Mittwoch, 22. Juni 2016

"Ai-Bi" bên dòng sông Mơ ...


Hôm nọ tán gẫu với đám bạn chuyên bán lẻ trái cây dưa lê, dưa chuột, buôn "phao" câu vịt hoặc kinh doanh bánh "phồng" tôm, bắp rang "nổ", tự dưng một chị hớn hở khoe:
- Mai mốt con chị xong "Ai-Bi" là chị mở ngay cửa hàng Vina-Floß-Angel-Ente (tức là Việt-Nam-Phao-Câu-Vịt) tha hồ vi vút về Việt Nam em ạ !

Thấy tôi "ngơ ngác nai vàng" không gật gù tỏ vẻ muốn "bái sư tầm đạo" như mọi lần, chị bèn mở "Ai-Bát"[1] - hình như nhà chị gốc quý tộc, thuộc dòng họ vua Ai Vương nên chị toàn xài đồ của "Ai", ý tôi muốn nói là "Ai-Phồn", "Ai-Bát", "Ai-Tuôn"[2] chứ không phải chị xài đồ "chùa", tuy đôi khi chị hay mượn cái điện thoại di động cà tèng của tôi để quảng cáo bán lê bên dòng sông Mơ với lý do "Ai" của chị hết pin và tôi cuối tháng ngậm ngùi trả tiền "rôm"[3] mệt nghỉ - móng tay dài ngoằng như Từ-Hy thái hậu, sơn đỏ rực, quẹt quẹt trông điêu luyện không thua Victoria Beckham, chỉ chỉ vào trang web trường đại học Maastricht hững hờ bên dòng sông Mơ (Meuse) của vương quốc Hòa-Lan. Thì ra "Ai-Bi" là viết tắt của International Business, ngành Kinh tế Quốc tế. Ậy, cái gì chứ "Ai-Bi" bên dòng sông Mơ thì tôi còn lạ gì, chính tôi cũng là một trong những nạn nhân ... bi ai của ... "Ai-Bi" bên dòng sông Mơ ...

Bên dòng sông Mơ

Số là:
Đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi ở tuổi "trăng đến tuổi trăng tròn", lúc nào cũng ước mơ sau này theo ngành "Ai-Bi", "Ai" là international, là quốc tế, là toàn cầu, không chỉ buôn dưa lê ở Hồng-Kông, Nữu-Ước mà còn đến tận Công-Gô, Hóc-Bò-Tót. Muốn chen chân bán lê phải vào mạng, nộp đơn xin học cả nửa năm trước. Phân khoa kinh tế của đại học bên dòng sông Mơ này có tới bốn ngành bán dưa, ba là bán dưa "I", chỉ có duy nhất một bán dưa "Ai". Có lẽ do cận thị từ nhỏ nên với tôi "dao nào cũng là dao, dao phát cũng như dao cạo dài" (chú thích: tự động bỏ dấu từ câu "đạo nào cũng là đạo, đạo phật cũng như đạo cao đài"), lại thêm viết bằng thứ tiếng "Ai-Đồng-Nô"[4] nên tôi cứ thế mà bấm kịch kịch, năm phút là bán xong lê rồi. Hôm chuẩn bị nhập học bán lê, đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi tức tưởi:
- Má buôn sai lê rồi, hu hu hu, Ai-Bi, Ai-Bi ...

Tôi "bi" chứ ai. Lòng tôi tan nát. Thôi là hết "ai" đi đường "ai". Chỉ còn biết năn nỉ đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi ráng đi, thua keo này ta bày keo khác, năm sau mình "ngư ông Tái Ai bên dòng sông Mơ" vậy. Cũng xin nói thêm rằng nếu có "ai" kể năm đầu chương trình học bán lê giống nhau là tin của hãng Vina-Phao-Câu-Vịt mà sở hữu chủ là chị Cháu-Bắn-Cà-Nông-Không-Tới của Triệu Ai Vương kể ở khúc đầu, nhưng cũng may nhờ phao câu vịt mà đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi cắm cổ học ngày học đêm với hy vọng đá văng tên nào đó để chiếm đoạt cái chỗ bán lê "Ai-Bi" đầy bi ai này. Do "Ai Bi" đường mật dụ dỗ sẽ được đi bán lê ở ngoại quốc trước khi có bằng tốt nghiệp nên thiên hạ, trong đó có đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi, ùn ùn rủ nhau đi buôn lê bên dòng sông Mơ. Sau một lục cá nguyệt cổ rụt vì cắm nhiều quá nó khám phá ra dưa "I-Bi" (chú thích: là EB, là Economic Bussiness, là Kinh tế quản trị) cũng không dở, cũng được đi bán dưa dạo bên Cam-bu-chia như thường và vui vẻ kêu tôi
Cười lên đi em ơi
Hãy ngước mặt nhìn đời
Nhìn đổi thay ta vang tiếng cười
Ta không thèm làm người
Thà làm mây bay khắp phương trời

(Lê Hựu Hà)

Tôi không lên trời, tôi lên mạng tìm phòng để thúc thủ bên dòng sông Mơ vì dưa "I-Bi" khó bán hơn dưa "Ai-Bi", bài kiểm toàn hỏi vớ vỉn như "giả sử mua một ghe dưa lê ở chợ nổi Cái Răng, bán không được ở chợ Bến Thành, có đem vỏ dưa vứt xuống dòng sông Mơ được chăng ?" Bài kiểm sinh viên năm thứ nhất "Ai-Bi" sẽ vẽ hai ô vuông vỏn vẹn hai chữ "Yes", "No", xác xuất làm ô uế sông Mơ là 50-50, khỏi suy nghĩ bạc đầu, ta cứ thế mà quẳng vỏ dưa xuống sông.
"I-Bi" khác. Muốn ném dưa xuống sông phải nhìn ngang nhìn dọc xem có cảnh sát đứng rình đâu đó không, lỡ bị bắt quả tang phải biết phân trần "em chả, em chả", đưa giấy tờ chứng minh cái cô Vina-Phao-Câu-Vịt kia có thỏa thuận với Hội đồng chợ lê rồi đó thầy phú-lít[5] ạ, và không quên chìa "biêu"[6] là má em có trả tiền "rôm" của cổ rồi nè. Vậy mới êm chuyện.
Giá một căn phòng cũng không thua gì giá "rôm", trung bình 350 đến 450 đồng "oi"[7], tường mốc đen, đi "chồ"[8] phải nhớ mang theo giấy chùi vì ở chung với 6,7 em, không phải em nào cũng bán lê, đại học Maastricht còn đào tạo bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, tiến sĩ, thạc sĩ ... và nhiều loại sĩ diện khác (chú thích: "sĩ" và "diện" ở đây là hai chữ hoàn toàn độc lập không phải là từ kép, có nghĩa là sĩ diện y tức là ngành về sức khỏe, sĩ diện kỹ ngành về công nghiệp v.v., xin chớ hiểu lầm).
Chưa hết. Muốn được đi bán lê ở Sing[9] cho sang phải chen chúc đạp trái đạp phải vì chương trình dạy bán lê có cái gọi là "răng kinh"[10], tức là răng càng kinh càng được phép chọn đi bán ở chợ nào, chỉ cần nhe "răng" ra là có quyền chỉ tay vào bản đồ các trường bán lê ở ngoại quốc mà trong đó Nữu-Ước hình như một chợ chỉ có vài cửa hàng bán lê, "răng" phải nhọn hoắc mới chen vào chợ này được.
Đứa con gái đáng yêu nhất trên đời này của tôi còn đang tuổi kẹp răng, nó cười một cái hư hình hết trơn hết trọi vì đèn máy chụp hình bị phản ánh kim loại của bộ kẽm kèm răng. Nó nói răng con vầy đi bán lê ở Hàn quốc cũng được rồi má à, còn hơn đi Cam-Bu-Chia. Tôi hỏi rồi lê bán ế con quẳng xuống sông Hán[11] hả ? Nó cười thỏn thẻn:
- Hông đâu má, bữa hổm sau khi đưa tờ "biêu" của má ra, ông phú-lít "ấn-tượng" quá rủ con đi uống cà-phê, rồi ổng kể ổng sinh trưởng ở đây nên dưa ế ổng thầu lại, nghiền ra thành thức ăn xong đóng hộp bán cho hãng Vina-Phao-Câu-Vịt của cô Ba "Ai" đó má ! Chứ hổng có quẳng xuống sông nào hết má à, tội chết !
Thiệt là mừng hết lớn, dòng sông Mơ khỏi lo bị ô uế bởi đám hậu sinh "Ai-Bi".

Chợ nổi Cái Răng



[1] iPad
[2] iPhone, IPad, iTune
[3] roaming
[4] I don’t know
[5] police
[6] bill
[7] Euro
[8] tiếng lóng miền nam dùng chỉ việc đi ... đại tiện
[9] Singapur
[10] ranking
[11] sông Hangang ở Seoul

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen