Mittwoch, 13. April 2016

Căn cước ... công dân

Sáng nay con bạn ở Việt Nam i-meo:
... À, cho mày biết, chứng minh nhân dân ở đây từ đầu năm 2016 này đã được đổi tên thành "căn cước công dân" rồi. Giống như tên gọi cũ nhưng phải cố thêm chữ công dân cho nó thành mới, hehehe ...

Trả lời nó:
... yeah yeah yeah, I love "gót chân" ....

Chắc các bạn sẽ thắc mắc tại sao tôi lại trả lời "Tôi yêu gót chân" thế nhỉ ?
Số là tôi từng than phiền với nó tôi dịch báo từ tiếng Đức sang tiếng Việt đôi khi phải dùng những chữ hiện nay được sử dụng ở Việt Nam bởi nếu dịch Passport là "sổ thông hành" thì chắc hai phần ba người Việt ở Đức sẽ vất báo vô thùng rác vì không hiểu nội dung muốn nói gì, mặc dù chữ "hộ chiếu" đúng ra chỉ là một "tờ" giấy thông hành tức là một mẩu "Visa", không phải nguyên quyển sổ nhỏ có tấm hình 4x6 nhìn như tội phạm, mắt trợn ngược, tai lòi như chó và khoảng vài chục trang chi chít dấu mộc xanh đỏ nhòe nhoẹt của những lần xuất nhập cảnh. 
Theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản năm 1954 "căn" là rễ, "cước" là chân, căn cước là rễ cây, là
Gót chân hồng (hồng viết nhỏ, không viết hoa) đi giữa cỏ non
Ôi quê hương, ôi quê hương, yêu thương mặn nồng
(Hoàng Thi Thơ: Gót hồng trên con đường đất)


Nghĩa bóng nói gốc tích, mỗi người đều có giấy căn cước. Căn cước là chữ Nôm, không phải chữ Hán. Tôi dân võ biền, không học văn vì bên này học văn sẽ đói dù ở Đức cũng có ngành Ngôn Ngữ Học (Linguistik, Sprachwissenschaft), có thể chọn môn chính là ngôn ngữ vùng châu Á như tiếng Tàu, tiếng Phạn, tiếng Hindi. Tiếng Việt hình như chưa được đưa vào chương trình học ở đây, nhưng tôi yêu cái tiếng năm dấu hỏi ngã lộn tùng phèo này lắm. Tôi than thở với nó sao Hàn Lâm Viện Việt Nam toàn tiến sĩ, thạc sĩ mà nỡ lòng nào để "gót Hồng" (viết hoa) thành miếng giấy lộn ai xài cũng được bởi cái đuôi "công dân" có nghĩa là "người dân có công quyền trong nước", cũng từ chữ Nôm mà ra để chỉ cái gì thuộc về chung như ruộng ấy thuộc về công dân tức là "công điền".
Con bạn i-meo trả lời:
... Tụi nó đâu có học đâu, chỉ mua bằng thôi. Ở đây có câu "Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức". 
Chuyên tu là những suất học dành cho những người đang làm công việc của nhà nước, được cử đi học, vẫn được ăn lương. Sau này về làm việc lại, có thể được nâng bậc, nâng lương.
Tại chức là những nhân viên đang đi làm ban ngày, tối đi học thêm, lấy bằng cấp cao hơn ...
 
Nghe đâu chồng nó từng dạy lớp tại chức ở Nhạc Viện. Người ta lười học lắm, vào lớp thì đi trễ, học thì không tập trung, không tập dợt đàn nên lúc nào cũng dở èng ẹc, cuối kỳ thi thì mong qua được để lấy bằng. Bởi vậy chồng nó mới bỏ dạy ở trường nhạc, về tỉnh dạy, Người ở tỉnh phải bỏ tiền đi học, có người nghỉ dạy nhạc để đi học ... nhạc, cho nên họ chăm học, chịu khó, và biết đây là cơ hội hiếm có gặp được người chuyên nghiệp dạy cho nên chăm chỉ luyện tập.

Âm nhạc cũng như ngôn ngữ là văn hóa dân tộc. Tôi nhớ hồi nhỏ nhà tôi ở khu lao động, ba má tôi thấy tôi giao du mật thiết với đám con nít trong xóm ngày nào cũng ra rả dặn dò không được ăn tục nói phét vì như vậy là "mất văn hóa", còn mà đánh nhau u đầu sứt trán thì tha hồ, không cấm, tuy không giải thích tại sao nhưng theo tôi nghĩ dân tộc nào cũng biết uýnh lộn, uýnh càng hăng càng thu phục được nhiều lâu la, bành trướng lãnh thổ qua tới chung cư Đô Thành ở phía bên kia đường Phan Thanh Giản nên ba má tôi không cho đó là điều mất sĩ diện dân tộc.  
Đi du lịch cũng vậy, qua Paris mà "I do" là cô bán bánh mì chỉ ra công viên cho đi đánh đu ngay, còn mà muốn có miếng baguette giòn tan đúng hiệu parisienne là phải "ủy ma đàm, xin vú bờ le" bởi cô bán bánh mì cũng được ba má dặn phải trình "căn cước" mới bán, không dung túng dân đánh đu trong cửa tiệm bán đồ ăn (chú thích: không phải ủy nhiệm ai đi xin vú vế gì cả mà là "oui Madame, s'il vous plait" theo lối phát âm mang âm hưởng Nghệ của ngoại tôi do thời Pháp thuộc chỉ lèo tèo vài quan chức Tây còn thì toàn là Mít nên ngoại tôi nói sao họ cũng hiểu cả, không cần trau chuốt chi cho mệt).
Ậy, ậy, vài hàng "phiếm luận" cho đỡ sầu đời "thế thái nhân tình"
... gớm chết thay
Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy
Hễ không điều lợi, khôn thành dại
Ðã có đồng tiền dở cũng hay
Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi
Hẳn hoi không hết một bàn tay
Suy ra cho kỹ chi hơn nữa
Bạc quá vôi mà mỏng quá mây.
(Nguyễn Công Trứ)

Căn cước công dân phải xin ngay
Kẻo chúng bảo ông chân không giày
Hộ khẩu, hộ tịch thêm hộ chiếu
Căn cước ra chiêu chúng chết quay !!!
(Nguyễn Công Dân)

Có cái câu gì gì "Reddite ergo quae sunt Caesaris, Caesari" hình như tiếng Đức là "Gib Cäsar, was Cäsar gehört" đại khái "trả cho Caesar cái gì thuộc về Caesar". Cuối cùng thì chứng minh nhân dân cũng quay về với nguồn gốc rễ cây căn cước của nó. Nhưng trả dư thế này không biết Caesar nghĩ sao nhỉ ?


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen