Montag, 28. Juli 2014

Tết thầy

Mùng một là Tết nhà cha
Mùng hai nhà mẹ, mùng ba nhà Thầy

Nếu ngày lễ Giáng sinh là ngày lễ quan trọng nhất đối với người đức thì ngày Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người việt mình.

Người đức mừng Giáng sinh chỉ có 2 ngày là ngày 25 và 26 tháng 12. Người việt "ăn" tết đến 3 ngày lận. Theo phong tục việt nam thì ngày mùng một là ngày các con cháu đến thăm ông bà, họ hàng bên nội, ngày mùng hai dành cho bên mẹ. Ngày mùng ba là ngày học trò đi thăm thầy cô. Người việt chúng ta từ bao nhiêu đời đã được giáo huấn rằng "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", không phải là "một ngôi chùa có một ông sư, bán ngôi chùa còn một ông sư" đâu nhá, mà có nghĩa ai dạy mình một chữ là thầy của mình, nửa chữ cũng là thầy. 

Tôi còn nhớ hồi tôi còn bé, năm nào cũng vậy, đến ngày mùng ba tết là ba tôi lại chở tôi trên chiếc xe vespa cũ kỹ mà mỗi lần rồ ga nó phun khói đen mịt mù cả lên để đi "tết thầy". Tôi ngồi đằng sau, một tay ôm bụng ba tôi để đề phòng những lúc ba tôi thắng gấp, một tay ôm gói quà mà mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn để biếu thầy cô. Năm nào làm ăn khấm khá thì quà biếu sẽ trang trọng hơn như có thêm hộp bánh tây, chai rượu vang đỏ, còn những năm nhà tôi kinh tế eo hẹp thì quà chỉ là chục quả xoài, bánh chưng v.v... Vui nhất là lúc đến nhà thầy cô sẽ gặp các bạn học chung lớp, chung trường. Nhà thầy cô ngày mùng ba tết trở thành ngôi trường thu nhỏ, không có phấn bảng, không có bài vở, chỉ có những nét mặt rạng rỡ của đám học sinh và nét mặt vui tươi của thầy cô (ghi chú của người viết: rất hiếm thấy vì ở trường thầy cô bao giờ cũng phải giữ vẻ nghiêm nghị của các nhà mô phạm cả, vì nếu không thì lũ học sinh chúng tôi sẽ "nhờn mặt" ngay). 


Cái phong tục ấy đã in sâu vào tâm hồn tôi, cho đến nỗi tới khi qua bên này rồi tôi vẫn giữ cái thông lệ rất việt nam ấy. Nhưng người đức không có "tết thầy". Ngày lễ Giáng sinh họ chỉ dành cho gia đình mà thôi (có lẽ vì thế họ "ăn" Giáng sinh chỉ có 2 ngày chăng?). "Tết thầy" là một phong tục có ý nghĩa (mặc dù đa số các bậc phụ huynh hay lợi dụng để ... đút  lót thầy cô, hy vọng nhờ vậy con mình sẽ có một phiếu điểm tốt hơn). Người đức không có tục lệ này đâu có nghĩa là tôi phải bỏ đi cái lễ nghi đẹp đẽ đã có từ thời .... xa xôi lắm (ghi chú của người viết: xin độc giả tha thứ sự thiếu sót về chi tiết này, vì  tôi tìm mãi mà không thấy có tài liệu nào ghi chép về xuất xứ của "tết thầy" cả). 

Vào dịp lễ Giáng sinh tôi cũng chuẩn bị cho con tôi những món quà để "tết thầy". Năm đầu tiên "tết thầy" con tôi dẫy đành đạch lên và bảo: "con không làm đâu, các bạn đâu có ai làm". Tôi phải đem hết "quyền huynh thế ... lực" (ghi chú của người viết: có nghĩa là ...ra lệnh, hăm dọa v.v.) để ép nó đem quà đến "tết thầy". Nhưng chỉ là đem đến trường thôi vì bên này không có tục lệ đến nhà thầy cô. 

Không biết con tôi sau lần "tết thầy" ấy có được xôi cháo gì không (tức là có được thầy ưu đãi gì hơn không), nhưng đến năm sau, do bận bịu việc làm trong sở tôi quên khuấy đi mất vụ "tết thầy", thì con tôi tự động đến bên tôi hỏi :
- Mẹ mua quà để "tết thầy" chưa ?

Rau má (01/2007)

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen