Freitag, 29. April 2016

Ba ơi, Sony nó nói ...

Tôi có thói quen sáng vô sở làm bật máy tính rồi đi pha ly cà phê. Nói "pha" cho sang chứ thật sự bên này chỉ cần nhấn tay vô nút là tự động có nước đen ngòm chảy ra vừa đúng liều lượng 1 tách, muốn 2 tách thì nhấn 2 lần, nhấn đến lần thứ 3 thì thằng đồng nghiệp đứng sau sẽ hỏi "xóc óc" ngay:
- Hôm qua lại xem phim Hàn quốc 16 tập nữa à ? (chúng nó cứ quy ra như phim trinh thám Đức nhiều tập, mỗi tập 30 phút, 8 tiếng coi được 16 án mạng giết người không thấy máu, muốn có máu me nhem nhuốc phải xem phim Mỹ).

Quay về văn phòng, trong khi chờ máy kiểm tra chán chê an toàn xa lộ Tường-Lửa (firewall), Bác-Vọt (password), Eo-Đáp (LDAP) vân vân và vân vân, thì tôi chếch-meo (check mail) mấy đứa bạn, ưu tiên cho đám ở Việt Nam vì biết giờ này chúng nó đã ngủ trưa xong, chuẩn bị đi ngủ tối, muốn nhờ vả mua sen sấy khô, sấy chân không hay không sấy gì cả thì phải nói ngay mới kịp vì múi giờ cách nhau tới mấy miếng lận. 
Meo vỏn vẹn một câu hỏi hóc búa:
- Biết thằng Sony nhà tao làm gì không ?

Dù đã ăn chè Trí-Tuệ-Tuyệt-Đối tôi cũng vẫn không đủ thông minh để biết thằng Sony nhà nó làm gì. À, Sony là thằng cháu con bạn tôi, mới chín tuổi, tên đấy là do bố nó đặt, vì bố nó mê đồ máy móc của Sony. Tôi chuộng xe Đức hơn, nhưng chẳng nhẽ đặt tên con mình là Ao-Đì (Audi) nghe thấy nước là nước ướt át quá nên thôi không bắt chước bố Sony.
Tường-Lửa vẫn còn đang miên man cháy nên tôi xem tiếp đáp số:
- Trên mặt báo Tuổi Trẻ có đăng hình của thằng cha trưởng đại diện Formosa ở VN với câu nói "nhà máy hoặc tôm cá, chọn đi", nó vẽ mấy vòng xích sắt chung quanh đầu thằng cha này và ghi chú:  "xích nó lại", sau đó thêm dòng chữ "thằng ngu phá nước".
Hôm rồi nó vừa mới kể cho tao nghe bạn nó nói nó không yêu nước vì suốt ngày cứ đòi đi Canada. Tao hỏi nó sao không yêu nước, nó nói vì người VN cứ hãm hại người VN.
Kèm theo tấm hình của Sony vẽ minh họa.

Mấy hôm nay tin này cũng lan tràn trên mạng nhưng Sony làm tôi phải suy nghĩ nhiều nhất. Ngạn ngữ Đức có câu "Kindermund tut Wahrheit kund", tiếng Anh đại khái là "Out of the mouths of babes, offtimes come gems", tiếng Việt là "Ba ơi, Sony nó nói ...".

Năm 1972 đài NDR (Norddeutscher Rundfunk) cho ra đời kịch truyền thanh "Papa, Charly hat gesagt ..." (Ba ơi, Charly nó nói ...) lấy cảm hứng từ truyện phiếm hoạt họa "Vater und Sohn" (Cha và con trai) của Erich Ohser với đề tài là những mẩu chuyện đối thoại tranh chấp tay đôi giữa cha và con trai về đủ mọi vấn đề trong cuộc sống. Kẻ chiến thắng bao giờ cũng là ... Nico (tên thằng con trai, bạn của Charly) với những lý luận trẻ thơ nhưng hoàn toàn không thể bẻ lại được. Kịch bản này dài khoảng 600 tập, tức là quy ra thằng đồng nghiệp phải đứng chờ:
600*30 phút = 18.000 phút = 300 giờ chia cho 8 tiếng không ngủ mỗi ngày = 37,5, làm tròn số là sau 38 ngày 
mới có cà-phê để uống.


Trong khi thằng đồng nghiệp đang chết khô vì chờ cà-phê - à, tôi kêu "thằng" không phải oán ghét gì nó tội hay "xóc óc" mình, mà đơn giản đó chỉ là đại từ nhân xưng ngôi thứ ba chỉ người ... vắng mặt thôi chứ nó và tôi cùng "tim" (team), phải đoàn kết mí nhau chứ lị - thì tôi nghĩ mông lung không biết có nên thôi không ăn nước mắm nữa không nhỉ ? Vì nếu Sony-9-Tuổi phán một câu xanh rờn "mít dai hại mít tố nữ" thì chắc gì cá độc không từ Nghệ-Tĩnh quê ngoại ngọt ngào của tôi trôi dạt dào vào lò nước mắm Phú-Quốc và chẳng chóng thì chầy xuất hiện trên quầy mấy chợ Á-Đông ở đây ?

Không phải tôi sợ chết vì ăn nước mắm có chất Cyanid, chỉ sợ không ai trả lời mấy câu hỏi của Sony dùm cho con bạn mình.

Montag, 25. April 2016

Chè Trí-Tuệ-Tuyệt-Đối

Trong lịch sử đi kiếm job tôi đã từng qua nhiều cuộc trắc nghiệm kiểu assessment centre, thử đủ thứ, từ tiếng anh, khả năng bốp chát, làm toán cộng trừ, phân loại thư từ i-meo, tư cách đứng ngồi lúc thuyết trình, lúc ăn tiệc v.v. Nói chung là thử đủ thứ ngoại trừ thử ... tài bắn súng vì ở Đức chỉ có lực lượng đặc nhiệm SEK (Spezialeinsatzkommando) là bắn đâu trúng đó, còn cảnh sát công vụ đeo súng hù thiên hạ chứ toàn bắn vào chân mình thôi.
Nhưng trắc nghiệm "Ai-Cu-Tét" (IQ test) thì tôi chỉ làm một lần duy nhất trong đời, lúc thi tuyển vào trường Lê Quí Đôn. Kết quả tuy có khiêm nhường, tức là tôi được xếp vào lớp cuối cùng của 6 lớp một, nhưng so với mấy đứa em tôi thì "Ai-Cu" của tôi không kém lắm vì chẳng đứa nào đậu nổi vào Lê Quí Đôn cả mà phải sang xin học ở trường Trần Quý Cáp gần đấy để ba tôi tiện đường đưa đón. 
Cuối tuần, nghe lời quảng cáo trên mạng "Ngon ngất ngây với món chè khoai lang hạt sen mới lạ", tôi nổi hứng lôi đồ ra nấu chè. Ngắm bao bì hạt sen sản xuất tại quê nhà, tôi chắc mẫm là của mấy đứa bạn nhờ ai cầm qua tặng mình vì tôi đọc thấy in chữ viết hoa rành rành "SEN TRẮNG TƯỢNG TRƯNG CHO TRÍ TUỆ TUYỆT ĐỐI".


Giương giương tự đắc với "Ai-Cu" của mình, tôi đủ thông minh để biết phải nấu sen riêng, khoai riêng vì độ cứng khác nhau thì thời gian đun khoai và sen cho mềm cũng khác nhau. Tôi cũng đủ thông minh để biết sen sấy tức là khô, là cứng, là ta cứ đặt nồi lên bếp hầm trong khi lau nhà, rửa chén, ủi đồ, giặt quần áo, tưới cây, làm vườn v.v. Tuyệt đối không được đi đâu ra khỏi nhà để kịp thời đối phó khi nồi hầm sôi, trào tung tóe dễ chạm điện bậy bạ.
Sau khi đã làm hết nhiệm vụ ô-sin - trừ việc sơn móng tay mà nghe con bạn ở Việt Nam viết thư kể là chỉ dành cho ô-sin cao từ mét bảy trở lên, tóc dài quá lưng và trên tuổi vị thành niên tối đa hai năm - tôi mới đủng đỉnh mở nắp nồi thì ... hỡi ôi ... sen sắp thành bột Bích Chi "tân dưỡng sanh, bồi dưỡng người già, dùng cho người bịnh, đặc biệt cho trẻ em".
Tức tốc mở máy, i-meo điên cuồng chửi bới:
- Bạn bè chơi xỏ nhau là không nên nhé !
Nhận ngay i-meo "phản hồi":
- Lộn rồi chị Hai ơi ! Hạt sen này để ăn chơi như hạt điều vậy chứ đâu có nấu chè được đâu ! Mày phải đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng !

Không thể để "Ai-Cu" bị chà đạp, tôi móc thùng rác - thùng rác đồ recycle nên vẫn sạch - xem lại bao bì, lật tới lật lui chỉ thấy ghi:
...
Hạt sen có tác dụng tăng cường chức năng tỳ vị, đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể, điều hòa sự thu nạp thức ăn. Áp dụng công nghệ sấy chân không hiện đại, đảm bảo giữ nguyên vẹn mọi dưỡng chất lâu dài. Vinamit giới thiệu sản phẩm hạt sen sấy hoàn toàn tự nhiên, giữ được những dưỡng chất thiết yếu, thích hợp cho mọi hình thức vui chơi dã ngoại, vận động thể chất, bổ sung chất khoáng, chất xơ và đặc biệt phù hợp với chế độ ăn kiêng.
Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát và giữ kín gió khi sử dụng.
...
Không thấy nói năng gì đến cách sử dụng ngoài việc giữ kín gió, mà ở Đức chỉ mùa hè, tháng 8, mới BBQ party ngoài vườn được, hiện giờ ra đường còn bịt kín mít nói chi đến ra vườn nấu chè "ngon ngất ngây". Nếu không tin, xin xem hình:


Nồi chè "khoai lang hạt sen mới lạ" giờ thành nồi ... "Súp-Bà-Lão, ăn không cần nhai, nuốt không sợ nghẹn". Đổ thì sợ phí của giời, mười đời chẳng có. Múc 2 chén lên bàn, ông xã hỏi:
- Món gì thế ?
Gãi gãi đầu:
- Chè "Trí-Tuệ-Tuyệt-Đối"

Montag, 18. April 2016

Màu trắng hoa sim


Cuối tuần phải on-lai để làm ố-vờ-tai (chú thích 1: là làm việc ngoài giờ chứ không phải lấy ráy tai ai đâu ạ !), buồn tình lang thang phết-bút thấy thằng bạn pốt (chú thích 2: là đăng tải, "úp" lên, chứ không phải nó gốc cam-bu-chia theo pôn-pốt đâu ạ !) hình thời Bảo Đại đi xe hơi ba bánh (chú thích 3: vì thời đó kỹ nghệ ô-tô còn kém, đường phố Sàigòn còn thô sơ, lắm ổ gà, nên mới chạy được vài vòng là hư một lốp rồi). Chợt nhận ra mái tóc à la "gáo dừa" của con bạn mình. Hối hả i-meo cho nó khoe:
... Ối, mắt tao còn tinh lắm mày ạ, hình bé tẹo mà tao nhận ra Audrey Hepburn ngay đấy ! ...

Nó gật gù:
... Ờ, mày hay thật đấy !  Hồi nhỏ mẹ tao cắt tóc cho tụi tao kiểu đấy không hà. Quảng cáo thêm: áo đầm tụi tao mặc là do mẹ tao tự may luôn đó. Hồi xưa cái gì cũng phải tự làm cả ...
Tôi:
... Xời ơi, nhà mày chỉ có Audrey Hepburn và Grace Kelly, nhà tao tới 4 Thị Mẹt, mỗi lần xuất quân là dàn hàng một kiểu tóc, một kiểu áo, một màu đồng bộ, trông như sinh vật cờ-lôn (chú thích 4: ở Việt nam gọi cô cừu non Dolly là động vật nhân bản) ...


Chưa bàn đến việc mẹ tôi ưa hoa hòe hoa sói, xanh đỏ tím vàng, lại chuộng mốt cổ lá sen. Nhưng hình như mẹ tôi không khéo tay lắm nên tai bèo của mấy cái áo tôi mặc nó cứ dài dài trông như tai chó í.
Lại nhớ mẹ tôi mê mấy nữ minh tinh màn bạc lắm. Coi phim thấy bà đầm xình ra mốt nào là búp bê Thị Mẹt có ngay bộ ấy. Khổ nỗi thời ấy toàn phim đen trắng, mẹ tôi chỉ lấy mẫu, không bắt chước được màu nên áo đầm mốt chấm thập niên sáu mươi thì lên thành bộ màu đỏ choét chấm trắng, quần cụt áo cánh thể thao tươi mát của Doris Day thì tím cả chiều sim, tím chiều hoang ... lìm lịm.

Mốt Áo-Gấm-Quần-Tay-Cầm

Mốt Áo-Dã-Ngoại-Doris-Sim-Tím

Mốt Áo-Đầm-Twiggy-Xếp-Nếp-Giữa

Duy nhất trong ký ức thời trang Thị Mẹt tôi nhớ được sở hữu một chiếc váy đầm màu trắng tinh khôi, không hoa hòe hoa sói, có tới mấy lớp voan mỏng như sương khói ở thôn Vĩ Dạ của Hàn Mạc Tử. 
Số là ngoại tôi cho tôi đi theo dự tiệc có bánh Tây, kẹo Tây, sữa Tây, tức là trước khi ăn phải xổ tiếng Tây La Fontaine là nước phông tên.
Hồi đó, trong khi bạn bè đã đọc truyện Victor Hugo tôi vẫn là con ve sầu suốt ngày chỉ biết ê a ca
La Cigale, ayant chanté
Tout l'été .
..

Vậy chứ tôi lại có tài khoa chân múa tay như khỉ nên diễn tả bài này "đạt" lắm, chẳng hạn như khi đọc câu:
Quand la bise fut venue ...
Đến kỳ gió bấc thổi
...

là tôi dúm dó người lại như đang ở trên đỉnh núi Phú Sĩ, thế là quan khách vỗ tay đốp đốp và ngoại tôi hể hả gật gù. Mà đi dự tiệc "Tây" thì không thể mặc áo tai chó màu hoa cà được nên ông ngoại đưa tiền dặn dò bố tôi chở đi mua một chiếc áo đầm cho ve sầu vì biết nếu để mẹ tôi lựa thì ve sầu sẽ hóa thành con bọ rùa cốc-xi-nen đỏ chấm đen ngay.

Áo đầm Vĩ Dạ
 (tặng hoa bà Kiều Hạnh)



Hôm xúng xính áo mới là ngày hạnh phúc nhất trong sự nghiệp người mẫu thời trang của tôi.
Và hôm mẹ tôi bán chiếc áo ấy, một phần vì tôi không còn mặc vừa, cũng không còn cơ hội để dúm dó trên đỉnh Phú Sĩ Sơn nữa và nhất là cần tiền mua gạo, là hôm u sầu nhất đời ve.
Có lẽ vì vậy tôi chỉ thích màu trắng.

Mittwoch, 13. April 2016

Căn cước ... công dân

Sáng nay con bạn ở Việt Nam i-meo:
... À, cho mày biết, chứng minh nhân dân ở đây từ đầu năm 2016 này đã được đổi tên thành "căn cước công dân" rồi. Giống như tên gọi cũ nhưng phải cố thêm chữ công dân cho nó thành mới, hehehe ...

Trả lời nó:
... yeah yeah yeah, I love "gót chân" ....

Chắc các bạn sẽ thắc mắc tại sao tôi lại trả lời "Tôi yêu gót chân" thế nhỉ ?
Số là tôi từng than phiền với nó tôi dịch báo từ tiếng Đức sang tiếng Việt đôi khi phải dùng những chữ hiện nay được sử dụng ở Việt Nam bởi nếu dịch Passport là "sổ thông hành" thì chắc hai phần ba người Việt ở Đức sẽ vất báo vô thùng rác vì không hiểu nội dung muốn nói gì, mặc dù chữ "hộ chiếu" đúng ra chỉ là một "tờ" giấy thông hành tức là một mẩu "Visa", không phải nguyên quyển sổ nhỏ có tấm hình 4x6 nhìn như tội phạm, mắt trợn ngược, tai lòi như chó và khoảng vài chục trang chi chít dấu mộc xanh đỏ nhòe nhoẹt của những lần xuất nhập cảnh. 
Theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản năm 1954 "căn" là rễ, "cước" là chân, căn cước là rễ cây, là
Gót chân hồng (hồng viết nhỏ, không viết hoa) đi giữa cỏ non
Ôi quê hương, ôi quê hương, yêu thương mặn nồng
(Hoàng Thi Thơ: Gót hồng trên con đường đất)


Nghĩa bóng nói gốc tích, mỗi người đều có giấy căn cước. Căn cước là chữ Nôm, không phải chữ Hán. Tôi dân võ biền, không học văn vì bên này học văn sẽ đói dù ở Đức cũng có ngành Ngôn Ngữ Học (Linguistik, Sprachwissenschaft), có thể chọn môn chính là ngôn ngữ vùng châu Á như tiếng Tàu, tiếng Phạn, tiếng Hindi. Tiếng Việt hình như chưa được đưa vào chương trình học ở đây, nhưng tôi yêu cái tiếng năm dấu hỏi ngã lộn tùng phèo này lắm. Tôi than thở với nó sao Hàn Lâm Viện Việt Nam toàn tiến sĩ, thạc sĩ mà nỡ lòng nào để "gót Hồng" (viết hoa) thành miếng giấy lộn ai xài cũng được bởi cái đuôi "công dân" có nghĩa là "người dân có công quyền trong nước", cũng từ chữ Nôm mà ra để chỉ cái gì thuộc về chung như ruộng ấy thuộc về công dân tức là "công điền".
Con bạn i-meo trả lời:
... Tụi nó đâu có học đâu, chỉ mua bằng thôi. Ở đây có câu "Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức". 
Chuyên tu là những suất học dành cho những người đang làm công việc của nhà nước, được cử đi học, vẫn được ăn lương. Sau này về làm việc lại, có thể được nâng bậc, nâng lương.
Tại chức là những nhân viên đang đi làm ban ngày, tối đi học thêm, lấy bằng cấp cao hơn ...
 
Nghe đâu chồng nó từng dạy lớp tại chức ở Nhạc Viện. Người ta lười học lắm, vào lớp thì đi trễ, học thì không tập trung, không tập dợt đàn nên lúc nào cũng dở èng ẹc, cuối kỳ thi thì mong qua được để lấy bằng. Bởi vậy chồng nó mới bỏ dạy ở trường nhạc, về tỉnh dạy, Người ở tỉnh phải bỏ tiền đi học, có người nghỉ dạy nhạc để đi học ... nhạc, cho nên họ chăm học, chịu khó, và biết đây là cơ hội hiếm có gặp được người chuyên nghiệp dạy cho nên chăm chỉ luyện tập.

Âm nhạc cũng như ngôn ngữ là văn hóa dân tộc. Tôi nhớ hồi nhỏ nhà tôi ở khu lao động, ba má tôi thấy tôi giao du mật thiết với đám con nít trong xóm ngày nào cũng ra rả dặn dò không được ăn tục nói phét vì như vậy là "mất văn hóa", còn mà đánh nhau u đầu sứt trán thì tha hồ, không cấm, tuy không giải thích tại sao nhưng theo tôi nghĩ dân tộc nào cũng biết uýnh lộn, uýnh càng hăng càng thu phục được nhiều lâu la, bành trướng lãnh thổ qua tới chung cư Đô Thành ở phía bên kia đường Phan Thanh Giản nên ba má tôi không cho đó là điều mất sĩ diện dân tộc.  
Đi du lịch cũng vậy, qua Paris mà "I do" là cô bán bánh mì chỉ ra công viên cho đi đánh đu ngay, còn mà muốn có miếng baguette giòn tan đúng hiệu parisienne là phải "ủy ma đàm, xin vú bờ le" bởi cô bán bánh mì cũng được ba má dặn phải trình "căn cước" mới bán, không dung túng dân đánh đu trong cửa tiệm bán đồ ăn (chú thích: không phải ủy nhiệm ai đi xin vú vế gì cả mà là "oui Madame, s'il vous plait" theo lối phát âm mang âm hưởng Nghệ của ngoại tôi do thời Pháp thuộc chỉ lèo tèo vài quan chức Tây còn thì toàn là Mít nên ngoại tôi nói sao họ cũng hiểu cả, không cần trau chuốt chi cho mệt).
Ậy, ậy, vài hàng "phiếm luận" cho đỡ sầu đời "thế thái nhân tình"
... gớm chết thay
Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy
Hễ không điều lợi, khôn thành dại
Ðã có đồng tiền dở cũng hay
Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi
Hẳn hoi không hết một bàn tay
Suy ra cho kỹ chi hơn nữa
Bạc quá vôi mà mỏng quá mây.
(Nguyễn Công Trứ)

Căn cước công dân phải xin ngay
Kẻo chúng bảo ông chân không giày
Hộ khẩu, hộ tịch thêm hộ chiếu
Căn cước ra chiêu chúng chết quay !!!
(Nguyễn Công Dân)

Có cái câu gì gì "Reddite ergo quae sunt Caesaris, Caesari" hình như tiếng Đức là "Gib Cäsar, was Cäsar gehört" đại khái "trả cho Caesar cái gì thuộc về Caesar". Cuối cùng thì chứng minh nhân dân cũng quay về với nguồn gốc rễ cây căn cước của nó. Nhưng trả dư thế này không biết Caesar nghĩ sao nhỉ ?


Freitag, 1. April 2016

Cây cà rem

Số là tôi có ca cải lương

Xin cho em một chiếc xe đạp
Xe xinh xinh để em đến trường

mượn bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy xòe nón xin tiền lẻ sắm xe đạp cho mấy em học sinh nghèo ở xã Duy Thu thuộc huyện Duy Xuyên (Quảng Nơm), nơi có lăng của hai bà hoàng hậu triều Nguyễn, một bà là nàng dâu Đoàn Thị Ngọc, một bà là mẹ chồng Mạc Thị Giai, hai lăng có tên từa tựa nhau là lăng Vĩnh Diên và lăng Vĩnh Diễn (người Việt mình đôi khi không thích hoa hòe hoa sói, đặt tên kiểu này cho con cháu sau này đầu óc thông minh còn trống chỗ mà nhớ số điện thoại bồ nhí chứ mà lưu lại trong mô-bai vợ nó thấy thì chỉ có mà cạp đất).

Nhưng tất cả những điều này chỉ là phần phụ đề, phần chính tôi muốn kể có tựa "Cây cà rem".

Ở bên này thường các tỉnh lẻ như chỗ tôi đang sống tiệm kem chỉ mở cửa mùa hè, mấy mùa khác chủ cho thuê mặt tiền bán kẹo, bánh, súc-cù-là vớ vẩn độ nhật. Khác ở Sài gòn. Kem muôn năm. Kem vạn tuế ! Trước 75, cuối tuần ba tôi hay chở tôi đi ăn kem Brodard ở đường Nguyễn Huệ. Cục kem dừa bé tí nên ăn hoài vẫn thấy thèm. Nhưng ba tôi không bao giờ gọi thêm ly thứ hai, cũng không cho liếm với lý do rất đơn giản à la Vĩnh-Diên-Vĩnh-Diễn: khách không ai làm thế trong tiệm (chú thích: tôi có quay ngang quay dọc để kiểm chứng thì thấy quả đúng là vậy, trừ cô bán kem đang lè lưỡi liếm cái muỗng vừa mới dùng để múc ly kem dừa cho tôi), nên mãi cho đến bây giờ cái hương vị kem dừa đó không tiệm kem nào ở đây có thể đọ được vì nó đóng cục ở một góc thần kinh não của tôi mất rồi .
Sau 75 tôi mất nhiều thứ lắm, nhưng cái mất quan trọng nhất là lời hứa của ba tôi sắm cho một "xe xinh xinh để em đến trường". Vốn nhà tôi duy nhất chỉ có một chiếc xe đạp loại dành cho con nít đạp chạy loăng quăng trong vườn Tao Đàn hôm nào không được đi thăm cô bán kem lưỡi dài ở đường Nguyễn Huệ. Ba tôi hứa sẽ mua cho tôi chiếc xe đạp "mini" nếu cuối năm được xếp hạng cao trong lớp. Năm đó là năm đầu của trung học. Vì không quen với cách học kiểu mỗi môn một thầy khác nhau, không quen với hệ số 20, không quen với toán học trừu tượng nên tôi hồi hộp tưởng vỡ tim mỗi lần cô giám thị đi từng lớp phát bảng danh dự, tôi biết "dày mặt" xin cọp-giê bài, biết hối lộ bạn để chép đáp số, tất cả chỉ với hy vọng không phải đạp chiếc xe có hai cái bánh bé cỏn con kia đến trường.
Con gái đang tuổi mới lớn, "tóc xõa bờ vai (vì không có tiền đi cắt) một người con gái đứng nghiêng nón chờ" (bài Trên nhịp cầu tre của Khánh Băng) ... xe buýt, tôi thà chết chứ nhất định không đạp xe nhi đồng đến trường. Khổ nỗi, tiền vé xe buýt mẹ tôi phát mỗi ngày đủ mua một cây kem chuối. Thời đó cô bán kem lưỡi dài chắc dọn về Pháp bán súc-cù-là độ nhật nên kem chuối ra đời bán đắt hơn tôm tươi. Vừa rẻ, vừa chả cần bàn ghế sang trọng, chỉ cần nhà có cái tủ lạnh có ngăn đá là "kinh doanh" được rồi. Sáng sáng tôi đứng đợi xe buýt ở đường Hồng Thập Tự, mắt dáo dác nhìn xem có đứa bạn nào đạp xe ngang qua thì ngoắc. Hôm nào may mắn được đi ké, ngồi ở đằng sau ba-ga là hôm đó chắc mẩm có kem ăn vì tan trường tôi sẽ không đi xe buýt mà cuốc bộ về dưới cái nắng gay gắt của Sài gòn bởi đã đủ sở hụi cây kem. Chắc các bạn sẽ thắc mắc tại sao buổi sáng tôi không đi bộ luôn cho rồi. Thưa rằng, đi bộ thì sẽ trễ học, chưa kể nếu mà mẹ tôi thấy đi bộ được sẽ cúp luôn tiền xe buýt thì lấy tiền đâu ra ăn kem đây ?
Hạnh phúc hơn cô bé bán diêm là tôi vừa ăn kem vừa mơ "xe xinh xinh để em đến trường", không phải chết cóng bên vỉa hè. Nhưng tôi và cô bé bán diêm giống nhau ở giấc mơ không bao giờ thành sự thật. Bây giờ tôi có thể tự sắm cho mình chiếc xe đạp bánh to dềnh dềnh, đạp nhẹ như bâng, lao vèo vèo không thua xe gắn máy. Nhưng đó không phải là chiếc xe tôi hằng mơ ước, không phải

Từng vòng, từng vòng xe
Là vòng đời nhỏ bé
Đạp bằng bàn chân gót đỏ hoe ...

Gót chân tôi giờ da chai sạn tuổi đời, chỉ biết đạp ga, sang số. Làm gì có

Từng kỷ niệm êm ái
Chở về đầy trên chiếc xe này !

Hôm nọ nhìn đứa con gái lọ mọ đạp chiếc xe đạp cũ mua lại của cô bạn, tôi ý tứ hỏi dò (chú thích: hỏi thẳng sợ nó đòi mua xe chạm đá hột Swarovski thì bỏ bu) xem nó có muốn một chiếc "xe xinh xinh để em đến trường" không, thì nó thản nhiên nhún vai trả lời trống không (chú thích: bên này không có dạ thưa gì sất, hôm nào nó dạ thưa là phải bật đèn báo động, nắm chặt túi tiền ngay):

- Xe cũ khỏi sợ mất !

Ừ nhỉ !

Không có xe càng khỏi sợ mất hơn và cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi những cái ba-ga thân ái của mấy đứa bạn, nhớ hương vị kem chuối, nhớ con đường Trần Quý Cáp, Phan Đình Phùng trưa nắng chói chang và chiếc xe đạp nhi đồng hai bánh màu xanh nước biển.

 
Swarovski bike