Montag, 28. Juli 2014

Người ngoại quốc

Tôi không sống ở Mỹ nên chẳng biết mở đầu câu chuyện "Viết về nước Mỹ" ra sao. Chả nhẽ kể chuyện khoa học giả tưởng à ? 
À, tôi có con bạn lấy chồng Mỹ. 

Nếu ai bảo tôi trúng số độc đắc chưa chắc tôi đã té ngữa ra như khi nghe tin nó lấy chồng ... Mỹ. Nó là đứa hiền nhất trong đám tặc nữ lớp tôi, lúc nào cũng mơ mơ huyền huyền như con thuyền không bến ấy. Vậy mà nó toàn làm chuyện "động trời" không thôi. Tôi trợn mắt khi đến nhà nó mượn bài về chép nghe má nó "bỏ nhỏ" rằng nó đã một mình dẫn đàn em đi vượt biên tối hôm qua rồi. Sang Mỹ ít lâu là nó lo được giấy tờ bảo lãnh ba má. Bây giờ được tin "thuyền mơ" ghé bến ... Long Beach, hỏi sao tôi không ngã chổng cho được ?

Tôi qua thăm nó nhưng để tiết kiệm chi phí tôi không ở khách sạn mà ở nhà ba má nó vì... nó cũng ở đó. Hổng phải hai vợ chồng nó vô gia cư mà trái lại tụi nó có một căn nhà to tổ chảng gần bãi biển, của ba má chồng tặng. Nhưng ở đó đi làm về hổng có cơm sẵn để ăn, con hổng có ai chăn, quần áo hổng có ai ủi. Thành thử mấy bữa qua thăm nó tôi được sống trong một đại gia đình khoảng hơn chục người (có nhiều bữa ăn tôi phải đi kiếm thêm ghế vì lũ em nó kéo bồ kéo bịch về trình diện ông bu bà bu), ba thế hệ, hai con chim què mà má nó cứu được từ mõm con mèo hàng xóm và một con chuột không biết ai cho con bé con gái của nó vào dịp sinh nhật. Nhưng chuyện tôi muốn kể ở đây không phải là chuyện nửa đêm muốn đi giải bầu tâm sự cũng phải ... rút số hay lúc đi chợ phải mang … bao bố theo mà những chuyện vui buồn ở "Trung tâm văn hoá Việt-Mỹ" này.

Thời gian ở đó tôi chỉ nghe má nó nói chuyện với con rể vì ba nó ... không nói tiếng anh. Cần chuyện gì thì ông tự động cho bà lên chức "thông dịch viên hữu thệ". Bà chỉ thích thất nghiệp nên kêu ông đi học tiếng anh và cố ý không bắt điện thoại khi rể gọi về. Ông nhấc máy:
- Hé lô ?
Ông cúp máy. Bà hồi hộp dọ hỏi:
- Ai gọi đó ông ? Hỏi gì vậy sao hổng thấy ông trả lời ?
Ông thản nhiên:
- Gọi nhầm số.
Mấy bữa sau thằng rể đòi đổi số điện thoại vì đường dây trục trặc, gọi về chỉ nói được một câu là bị gián đoạn.

Ông bà nuôi cháu theo kiểu Việt nam, lâu lâu lại dí vào tay cháu miếng sô cô la. Thằng rể sợ con ăn nhiều sâu răng, ném kẹo vào thùng rác. Bà buồn. Ông an ủi:
- Chấp nó làm chi, nó người ngoại quốc ...
Tôi đang ăn phì cười, cơm văng tùm lum:
- Dạ con xin lỗi hai bác, tại mắc miếng xương cá.
Ông bà ở đất Mỹ mà kêu dân bản xứ là người ngoại quốc.

Nói vậy chứ ba má nó thương thằng rể "người ngoại quốc" lắm. Ốm đau cũng rể chở đi khám bịnh, mua thuốc. Đi thăm bạn bè ở Chicago, Texas cũng rể mua vé máy bay, đưa đón ra phi trường. Người ta mượn tiền hổng chịu trả cũng rể đi đòi dùm. Chờ "thuyền mơ" hay mấy đứa em của "thuyền mơ" thì có mà mòn mỏi nơi đại dương.


Con bạn tôi là "thuyền mơ" chứ con gái nó thuộc loại "hàng không mẫu hạm", muốn gì là đòi cho bằng được mới nghe. Hai vợ chồng nó dạy con kiểu Mỹ. Tự do ngôn luận. Ai nói giỏi, nói hay, người đó thắng. Con nít nó có một bí kíp mà ta nên tìm để tu luyện vì nó sẽ đưa ta đến đỉnh cao trí tuệ loài người. Bí kíp này chỉ vỏn vẹn một chữ:
- Why ?
Còn muốn học cách phá bí kíp này thì bạn phải hỏi ba của "thuyền mơ".
- Ông ngoại nói hông được là hông được, hổng có quai quái gì hết ...
Đôi khi tôi cũng đồng ý với ông ngoại, một phần vì trình độ tiếng anh của tôi không đủ để đánh võ tay đôi với „hàng không mẫu hạm“ và vì tôi cũng không đủ kiên nhẫn đi tìm chiếc dép cho cái "quai" của nó.

Chồng "thuyền mơ" sợ mập nên chỉ uống sữa "low fat", chưa kể còn pha thêm nước vào nên ly sữa có màu lợ lợ như nước vo gạo. Ba nó không uống sữa cũng không uống nước vo gạo nên ông đổ xuống cống. Rể tiếc nước vo gạo thở dài. "Thuyền mơ" làm sứ giả hòa bình:
- Trong sữa có nhiều vitamins ba à, bổ xương, cũng tốt cho cả người già ...
Ông thôi không đổ nước vo gạo nữa nhưng cũng không uống sữa. Chắc ông bị tự ái vì con nó chê ông già.

Tôi chất vấn em trai "thuyền mơ":
- Em dấu bạn gái đâu kỹ thế ?
- Ba em hổng ưa gái Mỹ.
Tôi nheo mắt chọc nó:
- Ưa má em thôi chớ ! Còn em ? Con gái Việt nam chê em hả ?
Em trai "thuyền mơ" cao ráo, dễ coi, nếu không muốn nói là tương đối điển trai.
- Gái Mỹ nói "no" là ... chấm hết, gái Việt nam thì chấm hỏi, chấm phẩy, chấm than, chấm chấm chấm … có trời mà biết.
Chắc nó sợ chấm sai dấu nên sau này lấy vợ là một cô giáo người Mỹ. Lễ cưới cũng đầy đủ thủ tục, trầu cau lễ mễ. Phải công nhận con gái Mỹ mặc áo dài khăn đống có kém phần thướt tha vì dáng đi hơi "hùng dũng", nhưng bàn về nét thẫm mỹ thì không chê vào đâu được bởi thân hình cân đối, đâu ra đấy.

Má "thuyền mơ" qua Mỹ học đậu bằng lái xe mới chì chớ tuy bà chỉ lái "đường trong" thôi chứ không bao giờ dám mò ra xa lộ. Bà lái xe đi chợ, đi đón cháu, ra bưu điện, nhà băng v.v. Bà rành đường hơn cả "thuyền mơ" nữa. Má "thuyền mơ" là hình ảnh người mẹ Việt nam trên đất Mỹ. Bà giống như cái swing-door, không có khóa, không có núm cửa, một mặt Mỹ, một mặt Việt, chỉ cần lấy vai thúc nhẹ là ta đã sang phía bên kia rồi. Có chuyện gì cần tư vấn là tôi lại được nghe một câu quen thuộc:
- Hỏi má đó !

Ngay cả chồng "thuyền mơ" cũng rất trân trọng ý kiến của bà. Bà hay nói nhờ thằng rể bà mới có cơ hội thực tập tiếng Mỹ nhưng thực ra là chồng "thuyền mơ" phải thực tập với bà để được bà chỉ bảo nhà hàng nào ăn ngon, tiệm giặt ủi nào giá rẻ, miếng đất nào nên mua ... Rể bà làm chủ một khu thương mại có vài cửa hàng nho nhỏ, cũng có cho người Việt thuê mở tiệm buôn bán. Người Việt mình đôi khi không sòng phẳng, giao kèo ký xong lại đòi giảm giá thuê, bớt tiền điện, khất khoản đặt cọc v.v. Thay vì ra luật sư thưa kiện, thằng rể chỉ cần gửi má vợ đi giao dịch:
- … rể tui nó người ngoại quốc ...
Cái câu nói ngộ nghĩnh đã từng làm tôi "mắc xương cá" này vậy chứ đôi lúc gây được hiệu quả bất ngờ.

Những ngày giỗ chạp cả gia đình "thuyền mơ" quây quần bên bàn ăn, xương gà, xương vịt vứt lổng chổng, tôi đôi lúc quên béng mình đang ở Mỹ nếu thỉnh thoảng trong những mẩu đối thoại không lạc vào mấy chữ:
- ... người ngoại quốc ...

July 2009
Aza Lee

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen