Montag, 28. Juli 2014

Luận về chữ ăn

Nếu bạn hỏi con gái tôi rằng tiếng việt và tiếng đức, tiếng nào phong phú hơn (đương nhiên bạn sẽ không thể dùng chữ "phong phú" mà chỉ có thể hỏi là tiếng nào "nhiều chữ" hơn thôi, vì con gái tôi chưa đủ trình độ để hiểu nghĩa của chữ "phong phú"), thì chắc chắn nó sẽ trả lời gọn thỏn: "tiếng việt". Không phải vì nó thiếu lễ phép mà vì tôi dạy mãi nó vẫn quên dùng cả câu "dạ thưa bác, tiếng việt ạ". 

Trong đầu óc non nớt của nó thì tiếng việt thật là đa dạng. Chỉ cần thêm các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng là từ một chữ đã "đẻ" ra thêm 5 chữ khác nhau rồi, mà nghĩa cũng khác nhau luôn. Thí dụ như chữ ma, má, mà, mả, mã, mạ. Nhiều người cho rằng tiếng việt ta không được phong phú cho mấy. Tôi không biết ngôn ngữ tiếng các nước khác rành rọt cho lắm nên không so sánh được. Có một điều tôi biết là: trong tiếng việt, "ăn" không chỉ có một nghĩa đơn thuần là một hành động để làm tan cái cảm giác đói meo của bạn. 


Chẳng hạn như "ăn tết". Đương nhiên ngày tết là tha hồ ăn rồi. Ăn lăn, ăn lóc, ăn từ nhà ta qua nhà ...hàng xóm, ăn từ mùng một đến mùng .... khi-nào-hết-ăn-nổi mới thôi. Nhưng "ăn tết" thực ra dùng để nói lên việc người Giao chỉ chúng ta đón mừng năm mới, không chỉ có "ăn" mà còn có các hoạt động vui chơi hưởng thụ khác nữa như may áo mới, đi lễ chùa, đốt pháo bông v.v... 

Và còn nhiều danh từ khác được ráp với chữ ăn tạo ra một chữ có ý nghĩa khác nhau như ăn tiền, ăn khách, ăn ảnh, ăn ý ... Chữ "ăn" ở đây có nghĩa là thu hút, hấp dẫn, chứ nếu quả thực bạn "ăn" ảnh, "ăn" tiền thì bao tử bạn thuộc loại  ... máy xay rác rồi. 

Lại có những chữ ăn đi chung với động từ như ăn cắp, ăn trộm, ăn hiếp, ăn xin … Chữ ăn làm cho động từ thêm phần mạnh mẽ hơn trong ý nghĩa. Hơn nữa bạn lại có thể biến nó thành một danh từ như "thằng ăn trộm", "người ăn xin" chứ không ai nói "người xin" cả.

Lại có trường hợp chữ ăn được ráp vào tính từ như "ăn chắc", "ăn thua", "ăn mòn" … Cũng giống như ráp với động từ, tính từ mà có thêm chữ "ăn" đi kèm thì trở nên tượng hình nhiều hơn.

Chữ ăn còn được xử dụng trong ca dao tục ngữ như "ăn xổi, ở thì",  "ăn hiền, ở lành". 
"Ăn xổi, ở thì" ám chỉ người hời hợt, không biết lo xa. 
Còn nếu bạn nói với bạn mẹ rằng "Mẹ ơi, cô bạn gái của con "ăn hiền, ở lành" lắm mẹ ạ ! ", thì mẹ bạn sẽ tức tốc mang trầu cau đến dạm hỏi cô ta cho bạn ngay vì câu "ăn hiền, ở lành" dùng để tả một người có tính cách hiền hậu chứ chả dính dáng gì đến việc ăn uống cả.

Đấy các bạn thấy chữ "ăn" nó đa dạng như thế nào rồi nhé ?

Xét cho cùng thì người việt chúng ta rất có "tâm hồn ăn uống", tuy hơi có tánh "lươi huyền" như được mô tả  trong ca dao:

Ăn thì lựa những món ngon
Làm thì chọn việc cỏn con mà làm.

Nhưng mà "ăn vóc, học hay", tức là có ăn khỏe thì học mới giỏi giang, đó là niềm vui của các bậc sinh thành dưỡng dục chúng ta. Vì vậy chúng ta chả dại gì mà "ăn kiêng" cả bởi vì chúng ta "ăn lấy thơm, lấy tho, chứ không ăn lấy no, lấy béo" nên nhân dịp năm hết Tết đến tôi xin chúc các bạn làm "ăn" phát tài, mặc dù nếu "diễn nôm" thì làm mới phát tài chứ "ăn" thì chỉ có phát ... tướng mà thôi.

À, quên nữa, bạn nào muốn nhớ cho dễ nhiều chữ liên quan với chữ "ăn" thì tôi xin kèm theo đây một bài thơ tôi tình cờ "lượm" được trong lúc "xợp" (surf) trên  mạng "in tờ nét":


Trên đời có lắm cái ăn
Ăn bơ làm biếng ăn không ngồi rồi
Ăn bớt, căn chặn, ăn hôi
Ăn cháo đá bát, ăn rồi nói không
Ăn hối lộ, ăn của công
Ăn như mỏ khoét, làm không ra gì
Ăn to, nói lớn mà chi
Ăn sung mặc sướng hay đi ăn mừng
Ăn cỗ, ăn tiệc tưng bừng
Ăn đời ở kiếp, ăn thề, ăn chơi
Ăn chẹt, ăn chực, ăn gian
Ăn trộm, ăn cắp, ăn "ngang" của người
Ăn uống, ăn vặt, ăn quà
Ăn thật làm giả ra ăn cơm tù
Ăn bún, ăn bớt, ăn chia
Ăn bền mặc chắc, uống bia ăn mồi
Ăn xổi, ở thì lôi thôi
Ăn nhịp, ăn khớp như vôi với trầu
Ăn no, ăn đủ nhu cầu
Ăn mò nói ốc, ăn xôi chịu đòn
Ăn học, ăn hỏi, ăn hàng
Ăn nào cũng thấy cơ man là tiền
Ăn trắng mặc trơn người hiền
Ăn chay niệm Phật thành tiên trên trời
Ăn vạ, ăn quịt là tồi
Ăn mưa nằm gió cuộc đời khó khăn
Ăn nên làm ra phán rằng:
Lắm tiền nhiều của không bằng ăn ngon.

Rau má (01/2008)

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen