Montag, 28. Juli 2014

Rau muống

Nói đến rau muống thì ai cũng nghĩ đến "Việt nam quê hương tôi" vì rau muống là loại rau mà ta thấy nhan nhản ở việt nam từ nam chí bắc, ở đồng quê dưới dạng những ao rau muống xanh rì, ở thành phố qua những bó rau muống dù nằm chất chồng lên nhau ngoài chợ cũng xanh mươn mướt một màu. Rau muống từ lâu đã trở thành một loại rau "dân tộc"

Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
(ca dao)

Năm mười sáu tuổi tôi leo lên tàu đi tìm tự do, bỏ lại sau lưng cả trời kỷ niệm và những bó rau muống xanh rì ở chợ Bàn cờ.  Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố, "ao rau muống" chỉ hiện lên trong đầu tôi qua trí tượng tượng bởi những bài văn tả cảnh hay những hình ảnh trên ti vi chứ tôi chưa từng thấy ao rau muống bao giờ. Chúng tôi may mắn được tàu Đức vớt sau ba ngày lênh đênh trên mặt biển và đưa đến tạm trú tại đảo Galang thuộc nước Nam dương (Indonesia) trong khi chờ làm thủ tục đi định cư.

Ở đảo, hàng tuần ba anh em tôi được liên hiệp quốc phát gạo và đồ hộp đủ loại. Gạo thì khỏi nói rồi, đó là một loại gạo mỹ trắng phau, thơm phưng phức. Từ lâu tôi đã quen với bữa cơm pha lẫn khoai lang hay bắp, hoặc tệ hơn nữa là bo bo, vừa ăn vừa nắn lại hàm cho khỏi bị trẹo. Đồ hộp cũng đa dạng lắm, lúc thì thịt bò, thịt heo, có cả cá, rau đóng hộp v.v... Ăn đồ hộp đến tuần lễ thứ ba thì ông anh tôi chịu hết nổi vì bị ... táo bón nặng, nổi mụn tùm lum. Có nhiều gia đình lúc đi còn dằn túi được ít đô la nên họ có thể dùng tiền để mua rau tươi của người bản xứ ăn kèm vào những bữa cơm dã chiến. Ba anh em tôi thì ngoài bộ đồ mặc trên người mẹ tôi chỉ đủ sức gói thêm ít lương khô cho chúng tôi mang theo vì cả gia tài đã góp hết vào những chuyến đi vượt biên không thành rồi. 


Cái khó ló cái khôn. Cái … táo bón đã bắt anh tôi suy nghĩ để kiếm tiền mua rau vì chúng tôi như đã kể ở trên là dân thành thị nên không dám vào rừng hái rau rừng bởi chúng tôi sợ  ... chết oan mạng nếu ăn phải loại rau độc. Anh tôi bèn lên cao ủy xin làm thông dịch cho những người việt không biết tí tiếng anh nào để trả lời phỏng vấn. Nhưng cao ủy nói làm ở đây là làm thiện nguyện không lương và hỏi lý do tại sao ổng muốn đi làm. Ổng thành thực khai là vì bị ... táo bón triền miên chịu không thấu nên cần tiền mua rau ăn. Ông cao ủy phì cười và nói cái gì chứ cái đó thì ổng giúp được và kêu anh tôi đi làm thông dịch cho ổng rồi ổng sẽ chia cho một ít khẩu phần rau của ổng. Anh tôi ngu gì từ chối dù biết vốn anh ngữ mà mẹ tôi đã bỏ biết bao nhiêu tiền để ổng đi học thêm buổi tối chỉ xứng đáng bằng ... nửa bó rau. 
Buổi chiều sau hôm làm việc đầu tiên anh tôi lững thững đi về barrack miệng huýt sáo rất yêu đời và, như một cô dâu, trên tay anh tôi rạng ngời một .... bó rau muống. Lần đầu trong đời tôi mới nhìn kỹ cành rau muống lúc tôi ngồi cẩn thận lặt từng cọng rau xanh rì trong tay. Khác với rau muống việt nam, rau "cao ủy" to cọng, to lá hơn và đặc biệt là tôi phát hiện ra có cọng còn dính cả rễ và ... đất.

- Ngộ quá, em chưa thấy rau muống loại này bao giờ ?
Ông anh tôi xăm soi một hồi rồi kết luận:
- Chắc là rau Nam dương, xứ quần đảo ít nước nên phát sinh ra loại rau muống ... đất đó mà.
Rồi ổng phán một câu xanh rờn ... rau muống:
- Người Nam dương trồng được thì người Nam ta cũng trồng được. 

Thế là chúng tôi cả ba hăm hở ngồi nhặt những cọng rau muống còn rễ rồi đem ra khu đất trống nhỏ phía sau barrack cắm xuống. Ở đảo chúng tôi được phát nước ngọt để uống, còn muốn tắm nước ngọt thì phải ra suối tắm. Các gia đình có đàn ông lực lưỡng thì mấy ông chồng còng lưng đi xách nước suối về trại đổ vào thùng cho các cô, các bà tắm, vừa không sợ bị muỗi đốt vì ở suối muỗi bâu đen kín, nếu tắm ngay tại suối phải tắm thật nhanh, một tay cầm một cái ca để dội nước, tay kia thì ... đuổi muỗi, chân tay khoa loạn xị trông cứ như là sơn đông múa võ vậy, vừa không bị "lộ thiên" vì có phòng tắm là bốn miếng tôn quây lại tránh được những ánh mắt ... dê xồm của những ông chỉ muốn "em đi về cầu mưa ướt áo". 
Tôi thì làm gì được chế độ tắm nước "gánh về" ấy. Hai ông anh tôi cũng có gánh nước tắm nhưng là nước "gánh về" cho mấy cô "người yêu bé nhỏ của anh". Mười sáu tuổi tôi chưa có người yêu để "phục vụ" tôi mà chỉ có hai ông anh mà tôi phải phục vụ cơm nước dù chỉ là cơm cao ủy, gạo mỹ, đồ hộp. Chẳng những thế từ hôm có vườn rau muống tôi còn có thêm nhiệm vụ gánh nước từ suối về để tưới rau nữa.

Không hiểu vì mát nước suối mát tay tôi mà rau muống chúng tôi lớn nhanh như thổi, cọng nào cọng nấy mập thù lù chứ không mảnh mai như rau muống nước. Chúng tôi chia cho những người cùng ghe. Rồi họ cũng tự trồng. Rồi họ chia cho những người ghe khác. Đứng trên đồi nhìn xuống tôi thấy những luống rau muống xanh nho nhỏ trông như những đốm lang ben trên mặt người thanh niên đang lớn.

Rồi cũng đến ngày người thanh niên trưởng thành và đến ngày chúng tôi rời đảo đi định cư. Tôi không mang theo được một cọng rau muống nào dù chỉ để làm kỷ niệm. Vườn rau được "bàn giao" cho người còn ở lại. Sang bên này tôi không có cơ hội để gieo lại vườn rau muống vì những bó rau bán ở chợ á châu cũng xanh rì nhưng nó không có rễ, không có đất, không có người bị táo bón để khai sinh một loài rau muống ... lang ben. Mỗi lần cầm bó rau muống trong tay tôi lại bùi ngùi nhớ những cây rau muống đảo. Rau muống của tôi. Rau muống người vưọt biển.

Ái Thúng
Germany – 06/2009

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen