Freitag, 5. Dezember 2014

Scarborough Fair ... phần tiếp theo

"Scarborough Fair" là một bài cổ ca (Ballad) của xứ Ireland xuất hiện vào khoảng năm 1670-1680, không ai biết tác giả, đã lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế kỷ, và vào thế kỷ thứ 20 bài cổ ca này vượt ra khỏi phạm vi các đảo quốc của United Kingdoms để đi đến tận cùng thế giới, trở thành một trong 10 bài cổ ca đuợc ưa chuộng nhất.
Bài hát nói về cuộc chiến mà người lính không hề biết nguyên do. Tuy xuất hiện rất lâu nhưng mãi đến năm 1966 cặp song ca Paul Simon và Garfunkel mới thật sự gây tiếng vang trên thế giới khi trình diễn bài cổ ca này. Và dân Việt Nam cũng biết đến nó kể từ năm ấy. Bài "Scarborough Fair" được nhạc sĩ Phạm Duy chuyển sang phiên âm tiếng Việt là bài "Giàn thiên lý đã xa".
Bài hát này đuợc chơi thường xuyên trong lớp 10C5 của trường Lê Quý Đôn Sàigòn ngày xưa, và "mợ" nào cũng thích cả, nhất là hai mợ Trang (Thu Trang, Minh Trang) và hai mợ Thúy (Cẩm Thúy, Ngọc Thúy). Nhưng thời đó đa số dân Việt Nam chỉ biết đến nó với tựa đề Pháp là "Chèvrefeuilles que tu es loin" và tựa đề Việt là "Giàn thiên lý đã xa". 

Thực sự nếu nói nhạc sĩ Phạm Duy dịch sai từ lời Anh thì không đúng. Đầu dây mối nhợ là bài hát tiếng Pháp "Chèvrefeuilles que tu es loin" do cô ca sĩ Hy Lạp Nana Mouskouri hát. Nhạc sĩ Phạm Duy dựa theo tựa tiếng Pháp mà đặt tựa Việt là "Giàn thiên lý đã xa", thiết tưởng không có cách nào dịch chính xác và nên thơ hơn cái tựa này của Phạm Duy (chúng ta cũng nên nhớ khi ông cư ngụ ở Midway City, California, ông thi vị hoá tên thành phố ông ở bằng "Thị Trấn Giữa Đàng". Khi ông dạy trong Quốc Gia Âm Nhạc, ông dạy môn Ngữ Nhạc, tức là cách đặt lời cho bài hát cho hay, mà muốn dạy môn này, người thầy phải có kiến thức ngữ vựng rất phong phú, và cả trường chỉ có một ông thầy dạy Ngữ Nhạc!).
Khi nhạc sĩ Phạm Duy dịch lời bài "Chèvrefeuilles que tu es loin" sang tiếng Việt, ông cũng cố gắng theo sát lời Pháp, đôi khi dịch phải theo ý của câu, và đôi lúc câu trước và câu sau bên phần Pháp ngữ thay đổi vị trí khi được chuyển sang Việt ngữ. Cho nên nếu bảo nhạc sĩ Phạm duy dịch sai lời Anh "Scarborough Fair" thì tội nghiệp cho ông quá, vì ông dịch từ lời Pháp.

Dưới dây là sự so sánh giữa lời Pháp của bài "Chèvrefeuilles que tu es loin" và lời Việt của bài "Giàn thiên lý đã xa", các phần 1,2, 3 và 4 ông phải bó buộc gò theo nền nhạc mà dịch đuợc lời và ý chính xác như vậy là quá hay rồi.

Chèvrefeuille que tu es loin
Nana Mouskouri

1/ Pauvre garçon qui pense au pays
Chèvrefeuille que tu es loin
Pauvre garçon que l'amour oublie
Un peu plus à chaque matin

2/ Veux-tu ma belle tailler pour moi
Chèvrefeuille que tu es loin
Une chemise dans les draps
Où naguère nous dormions si bien

3/Veux-tu me trouver un arpent de terre
Chèvrefeuille que tu es loin
Tout près de l'église au bord de la mer
Pour chanter mon dernier refrain

4/ Maintenant je sais que c'est la fin du soleil
Chèvrefeuille que tu es loin
Et je voudrais que ce soit toi ma belle
Qui m'enterre de tes propres mains

Giàn thiên lý đã xa 
Phạm Duy dịch lời Việt - Thanh Lan hát 

1/ Tội nghiệρ thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà
Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa
Đứa bé lỡ уêu, đã lỡ уêu cô em rồi
Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi

2/ Nàу nàng hỡi! nhớ maу áo cho người
Giàn thiên lý đã xa tít mù khơi
Tấm áo cắt ngaу, đã cắt trên khăn mượt mà
Là chiếc chăn đắρ chung những ngàу qua

3/ Tìm một miếng đất cho gã si tình
Giàn thiên lý đã xa mãi nghìn xanh
Miếng đất cát hoang, miếng đất ngaу bên giáo đường
Biển sẽ ru tiếng hát êm trùng dương

4/ Giờ đã đến lúc tan ánh mặt trời
Giàn thiên lý đã xa mãi người ơi!
Lấp đất, hố tôi, lấp νới đôi tay cô nàng
Thì hãу chôn, trái tim non buồn thương

Công việc thực sự của Phạm Duy là viết lời Việt trên nền nhạc Pháp hay Anh, phóng tác nhạc thôi chứ không phải dịch. 
Tác giả viết lời Pháp "Chèvrefeuilles que tu es loin" cũng đâu có viết chính xác theo lời gốc Anh "Scarborough fair", hay "Comme d'habitude" cũng đâu có chính xác với "My Way". Lê Hựu Hà viết "Đồng Xanh" cũng đâu có chính xác với "Greenfield", Trường Kỳ viết lời Việt "Hạ vàng biển xanh" hoàn toàn khác nghĩa với "Sealed with the kiss" của Bobby Vinton và còn nhiều lắm. 
Phạm Duy, Trường Kỳ, Nam Lộc, Lê Hựu Hà ... là những nhân vật đã làm sứ mệnh lịch sử lúc đó là đưa nhạc Anh, Pháp vào Việt Nam. Thực sự dân mình đâu có phải ai cũng có kiến thức về tiếng Anh, Pháp siêu đẳng cho nên viết lời Việt cho để họ nghe cho dễ, giải trí là chính. 
Bài "Tình ca du mục" thực sự là cổ ca của Nga, có nghĩa là "By the long road" dịch sang tiếng Anh là "Those were the days" với lời hoàn toàn khác nghĩa gốc, rồi khi sang tiếng Việt là "Tình ca du mục" thì lại giống với lời gốc Nga. 
Giống thì tốt, không giống cũng không sao, miễn là bất cứ nguời Việt nào, ở trình độ kiến thức nào đều có thể hát được dễ dàng. Tiếng Việt mình bị năm dấu "sắc huyền hỏi ngã nặng" nên viết lời Việt cho một bản nhạc nhất là từ một phiên bản ngoại quốc thì khó hơn tiếng Anh và Pháp rất nhiều.

Lời bài "Les enfants du Piree" của Dalida đâu có giống "Never on Sunday" của Petula Clark.
Lời bài "Comme d'habitude" của Claude Francois khác với "My way" của Paul Anka.
Lời bài "Those were the days" (Tình ca du mục) của Mary Hopkin hoàn toàn khác với lời "Dorogoy dlinnoyu" (By the long road) của dân ca Nga.
Lời tiếng Pháp của bài "Chariot" của Petula Clark đâu có giống lời Anh "I will follow him".
Lời Pháp "Bang bang" của Sheila đâu có giống lời Anh "Bang bang" của Cher.
Và gần đây nhất là lời bài "Une Femme Amoureuse" của Mireille Mathieu đâu có giống "Woman in Love" của Barbara Streisand.

Không có ai phê phán họ là đặt lời sai bét, cũng như Phạm Duy, Lê Hựu Hà, Trường Kỳ, Nam Lộc, Jo Marcel … chỉ lấy nhạc Pháp, nhạc Anh đặt lời Việt. Họ không có nói là họ dịch, họ chỉ đặt lời Việt, nếu có trúng ý nghĩa một vài câu bên nhạc Anh, nhạc Pháp thì đó là điểm tài hoa của họ.

Và một lần nữa xin gởi đến các bạn Scarborough Fair với Paul Simon và Garfunkel:

Lê Anh Dũng 
Don Le

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen