Montag, 28. Juli 2014

Tản mạn hoa đào

Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nên hình ảnh ngày Tết đối với tôi là những cành mai vàng rực rỡ . Thậm chí nhà tôi cũng có trồng một cây mai Tứ Quý. Mỗi độ xuân về ba tôi lại cặm cụi cắt cành, tỉa lá để có những chùm bông mai thật to, rộ lên vào sáng mồng một. Nhưng tôi không thích hoa mai cho lắm, có lẽ vì màu hoa rực rỡ quá, chọi hẳn với màu đỏ của mấy câu đối Tết và màu lá dong của bánh chưng xanh. Từ ngày còn bé tôi đã mê hoa đào. Ở miền nam không có hoa đào. Mẹ tôi học trường sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học được bổ nhiệm về Đà Lạt nên tôi vẫn nhớ mãi những cành đào dại mọc trên con đường đèo đi đến

Phố núi cao, phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương …
(Thơ : Vũ Hữu Định - Phổ nhạc: Phạm Duy)

Những cành đào dại này hoa chỉ phơn phớt hồng, cánh hoa nhỏ và thưa, cành thì uốn lượn đủ kiểu trông rất lạ mắt. Nó làm tôi quên đi nỗi sợ hãi khi phải đi qua những ngọn đèo quanh co, vực sâu hun hút nhìn không thấy đáy. Nhưng tôi chỉ được ngồi trên xe đò ngắm mà thôi chứ chưa hề được cầm một cành đào dại trong tay.

Ông ngoại tôi hay kể tôi nghe về quê hương đất bắc mà trong trí óc non nớt của tôi nó xa lắc xa lơ tôi không thể nào tưởng tượng ra nổi. Nhưng tôi lại hình dung ra được một cảnh chợ hoa với màu hồng thắm của những cành đào trong mấy tấm hình đen trắng đã ngã sang vàng ố mà ngoại tôi còn lưu lại. Mấy chuyện kể của ngoại tôi luôn có bóng dáng hoa đào trong đó. Tôi có lần dám hỏi ngoại có thầm thương trộm nhớ cô gái Hà thành nào không (bà ngoại tôi quê ở Nghệ An) thì bị ngoại tôi cú một phát vào đầu đau điếng.


Ông ngoại tôi rất phong kiến nên dù di cư vào nam đã lâu ngoại tôi vẫn giữ những phong tục ngày tết ở miền bắc như phải có nồi thịt đông ăn với dưa chua, chè kho, bóng xào v.v… Chỉ có hoa đào là ngoại tôi chịu chết, không kiếm được ở đâu ra. Ngoại tôi nói rằng ngoại không phải là dân chơi hoa nên cũng không sành về đào lắm, nhưng hoa đào ở "miền bắc xa lắc xa lơ không tưởng tượng ra  nổi" của ngoại có lẽ xuất xứ từ bên Trung Hoa nhưng chắn chắn không phải là hoa đào có nguồn gốc ở xứ Phù Tang vì Tàu và Nhật vốn không ưa nhau thì hoa đào Nhật không thể chấp cánh bay qua Tàu được. Còn Nhật với Mỹ thì tuy quan hệ có bị trục trặc vì mấy quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki nhưng không có hiềm khích dân tộc nên Nhật sẵn sàng tặng Mỹ vài cành anh đào đem về làm kiểng ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Ngay cả ở Đức lễ hội hoa anh đào của đất nước mặt trời mọc đã từ lâu trở thành một phần trong nền văn hóa của họ. Hàng năm vào tháng năm ở vài thành phố như Hamburg, Düsseldorf người Đức và người Nhật sinh sống ở đây cùng tổ chức ăn mừng lễ hội hoa đào kèm theo nhiều hoạt động văn hóa khác.
Tuy không có cảnh rừng đào núi Phú sĩ nhưng ta thấy như đang ở Nhật bản với các món Sushi, các môn võ thuật Judo, Karate, Sumo, nghệ thuật bắn cung Kyudo, hay những người hóa trang thành Samurai, Manga v.v. Lễ hội bao giờ cũng kết thúc bằng một màn bắn pháo bông thật đẹp trên dòng sông Rhein ở Düsseldorf hay sông Alster của Hamburg.

Tôi chưa có dịp sang xứ Phù Tang để thấm hiểu được ý nghĩa của câu

A flower is a cherry blossom, a person is a Samurai
Nếu là hoa, xin làm hoa anh đào, nếu là người, xin làm một võ sĩ đạo

vì tất cả các loài hoa đều rụng khi đã hoặc bắt đầu tàn, riêng hoa anh đào là loại hoa duy nhất rụng ở độ còn đang tươi thắm, cũng như người võ sĩ đạo sống là phụng sự hết mình và biết chết một cách cao đẹp. Tôi cũng chưa hề đặt chân đến thủ đô Hoa Kỳ để thưởng thức cảnh hoa đào nở bên dòng sông Potamac và cũng chưa thấy hoa đào của Thôi Hộ:

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
(Đề Tích Sở Kiến Xứ)

Dịch là
Năm ngoái ngày nầy qua cánh song
Đào hoa phản ánh má ai hồng
Người xưa nay đã về đâu nhỉ!
Chỉ thấy hoa cười trong gió đông

Tôi không là tử sĩ Thôi Hộ vì thấy một tuyệt sắc giai nhân đứng dựa cành đào mà cảm xúc viết bài thơ gài vào cánh cửa rồi bỏ đi để Đào hoa nữ tương tư biếng ăn rồi chết. Thơ văn Trung Hoa nó cao siêu quá, nó xa lạ với tôi quá. Tôi chỉ nhớ những cành đào cười với tôi trên tuyến đường xe đò cao nguyên đèo heo hút gió và hoa đào trong ký ức một thằng bé con về "miền bắc xa lắc xa lơ không tưởng tượng ra nổi" của ngoại nó.

Khôi Nguyên
12/2010

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen