng Tàu, phát âm chữ en-nờ thành en-lờ.
Cô dạy chào hỏi:
- Gute Nacht
Nó choảng lại:
- Guốc lắc
Cô:
- Nein, nein. Nicht "good luck", GUTE NACHT!
Nó:
lích lai, lắc (nicht nein, Nacht)

Sau giờ học tôi dùng tiếng Anh giải thích cho cô giáo là người Việt có một số phát âm lẫn lộn hai chữ "n" và "l" này. Cô phá ra cười, lại giọng cười khanh khách, và cô kể tôi nghe  - đương nhiên là bằng tiếng Anh vì vốn liếng tiếng Đức của tôi chỉ đủ để "cẩu xập" - cô cũng có dạy tiếng Đức cho người Tàu, họ phát âm e-rờ thành en-lờ, tức là phờ-lu-linh-lô-lờ (Frühlingsrolle). Thế là tới phiên tôi cười. Tôi không chỉ học tiếng Đức với cô, tôi còn rèn thêm được Anh văn qua những mẩu chuyện bên lề à la "phờ-lu-linh-lô-lờ". 

Những ngày ở Nazareth là khoản thời gian đẹp nhất trong cuộc đời xa xứ của tôi. Tôi chỉ biết ăn, ngủ và học tiếng Đức. Mỗi bài học đem tôi gần với quê hương thứ hai này hơn một chút. Tôi biết cách hỏi cái này bán bao nhiêu hở cô, biết trả lời tôi từ đâu đến, biết "Danke schön, wünsche ich Ihnen auch".

Tôi rời Nazareth vào một ngày hè nắng rực rỡ rọi vào kính chiếc xe buýt loại dành cho khách du lịch đường dài. Ông Roman trưởng trại, anh Phúc thông dịch viên, cô giáo tiếng Đức và mấy bà nhân viên nhà bếp mập mạp phúc hậu giơ tay vẫy vẫy từ giã. Tôi thấy lòng mình chợt chùng xuống như vừa bỏ lại sau lưng cái gì đó rất thân quen dù những người đang vẫy tay kia không ai cùng họ với tôi cả. Hành trang họ gói cho tôi mang theo ngoài số vốn Đức ngữ khiêm nhường chỉ vỏn vẹn một tấm lòng mà cho đến nay tôi vẫn còn giữ mãi.

Nước Đức không có "chùm khế ngọt". Mà tôi cũng chưa bao giờ được ăn quả khế nào ngọt cả, toàn khế xanh, chua lè lè. Nhưng tôi được ăn táo ngọt, lê ngọt, nho ngọt, anh đào ngọt. Nếu tôi nói:

Quê hương là chùm táo ngọt
Cho tôi trèo hái mỗi hè ...

thì không biết nhà thơ Đỗ Trung Quân có hiểu cho nỗi lòng của kẻ xa xứ này không nhỉ ?

11/2015

Dienstag, 8. Dezember 2015

Bí quyết hạnh phúc

Tôi ít khi đọc tạp chí vì cuộc sống bươn chải mỗi ngày chỉ cho phép tôi đủ thì giờ nghe radio lúc lái xe, họa hoằn cuối tuần rảnh rỗi thì xem chút tin tức trên ti-vi là chấm hết. Hôm nọ bỗng dưng bị táo bón, ngồi "xí bệt" lâu sẽ ... buồn sự đời nên tôi quơ tờ báo mà tháng tháng công ty bảo hiểm sức khỏe ném vào thùng thơ cho tôi khỏi quên "sống vui, sống khỏe", sống ... dai để tiếp tục chăm chỉ đóng bảo hiểm.
 
"Bí quyết hạnh phúc", bài viết về chìa khóa của sức khỏe chính là lạc quan và sự hài lòng. Cái làm tôi suy gẫm là câu then chốt trong bài này của giáo sư Gerhard Roth, khoa nghiên cứu não bộ trường đại học Bremen: Wie zufrieden ein Mensch werden kann, bleibt zeitlebens weitgehend gleich (khả năng thích nghi phi thường của con người đến một lúc nào đó trở về giới hạn cố hữu). Theo như ông Roth thì cái gọi là khả năng phục hồi (Resilienz), hay còn được gọi là sự kiên cường, được kết tinh ở não bộ trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 tuổi. Những đứa trẻ được sự thương yêu đùm bọc của cha mẹ và môi trường chung quanh sau này sẽ trở thành những người mạnh mẽ về cả thể chất lẫn tinh thần vì có sức phục hồi cao. Tuy nhiên ngay cả khi gặp những sự kiện đem đến cảm xúc hạnh phúc như trúng số độc đắc hay ngược li những biến cố làm suy sút tinh thần như bịnh tật, tai nạn v.v. con người sau đó cũng trở về mức độ phục hồi nguyên thủy của họ.


Người kiên cường có một thời thơ ấu và tình cảm ổn định, họ đánh giá cao bản thân mình và người khác. Người bi quan thường có áp huyết cao, sức đề kháng thấp. Nhưng như vậy không có nghĩa là vô phương để có một cuộc sống tươi vui, hạnh phúc. Nhà triết học thời cổ đại Epiket cho rằng "sự việc bản thân nó không phải là nguyên nhân làm ta bất an mà chính là quan niệm của ta về sự việc đó" (Nicht die Dinge an sich, sondern unsere Sichtweise auf die Dinge ist das, was uns beunruhigt). Điều này có nghĩa là con người cũng có thể tự luyện tập để nâng cao khả năng phục hồi. Não bộ được kích thích tạo cảm giác thỏa mãn sung sướng qua những khoảnh khắc nhỏ như thưởng thức ly trà, tách cà phê vào buổi sáng, bất ngờ được tặng một món quà, bó hoa, gặp lại một người bạn cũ v.v. Não kích thích cơ thể tiết ra chất Endorphine cho ta cảm giác hạnh phúc khi đi xem một cuốn phim ở rạp chiếu bóng, một sự kiện khác với xem phim trong ti-vi buổi tối mỗi ngày, theo đuổi một sở thích, một ý tưởng nào đó, hoặc đơn giản chỉ là chuẩn bị một bữa ăn ngon. 
Người có khả năng phục hồi cao thường là những người dũng cảm, sáng tạo và dễ dàng tìm ra cách giải quyết khi gặp tình huống khó khăn. Họ có cái mà các nhà nghiên cứu về tâm lý học gọi là “động lực thúc đẩy” (Motivation) mạnh hơn người khác, một cách luyện não nâng cao khả năng phục hồi. Phương pháp này đặc biệt quan trọng khi cần trau giồi sức khỏe qua việc theo đuổi lâu dài một môn thể thao vì cơ thể tiết ra chất Dopamin, Adrenalin, Noradrenalin, được liệt vào nhóm "hóc môn hạnh phúc" (Glücks-Hormone). Quan hệ gia đình, bạn bè tốt cũng một phần giúp nâng cao khả năng đối phó với căng thẳng, bệnh tật để tận hưởng cuộc sống. 

Một cẩm nang đơn giản để có được hạnh phúc mà ai cũng có thể thực hiện được: Sáng chịu khó dậy sớm hơn một chút (rèn động lực thúc đẩy) để có thì giờ thưởng thức ly cà phê trước khi ra khỏi nhà (tự điều tiết chất Endorphine)!